“Giải cứu” du lịch Phú Quốc: “Lời xin lỗi là cần thiết”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng để lấy lại hình ảnh cho Phú Quốc cần có sự vào cuộc, cam kết thực hiện của các bên và tiếp đó là sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành trên cả nước.

PV: Thưa ông, lần đầu tiên ông đến Phú Quốc là khi nào?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi đến Phú Quốc là năm 2008, khi đó tôi có nhiệm vụ dẫn một đoàn khảo sát của Cục Du lịch Singapore và Trung tâm Du thuyền Singapore đi tìm hiểu về phát triển du lịch tàu biển. Khi đó, các bãi biển Phú Quốc còn rất nguyên sơ, không gian tự nhiên còn nguyên vẹn, cả hòn đảo trong lành và yên bình rất đẹp. Không những tôi mà cả phía đoàn khách Singapore cũng rất yêu thích Phú Quốc về vẻ đẹp, giá trị sinh thái, đa dạng sinh học.

Sau năm 2010, Phú Quốc mới bắt đầu thu hút đầu tư du lịch mạnh mẽ, tôi cũng đã quay lại đây nhiều lần nữa. Cho đến bây giờ thì Phú Quốc thay đổi nhiều, ngành du lịch có nhiều phát triển tích cực; nhưng đồng thời một số vấn đề xã hội, môi trường cũng nảy sinh và ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái.

“Giải cứu” du lịch Phú Quốc: “Lời xin lỗi là cần thiết” - 1

Phú Quốc được yêu mến bởi vẻ đẹp tự nhiên, giá trị sinh thái và đa dạng sinh học.

PV: Là chuyên gia du lịch đã theo sát Phú Quốc suốt nhiều năm qua, theo ông sự phát triển của Phú Quốc đã đóng góp gì cho địa phương và ngành du lịch cả nước nói chung?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Phải khẳng định Phú Quốc đã là một điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới. Trong các định hướng, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thì Phú Quốc vẫn là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, đến năm 2020 đã được xác định nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế những năm qua Phú Quốc đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch cả nước và địa phương. Với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, Phú Quốc đã có những chính sách đặc thù, được ưu tiên về nguồn lực đầu tư hạ tầng, khuyến khích thu hút đầu tư nên tốc độ tăng trưởng du lịch của Phú Quốc ở mức rất cao. Nhờ đó, Phú Quốc giúp Việt Nam gia tăng lượng khách quốc tế, khách nội địa, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ở địa phương. Sự phát triển của du lịch Phú Quốc có hiệu ứng lan tỏa, tạo việc làm, nâng cao sinh kế, góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

PV: Gần đây ngành du lịch Phú Quốc hứng chịu nhiều chỉ trích. Chưa bàn về tính chính xác của các chỉ trích, theo ông, một nhà quản lý điểm đến nên ứng xử thế nào trong trường hợp này?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Trong ngành dịch vụ du lịch, chuyện khách du lịch khen chê là hết sức bình thường, mọi người đều có quyền bình luận tùy cách nhìn khác nhau. Nhưng khi nhiều ý kiến tạo thành một luồng dư luận thì chắc hẳn phải có vấn đề ở đâu đó, mà nhà quản lý phải tìm thấy và rút ra bài học để đề xuất, điều chỉnh chính sách, quy định hoặc chấn chỉnh công tác quản lý cho phù hợp. Nhiệm vụ của nhà quản lý là thẳng thắn nhìn nhận hạn chế và đánh giá được các ý kiến đó.

Tôi thấy các ý kiến về du lịch Phú Quốc gần đây có cái đúng, có cái chưa đúng. Chúng ta nhìn vào những thành quả và đóng góp của Phú Quốc như tôi đã nói ở trên thì rõ ràng đằng sau là nỗ lực của rất nhiều người, cộng đồng người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Những ai phủ nhận sạch trơn và tiêu cực thì không đúng.

Những ý kiến về giá đắt hay giá rẻ thì đây là câu chuyện của thị trường và do thị trường điều tiết. Tôi nghĩ Phú Quốc có rất nhiều loại hình dịch vụ, do các doanh nghiệp khác nhau phục vụ đối tượng khác nhau nên giá cả sẽ chênh lệch, quan trọng là tương xứng với số tiền bỏ ra. Câu chuyện giá vé máy bay đến Phú Quốc cao quá thì cũng chỉ mang tính thời điểm, các hãng hàng không cũng cần tính toán vì chi phí đầu vào đã tăng cao rồi, cả về nhân lực, nhiên liệu, vận hành… Tôi tin rằng nếu giá vé cao mà Phú Quốc tìm được phân khúc phù hợp và phục vụ đủ tốt thì khách vẫn đến đây.

Tuy nhiên gần đây khi những phàn nàn quá nhiều và lên đến cao trào về nhiều vấn đề của du lịch Phú Quốc thì đó là cảnh báo khẩn cấp cho Phú Quốc. Thực tế theo tôi quan sát, từ năm 2015 đã có những ý kiến phản biện, lo ngại về xung đột giữa phát triển du lịch và bảo tồn, gìn giữ tài nguyên tự nhiên, sinh thái ở Phú Quốc. Nếu chính quyền biết lắng nghe, tiếp thu từ thời điểm 2015 đó thì có lẽ sẽ không gặp hoàn cảnh như bây giờ.

Lượng khách đến Phú Quốc liên tiếp sụt giảm cho thấy khách hàng đã có sự đánh giá và lựa chọn. Thực tế là Phú Quốc đang bị cạnh tranh rất gắt gao ngay chính tại Việt Nam, khi các điểm đến khác lần lượt vượt lên, hút khách hơn. Nhiều điểm du lịch tại Việt Nam ngày càng cải thiện về hạ tầng, dịch vụ, cách phục vụ, quảng bá, liên kết… Trong lúc các điểm đến đều nỗ lực và du khách có quá nhiều lựa chọn thay vì đến Phú Quốc, thì Phú Quốc lại chậm chạp trong việc sửa sai.

“Giải cứu” du lịch Phú Quốc: “Lời xin lỗi là cần thiết” - 2

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch

Cách nào “phá băng” cho du lịch Phú Quốc?

PV: Từ góc độ nhà nghiên cứu, ông thấy ngành du lịch Phú Quốc đang gặp vấn đề gì?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Các vấn đề nhức nhối của du lịch Phú Quốc vừa qua đã được nhiều chuyên gia lên tiếng, trong đó nổi lên là phát triển nóng. Trong quá trình phát triển, yếu tố bền vững về môi trường và xã hội, những vấn đề môi trường chưa được chú trọng. Tình trạng ô nhiễm, rác thải gia tăng trong khi chưa có hệ thống xử lý chất thải đồng bộ càng gây áp lực lên Phú Quốc. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã làm suy giảm lợi thế cốt lõi của Phú Quốc là du lịch sinh thái, biển đảo.

Khi các vấn đề xã hội nảy sinh thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch, khiến du khách chuyển sang những điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện hơn. Ngày nay du khách luôn yêu thích các điểm đến nguyên sơ, yên bình, trong lành. Phú Quốc vốn là “hòn đảo thiên đường” đơn thuần nghỉ dưỡng, sinh thái là đáp ứng đúng nhu cầu này, thế nhưng vừa qua chúng ta ôm đồm quá, tham vọng Phú Quốc phải là trung tâm đa chức năng như tài chính, thương mại, dịch vụ, phát triển như một thành phố!

Ở các nước khác, cách phát triển du lịch trên một hòn đảo thường là các sản phẩm du lịch thuần túy dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, cùng với các giải pháp quản lý điểm đến, đặt ra sức chịu tải về lượng khách. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và nền tảng khoa học, Phú Quốc đang đứng trước cơ hội khắc phục vấn đề, điều chỉnh định hướng phát triển khi sắp tới, Chính phủ sẽ đánh giá 20 năm thực hiện đề án tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

PV: Theo ông, điều gì Phú Quốc cần và có thể làm ngay để vực dậy ngành du lịch?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Khi nghĩ về lợi ích chung thì sẽ có giải pháp. Trước tiên các bên ở Phú Quốc phải bắt tay với nhau, cùng bàn bạc và cam kết, thực hiện ngay.

Đã là một điểm du lịch thì trước hết Phú Quốc phải lắng nghe ý kiến phản hồi của khách du lịch và lấy lại hình ảnh đã mất. Đặt khách hàng là trung tâm, có trung tâm tiếp nhận thông tin phản hồi, đường dây nóng trả lời ngay các phản ánh của khách và cam kết khắc phục nếu là phản ánh chính xác.

Những điều du khách chê trách nhất là môi trường du lịch tại điểm đến thì phải làm ngay. Phú Quốc hãy khẳng định hòn đảo là nơi đáng để du khách ghé thăm, phát động chiến dịch làm sạch môi trường, cam kết về chất lượng dịch vụ và giá cả. Trả lại môi trường nguyên sơ, nhất là những nơi thu hút khách du lịch, dịch vụ ăn uống giải trí thì phải theo hướng văn minh, thân thiện. Hãy khiến du khách tin tưởng vào chất lượng dịch vụ, không chặt chém, không vấn đề xã hội, không mất vệ sinh và đảm bảo an ninh an toàn.

Tôi nghĩ lời xin lỗi cũng là cần thiết, gửi thông điệp tới du khách rằng “Phú Quốc xin lỗi và Phú Quốc đang thay đổi”.

Về lâu dài, sau khi Phú Quốc đã nhận ra những vấn đề tồn đọng và thách thức thì rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc mà Phú Quốc, Kiên Giang hay các doanh nghiệp không thể tự giải quyết được. Như tôi đã nói từ đầu, phát triển du lịch Phú Quốc là phát triển cho ngành du lịch cả nước và đóng góp chung cho quốc gia, cho nên các khó khăn của Phú Quốc cũng rất cần sự hỗ trợ tương xứng từ Trung ương. 

Phú Quốc cũng nên đánh giá sức tải, không nên chạy đua về số lượng khách mà nên phát triển theo hướng chất lượng cao và thực sự bền vững trên cơ sở tôn trọng môi trường. Hãy phát triển Phú Quốc đúng nghĩa là “thiên đường du lịch” như quốc tế đã vinh danh, chứ đừng xây dựng nó trở thành bình thường như các đô thị phổ biến khác.

PV: Xin cảm ơn ông.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Nam/VOV.VN (thực hiện) (Báo VOV)