Du lịch TP.HCM, làm thế nào để đột phá?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thành phố còn rất nhiều sản phẩm du lịch tiềm năng chưa được khai thác, không ít việc chưa làm để chuyển mình trở thành đô thị du lịch không ngủ.

So với cả nước, diện tích TP.HCM chiếm 6,3%; dân số 9,6% nhưng đóng góp hơn 27% tổng doanh thu ngân sách. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến thành phố chiếm 47%. Tổng doanh thu và doanh thu đầu khách dẫn đầu cả nước. Năm 2019, TP mỗi ngày có 78 chuyến xe khách liên vận Sài Gòn - Phnom Penh hai chiều, chưa kể xe các công ty, xe cá nhân.

Khoảng cách du lịch giữa thành phố và các vùng trọng điểm ngày càng thu hẹp. Khách đến thành phố nhiều nhưng lưu trú ngắn, thậm chí chỉ trung chuyển. Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, du lịch thành phố sẽ càng khó khăn hơn. 

Du lịch TP.HCM, làm thế nào để đột phá? - 1

Du khách nước ngoài dạo phố bằng vespa cổ. Ảnh: Hữu Long.

Có thể thấy rằng, ngành du lịch TP.HCM dù đã và đang rất nỗ lực nhưng chưa được như kỳ vọng. Theo đó, thành phố cần tận dụng hiệu quả những lợi thế sẵn có để tăng tổng doanh thu và doanh thu đầu khách. Mục tiêu là kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, du lịch thành phố phải có sản phẩm đặc thù; từ điểm đến, vui chơi, giải trí, mua sắm, hàng lưu niệm.  

Muốn thì dễ, làm mới khó, làm hiệu quả càng khó nhưng không ngoài tầm tay. Du lịch thành phố cần những đột phá mạnh mẽ. Bắt đầu từ chuyển đổi tư duy - TP.HCM là điểm đến hấp dẫn chứ không phải là điểm trung chuyển.

Chiến lược "Mỗi quận huyện ít nhất một sản phẩm du lịch" là cách rà soát tiềm năng du lịch của mỗi quận huyện, thành phố Thủ Đức. Đây là nguyên liệu để làm bánh và thành phố phải là thợ cả, "chế biến" các "nguyên liệu" của quận huyện thành những "chiếc bánh" (sản phẩm tour) để du khách chọn lựa.

Du lịch TP.HCM, làm thế nào để đột phá? - 2

Ngắm thành phố bằng xe bus mui trần. Ảnh: Shutterstock.

Sở Du lịch làm đầu mối, đặt hàng các công ty làm sản phẩm theo 5 cụm chính là cụm Trung tâm, cụm Bắc, cụm Đông Nam, cụm Đông và cụm phụ cận. Tổ chức các cuộc thi thiết kế "Sản phẩm du lịch đặc thù", "Sáng tác tranh, ảnh, bài viết, phóng sự, clip… độc đáo về du lịch thành phố". Cần thống nhất tên gọi bản chất các hoạt động này là "Ngày hội" hoặc "Những ngày hội".

Cụm trung tâm gồm quận 1, quận 3, mở rộng thêm quận 5, quận 10... Ngoài những điểm quen thuộc, có thêm các điểm mới như Nhà Thiếu nhi thành phố (dinh Phó Tổng thống VNCH), Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (nhà tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng nha Cảnh sát VNCH), ngôi nhà cổ nhất Nam bộ (trong Tòa Tổng Giám Mục SG), các trường học cổ, các đường cây môi trường (sao đen), nhà thờ hồng (Tân Định), chùa Candaransi (Khmer)... ở quận 3.

Quận 5 có nhà thờ Chợ Quán (xưa nhất Sài Gòn), chùa Vạn Phật; các phố Đông Y, Kim Hoàn, lồng đèn, nhà mồ bác học Trương Vĩnh Ký... Quận 10 có bảo tàng Y học Cổ truyền Fito. Liên tuyến có bus đường sông, du thuyền kênh Nhiêu Lộc, Citysights Hop On Hop Off (nên mở rộng vào quận 5).

Cụm Bắc có địa đạo Củ Chi và Một thoáng Việt Nam với nhiều trải nghiệm thú vị về các làng nghề, văn hóa và kiến trúc nhà ba miền, nông nghiệp sạch và cao cấp. Hóc Môn có Vườn Trầu Bà Điểm và các di tích cách mạng. Quận 12 có cơ sở nuôi cá sấu Hoa Cà, kết hợp thực nghiệm, bào chế sản phẩm chữa trị cho trẻ bị các bệnh về xương. 

Cụm Đông Nam có rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển thế giới, ruộng muối, đặc biệt là yến. Tìm hiểu nghề nuôi yến, thu hoạch và thưởng thức đặc sản yến tại nhà yến lớn nhất Việt Nam là trải nghiệm thú vị.

Cụm Đông có Bình Thạnh với lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832), Tổng trấn Gia Định xưa và chùa Sắc Tứ Tập Phước, xây từ giữa thế kỷ 18, được vua Gia Long sắc tứ năm 1802. Thủ Đức có bảo tàng Áo Dài duy nhất Việt Nam; khu công nghệ cao; nhiều chùa, đình, nhà thờ cổ...

Cụm phụ cận có Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp.

Du lịch TP.HCM, làm thế nào để đột phá? - 3

Thành phố cũng cần đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế đêm. Ảnh: Shutterstock.

Thành phố cũng cần đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế đêm, thay đổi giờ hoạt động dịch vụ như các nước (từ 9h-10h tới 21h-22h), từng bước biến Sài Gòn thành đô thị du lịch không ngủ. Tổ chức lưu trú trên sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, kênh Nhiêu Lộc; xây dựng đường Hoàng Sa và Trường Sa (kênh Nhiêu Lộc) thành khu đi bộ và kinh tế đêm. 

Ngành du lịch cũng cần đoạn tuyệt tư duy "Gắp đồ ăn cho khách". Nhà nước không ôm đồm, làm thay doanh nghiệp, chỉ hỗ trợ bằng chính sách, hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng; bổ sung, cập nhật thông tin về du lịch thành phố trên Google và mạng xã hội; làm bảng chỉ đường từ xa, kết nối xe bus với các điểm đến; dùng tranh, ảnh du lịch thành phố để trang trí, làm vật dụng và quà lưu niệm; hình thành các phố ẩm thực, phố mua sắm chuyên biệt.

Ngành du lịch còn rất nhiều việc phải làm. Trước khi tiến hành cách mạng 4.0, theo tôi cần ngay "4 có". Đó là: Có lộ trình hợp lý; có số liệu và thông tin minh bạch; có người chịu trách nhiệm và có cách làm hiệu quả.

Xích lô liệu đã lỗi thời?
Xích lô liệu đã lỗi thời?

Hai thập kỷ trước, có ít nhất 300 xe xích lô được sử dụng quanh thủ đô Hà Nội. Hiện tại chỉ còn khoảng 100 chiếc.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours, Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!