Du lịch Huế chưa quá tải, nhưng...
Mùa du lịch hè đang vào kỳ cao điểm. Các nơi trong nước đang quá tải du khách. Ngành du lịch cả nước đang vui sướng với hình ảnh du khách nườm nượp ở các điểm du lịch từ bắc vô nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gọi đó là “sự hồi sinh thần kỳ” sau hai năm dịch bệnh làm điêu đứng ngành du lịch cả thế giới. Trong khi đó, Huế - trung tâm du lịch của quốc gia - vẫn chưa thấy quá tải, thậm chí con số du khách trong 6 tháng đầu năm vẫn còn thấp.
Lượng khách đến Huế chưa vượt ngưỡng như một số địa phương khác
Nếu nhìn ra các địa phương cả nước đang nườm nượp du khách, kể cả những nơi không phải là điểm đến du lịch vẫn đông khách, sẽ thấy lo cho Huế. Nhưng nếu nghe tiếng ca thán bất bình của du khách từ các điểm du lịch quá tải, sẽ thấy cũng may cho Huế chưa rơi vào tình cảnh bất lực đó. Báo chí những ngày này liên tục đưa tin về tình trạng du lịch quá tải ở khắp các điểm đến du lịch nổi tiếng: Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Hạ Long, Sa Pa, Sầm Sơn, Bà Nà... Ở đâu cũng đông nghẹt du khách.
Một đồng nghiệp của tôi từ TP. Hồ Chí Minh đi nghỉ mát Đà Lạt đã thốt lên: “Xe cộ chen chúc khắp các con đường trung tâm, khách sạn hết phòng, quán ăn hết chỗ, chợ đêm chen chúc chỉ thấy người mua không thấy nổi người bán. Rác xả đầy đường, chặt chém và hách dịch. Không còn là Đà Lạt nữa!”. Anh ta nhắn tin cho tôi: “Xem chừng có ngày xứ Huế thơ mộng của bạn cũng sẽ náo loạn du khách như vậy!”.
Tình trạng quá tải du lịch này đã được dự báo từ sớm. Một năm trước, khi cả nước đang điêu đứng với dịch bệnh, ngành du lịch gần như “chết lâm sàng”, thì các chuyên gia kinh tế đã dự báo làn sóng du khách sẽ bùng vỡ ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống, như chiếc lò xo bị nén lâu ngày bung ra. Vì vậy, ngành du lịch cần tranh thủ thời gian dịch bệnh để chuẩn bị đón làn sóng đó, để tránh tình trạng quá tải du khách. Mọi việc đã diễn ra đúng như dự báo.
Hơn hai năm dịch bệnh điêu đứng, mà du lịch là lĩnh vực bị “thương vong” nặng nhất, nên khi nhìn những đoàn du khách nườm nượp trở lại, không chỉ người làm du lịch, mà dường như cả xã hội đều vui mừng. Nhưng nỗi mừng chưa hết thì niềm lo cũng đã đến. Điều gì còn lại sau mùa du lịch hè đông đúc, khiến di tích, thắng cảnh bị xài xể, môi trường bị ô nhiễm, hàng hóa dịch vụ xuống cấp, du khách mệt mỏi và người địa phương chán chường? Liệu du khách có quay trở lại với những điểm du lịch nổi tiếng mà họ vừa mệt mỏi “đào thoát”? Hệ lụy quả thật là không nhỏ.
Trước cảnh trạng đó, mới thấy du lịch Huế may mắn chưa rơi vào quá tải. Nhưng điều đó hoàn toàn có thể diễn ra trong một ngày không xa, khi du khách chán chê với những điểm đến mà họ đã mệt mỏi “đào thoát”, sẽ kéo nhau đến Huế. Trong khi đó, ngành du lịch của tỉnh nhà vẫn chưa kịp có đủ chỗ lưu trú, chưa có thêm nhiều điểm du lịch mới, và du khách vẫn quẩn quanh với những di tích, danh thắng quen thuộc. Lúc đó, du khách lại bất bình như đã bất bình với Đà Lạt, Nha Trang, Hạ Long, Sa Pa...
Đáng lo ngại nhất là khu di sản Cố đô Huế cổ kính, già nua sẽ bị quá tải. Hầu như du khách nào đến Huế cũng tham quan di sản. Tối thiểu cũng có 90% du khách đến Huế vào tham quan di tích Đại Nội. Theo tính toán, sức chứa của khu di sản Cố đô Huế vào khoảng 5 triệu lượt du khách/năm. Nếu không có dịch bệnh thì giờ này du khách đến tham quan khu di sản Huế đã vượt con số đó, vì cuối năm 2019 du khách đến Huế đã đạt hơn 4,8 triệu lượt. Hiện tại, con số này vẫn còn thấp, sáu tháng đầu năm 2022 chỉ có hơn 820.000 lượt du khách đến Huế. Người làm du lịch Huế cũng như đơn vị quản lý khu di sản này vẫn đang mong mỏi du khách đến đông hơn. Rồi thì khách cũng sẽ đến và đến nườm nượp, như những gì chúng ta đã thấy ở di tích Đại Nội những ngày lễ, tết. Theo chúng tôi, việc mà ngành du lịch Huế cũng như khu di sản đặc sắc này cần phải chuẩn bị, đó là phương án đón khách để tránh rơi vào tình trạng quá tải. Lúc đó, sẽ khổ sở như phố cổ Hội An quá tải từ bốn năm trước (2018).
Hiện tại, Huế vẫn còn dư địa cho du lịch đại trà, nhưng phải hết sức tỉnh táo để kiềm chế trước sức hấp dẫn của nguồn thu rất nhiều và rất nhanh từ dòng khách này. Vì với du lịch đại trà, được nhiều mà mất cũng không ít. Về lâu dài, Huế phải chọn du lịch bền vững. Huế phải chọn lọc du khách, nhất là các điểm du lịch có đẳng cấp cao, giá trị lớn như: Đại Nội, lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình, biển Lăng Cô, núi Bạch Mã... Khách tham quan hoàng cung cổ kính, lăng tẩm rêu phong, chùa chiền tôn nghiêm mà nườm nượp thì đâu có tốt. Để tận hưởng sản phẩm rừng nguyên sinh do thiên nhiên tạo ra từ triệu năm trước, một bảo tàng thiên nhiên đã được xếp hạng Vườn Quốc gia Bạch Mã, thì không thể trả giá thấp như mua một cái vé vào khu du lịch nhân tạo. Đặc tính của đất trời, của con người, của văn hóa, của xã hội xứ sở này, dường như ít phù hợp với những gì mang tính chất “nhanh, nhiều, đông”. Bản thân Huế đã mang trong mình sự lựa chọn đó.
Vì vậy, với du lịch Huế, không nên đếm bao nhiêu triệu du khách, mà nên chú trọng thu bao nhiêu tiền. Nên chọn chất lượng thì phù hợp hơn là số lượng. Chạy theo số lượng thì quá tải sẽ đến ngay trong tầm tay.
Ngày hội Hiphop Huế 2022 là sự kiện hiphop đặc sắc, có nhiều điểm mới nhất từ trước đến nay được tổ chức ở Cố...