Du lịch bắt tay vào làm lại mới thấy... quá khó
Từ ngày 1/10, TP.HCM dỡ bỏ hết rào chắn, dần mở cửa sau mấy tháng phong tỏa nghiêm ngặt. 20 ngày đã qua, các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thể khởi động dù mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng chờ ngày tái khởi động.
Du khách tham quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP.HCM (ảnh chụp tháng 9-2020). Tuyến du lịch này vẫn chưa hoạt động lại sau giãn cách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thành phố mở cửa, người dân phấn khởi, nhịp sống bật dậy như lò xo. Đường phố nhộn nhịp, xe cộ ngược xuôi, kinh tế hồi sinh nhưng vẫn rất dè dặt. Hộ cá thể bung mạnh nhưng doanh nghiệp lớn vẫn loay hoay.
Du lịch vẫn rất khó khăn. Đọc thông tin chỗ này chỗ kia mở cửa, làm tour đón khách nghe thì vui nhưng bắt tay vào làm thì quá khó!
Sài Gòn mở tuyến buýt đường sông từ ngày 16-10, nhưng du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc và sông Sài Gòn vẫn chưa được phép xuất bến. Đường thủy thông thoáng hơn, không khí trong lành hơn đường bộ mà vẫn phải chờ.
Chúng tôi lỡ mất mấy tour du lịch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để tri ân những phụ nữ tuyến đầu và các nữ tình nguyện viên chống dịch dịp 20-10 mà tiếc đứt ruột.
Nội thành đã vậy, đi tỉnh khác còn gian nan hơn. Tây Ninh tiên phong mở cửa nhưng xe vận chuyển phải có mã code của Sở Giao thông vận tải nơi đi và nơi đến. Du khách phải tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm âm tính... Qua các chốt chặn liên tỉnh phải trình kiểm tra app tiêm chủng, app di chuyển. Còn hơn cả du lịch nước ngoài trước đây. Có khi tỉnh mở toang cửa chính, còn các cửa phụ chốt kiểm soát thì tùy, mỗi nơi mỗi kiểu.
Các tỉnh khác chỉ he hé cho khách nội tỉnh. Dân TP.HCM muốn đến các tỉnh, ngoài tiêm chủng 2 liều còn phải có giấy xác nhận âm tính, kể cả trẻ em. Tới nơi phải cách ly 7 ngày. Các doanh nghiệp lữ hành phải tìm hiểu, nghiên cứu quy định từng nơi để "nhập gia tùy tục". Có nơi tỉnh đã có chủ trương nhưng sở chưa có hướng dẫn, có dự thảo nhưng phải lấy ý kiến ban ngành, chưa xong đã lạc hậu. Cứ phải nghe ngóng và cập nhật từng ngày.
Có tour cho khách đi xem dự án, ăn uống và vệ sinh trên xe, chỉ xuống xem đất rồi về cũng chưa thể tổ chức. Tỉnh bảo việc cụ thể do huyện quyết. Huyện bảo phải có tỉnh chỉ đạo. Có tỉnh cho phép xe chạy ngang qua địa phương nhưng không được dừng, ôtô phải niêm phong cửa.
Có người bảo ráng chịu thêm. Khổ gần hai năm rồi, khổ thêm chút nữa cũng không sao. Có sao quá đi chứ! Du lịch kiệt sức, thấy ánh sáng cuối đường hầm nhưng cứ le lói từ xa.
Anh em động viên nhau, đâu phải chỉ du lịch mới khổ. Việc đi lại thăm người thân, nuôi bệnh, chữa bệnh cũng còn lắm gian nan, nói chi du lịch. Trung ương đã xác định "sống chung với COVID-19", có nghị quyết 128, bãi bỏ các chỉ thị 15, 16, 19 nhưng nhiều địa phương cứ làm theo ý mình, mỗi nơi một kiểu, "phép vua thua lệ làng".
Cần kíp phải lập lại trật tự xã hội, chống tình trạng cát cứ trong phòng chống dịch bệnh như hiện nay. Phải chấm dứt tình trạng mỗi tỉnh có quy định riêng về du lịch và thay đổi như chong chóng. Du lịch nội địa đơn giản còn chưa giải quyết được, nói chi việc đón khách quốc tế. Không thể cứ đủng đỉnh vì sẽ mất thời cơ, tụt hậu.
Ngành du lịch cần mở cửa "khẩn trương và an toàn", các nước đều làm vậy. Khó khăn chất chồng vì phong tỏa. Đừng chất thêm nỗi khổ vì mở cửa chập chờn, thò thụt, cảm tính, chỗ mở chỗ đóng, tiếng là mở rồi nhưng không ai đi được vì vướng phải sự chậm chạp trong hướng dẫn và không thống nhất trong thực hiện giữa các địa phương.
23 triệu khách Tây Ban Nha đi du lịch nước ngoài năm 2019 thì Việt Nam đón được chưa đến 0,5%. Lưu trú dài ngày, có mức...