Doanh nghiệp du lịch TP.HCM ‘cầu cứu’ vì bị mạo danh fanpage
Thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp du lịch, khách sạn và resort tại TP.HCM lên tiếng "cầu cứu" trước tình trạng bị mạo danh fanpage trên mạng xã hội. Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, các hành vi lừa đảo còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu và trải nghiệm của du khách.
Mạo danh tinh vi, doanh nghiệp rơi vào thế khó
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Marketing một khách sạn ở P.Vũng Tàu (TP.HCM) cho hay các trang mạo danh sử dụng tên, hình ảnh, nội dung quảng bá giống hệt fanpage chính thức để đánh lừa người tiêu dùng.
"Chúng tôi đã nỗ lực cảnh báo, gắn thông báo trên fanpage thật, nhưng việc xử lý vẫn rất bị động và manh mún. Khách chuyển tiền, đến nơi mới phát hiện không có đặt phòng. Khi ấy, chúng tôi vừa mất uy tín, vừa rơi vào tình huống khó xử vì không thể hỗ trợ", bà Thanh Hà nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Marketing tại khách sạn ở P.Vũng Tàu (TP.HCM)
Không ít doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM cũng phản ánh tình trạng tương tự, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch. Các fanpage giả mạo có thể chạy quảng cáo chuyên nghiệp, tương tác bình luận sống động, thậm chí có cả “tích xanh” khiến người dùng không nghi ngờ.
Ông Nguyễn V.T, chủ một công ty tổ chức tour nội địa tại TP.HCM cho biết công ty ông từng bị một fanpage mạo danh rao bán tour giá rẻ. “Khách hàng chuyển cọc, rồi mất liên lạc. Khi tìm đến văn phòng chúng tôi để khiếu nại, họ mới phát hiện bị lừa”.
Tương tự, anh Nguyễn Hải Nam (Quản lý một homestay ở P.Tân Kiểng, TP.HCM) bức xúc kể: “Chúng tôi đã hai lần gửi yêu cầu lên nền tảng mạng xã hội để gỡ fanpage giả, nhưng chờ đợi rất lâu. Trong khi đó, các đối tượng vẫn tiếp tục chạy quảng cáo, thu tiền và biến mất”.
Tour giá rẻ, phòng sang "ảo"
Không ít người đã rơi vào bẫy lừa chỉ vì tin vào các chương trình “siêu khuyến mãi” trên mạng. Những lời mời gọi như “Combo 3N2Đ chỉ 3,89 triệu đồng”, “Villa 5 sao 1 triệu/đêm” hay “Chỉ còn vài suất cuối cùng”... dễ dàng đánh trúng tâm lý thích rẻ, lo “cháy vé” của khách hàng.
Song song đó, nhiều người dùng mạng xã hội cho biết họ đã mất hàng chục triệu đồng sau khi đặt combo du lịch thông qua các fanpage hoặc nhóm Facebook có tên gọi gợi cảm giác tin cậy như “Resort…” hay “Du lịch giá rẻ…”.
Những trang này thường có giao diện bắt mắt, hình ảnh chuyên nghiệp, giới thiệu rõ ràng và thậm chí cung cấp cả phiếu xác nhận có dấu mộc đỏ. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, khách không nhận được phản hồi, hotline không liên lạc được và tài khoản nhắn tin thì bị chặn. Khi tìm đến địa chỉ văn phòng ghi trên phiếu, mới tá hỏa phát hiện chỉ là một tiệm photocopy hoặc địa chỉ không tồn tại.
Đầu tháng 7, chị N.N. (TP.HCM) lên kế hoạch đưa gia đình nghỉ dưỡng hai ngày tại một resort ở Phan Thiết. Sau khi xem nhiều clip review trên TikTok, chị tìm kiếm thông tin trên Facebook và thấy một fanpage trùng tên, có tick xanh, giao diện chuyên nghiệp nên tin tưởng đặt phòng.
Du khách TP.HCM bị “dính bẫy” từ fanpage giả mạo
“Họ tư vấn nhanh, thân thiện, báo còn phòng và yêu cầu chuyển trước 50% - tương đương 5,5 triệu đồng để giữ chỗ. Tôi không nghi ngờ gì và đã chuyển khoản”.
Tuy nhiên, sau đó người nhận báo chị chuyển sai mã đặt phòng, yêu cầu chuyển thêm. Họ còn hướng dẫn chị liên hệ với một tài khoản khác để hoàn tiền, nhưng không ai phản hồi.
Khi chị nhắn hỏi thêm thông tin, fanpage cũng ngừng trả lời. Nghi ngờ, chị tra cứu lại trên Google Maps thì phát hiện toàn bộ thông tin liên hệ đều không khớp.
Doanh nghiệp thiệt hại, ai chịu trách nhiệm?
Một resort tại P.Vũng Tàu, TP.HCM cho biết đã bị mạo danh đến 4 lần chỉ trong vòng hai tháng. “Khách hàng bị lừa quay sang trách móc chúng tôi, trong khi chúng tôi hoàn toàn không liên quan. Chúng tôi gửi báo cáo thì phải chờ rất lâu. Khi fanpage giả bị gỡ, thì kẻ gian đã lừa được thêm nhiều người khác".
Hiện nay, việc xử lý các trang giả mạo phần lớn phụ thuộc vào cơ chế báo cáo của nền tảng mạng xã hội, trong khi chưa có công cụ quản lý tập trung hoặc hệ thống cảnh báo chung. Các doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, đồng thời hiệp hội ngành nghề cần phát huy vai trò bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ thành viên khi bị mạo danh
Theo thông tin từ Bộ Công an. Thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay: Tạo fanpage và website giả mạo: Dùng tên, logo, hình ảnh giống doanh nghiệp thật, chỉ thay đổi nhỏ trong tên gọi; Rao tour giá rẻ phi lý: Tung combo du lịch, villa, resort giá rẻ bất thường, đánh vào tâm lý ham rẻ; Tạo bình luận ảo: Dùng tài khoản giả để tạo tương tác, bình luận tích cực nhằm tạo độ tin cậy; Gây áp lực thời gian: Hối thúc “chuyển khoản ngay”, “giữ chỗ gấp”, khiến người tiêu dùng không kịp kiểm tra; Chuyển hướng tới website giả: Gửi link chứa mã độc, yêu cầu thanh toán qua kênh không an toàn, đánh cắp thông tin cá nhân.
Giải pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến: Với người tiêu dùng: Xác minh kỹ fanpage, website: So sánh thông tin trên nhiều nền tảng, kiểm tra dấu tick xanh, gọi điện xác nhận trực tiếp.
Không chuyển khoản vội vàng: Tránh thanh toán qua tài khoản cá nhân. Chỉ giao dịch khi có xác nhận chính thức từ doanh nghiệp. Lưu giữ bằng chứng: Tin nhắn, hình ảnh, giao dịch... để trình báo cơ quan công an khi bị lừa.
Với doanh nghiệp: Đăng ký xác minh chính thức: Tick xanh trên Facebook, Zalo, Google để khách hàng dễ phân biệt; Cảnh báo thường xuyên: Đăng thông báo về trang giả, hướng dẫn khách nhận diện đúng - sai; Phối hợp xử lý: Chủ động báo cáo với nền tảng mạng xã hội và cơ quan chức năng khi bị mạo danh.
Phá đường dây lừa đảo du lịch chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng Công an tỉnh Lào Cai vừa khởi tố hai chị em ruột về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc giả mạo fanpage khách sạn trên Facebook để lừa hơn 500 khách du lịch trên cả nước. Qua điều tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều fanpage mạo danh các khách sạn, villa tại khu vực Sa Pa để nhận tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh vào cuộc, truy xét, bắt giữ các nghi phạm. Cụ thể, từ cuối năm 2023, hai đối tượng Quách Thị Thu Hằng (SN 2001, trú tại Thanh Hóa) và Quách Thị Thu (SN 1998, trú tại Bắc Ninh), do thiếu tiền chi tiêu cá nhân, đã cùng nhau thực hiện hành vi lừa đảo. Lợi dụng kinh nghiệm từng làm môi giới phòng nghỉ, hai chị em mua, lập các fanpage giả mạo có tên gần giống khách sạn thật như "White Cloud Sapa Homestay", "Eco Nghi Sơn Island", "The Kupid Đà Lạt"… Sau đó, họ sử dụng hàng loạt tài khoản ngân hàng và sim điện thoại khác nhau để yêu cầu khách đặt cọc giữ phòng. Sau khi nhận tiền (thường là 50% giá trị phòng), các đối tượng lập tức chặn liên lạc và xóa fanpage, rồi tiếp tục tạo trang mới để lặp lại chiêu trò. Ngày 9/7/2025, lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra, triệu tập 15 đối tượng liên quan, thu giữ nhiều tang vật gồm điện thoại, sim rác, tiền mặt, trang sức và dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động lừa đảo. Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận đã lừa đảo hơn 500 nạn nhân, chiếm đoạt số tiền trên 2 tỷ đồng từ cuối năm 2023 đến tháng 2/2025. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng để xử lý theo quy định pháp luật. |

Dù ban tổ chức đã nhiều lần lên tiếng, từ người sáng lập đến đại diện pháp lý, làn sóng chỉ trích vẫn không ngừng...