Sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và từng có thời gian làm nghề giáo, vậy tại sao ông lại chuyển sang làm du lịch?

Thời của tôi - thời bao cấp - chúng tôi học tập, ra trường và được phân công công tác theo sự điều động của nhà trường. Tôi có 4 năm làm giáo viên tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ (thuộc chương trình cải cách giáo dục của Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại). Có một kỷ niệm nhỏ nhưng nhớ mãi. Năm 1987, tôi làm phiên dịch cho đoàn Viện Hàn lâm Khoa học Sư phạm Liên Xô sang làm việc với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và vinh dự được phiên dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi ông tiếp kiến đoàn. Một cán bộ làm du lịch đi cùng Đại tướng, thấy tôi nói tiếng Nga trôi chảy hỏi tôi có muốn chuyển sang làm du lịch không. Lúc đó, còn chưa hiểu du lịch là gì, nhưng sau đó, tôi quyết định thử thách bản thân trong lĩnh vực mới này. Đó là năm 1988. 

12 năm làm việc trong một công ty trực thuộc Tổng cục Du lịch, có nhiều cơ hội ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, nhận thấy du lịch đường sông, du lịch gắn với tàu thuyền là một mảng tiềm năng và sẽ phát triển mạnh trong tương lai nên năm 2000, tôi thành lập công ty riêng - Công ty Focus Travel. Lúc này, Focus Travel phải tìm hướng đi khác biệt để phát triển bền vững, không thể theo lối mòn cũ. Tình cờ, tôi tiếp xúc với một số công ty du lịch đường sông nước ngoài quan tâm đến sản phẩm du lịch sông Mekong, sông Hồng của Việt Nam. Và câu chuyện sau đó thì như mọi người đã thấy. Nói như thế để thấy không hẳn là tôi "chuyển hướng" mà có lẽ du lịch đã chọn tôi

Trong cuộc đời mỗi người thường có những khoảnh khắc quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và sự nghiệp của họ, điều này có đúng với ông không?

Đúng như vậy. Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc nhưng sau đó đất nước vẫn phải trải qua những cuộc chiến tranh khác. Mãi đến những năm 1990-1991, hòa bình thực sự mới trở lại với Việt Nam. Tôi sinh năm 1962, thuộc thế hệ mà nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Chào 61! đỉnh cao muôn trượng". Thế hệ chúng tôi - những người sinh ra, lớn lên trong chiến tranh và chứng kiến cả thời điểm hòa bình cùng những thăng trầm của lịch sử. Tất cả những điều đó tác động rất nhiều đến tôi, khiến tôi nhận ra rằng chính hòa bình là điều kiện tiên quyết để phát triển. Không có hòa bình thì không có gì cả: không thể có kinh tế, không thể làm ăn, cũng không thể có du lịch như ngày nay.

Ông thuộc thế hệ mà chúng tôi gọi là "thế hệ Nga học". Vậy những trải nghiệm kể ở trên có tạo ra sự khác biệt giữa thế hệ doanh nhân của các ông với các thế hệ doanh nhân bây giờ không?

Chắc chắn là có sự khác biệt. Các thế hệ doanh nhân sau này, như thế hệ sinh ra sau hòa bình hay thế hệ 8X chẳng hạn, không thể có được những cung bậc cảm xúc như chúng tôi từng trải qua. Chúng tôi trải qua nhiều khó khăn nên cách làm việc, cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề cũng khác. Mặt khác, thế hệ chúng tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Nga. Tôi học sư phạm ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Nga, sau đó sang thực tập tại Oryol - cái nôi của văn học Nga. Những tác phẩm văn học bất hủ của Nga gần như thấm sâu vào thế hệ của chúng tôi hồi đó, đặc biệt là sự lãng mạn, sự nhân văn. Điều đó đã góp phần tạo nên một thế hệ doanh nhân khát khao tạo ra giá trị trong kinh doanh, nhưng đồng thời, tính nhân văn ấy vẫn bao trùm lên mọi hoạt động kinh tế.

Phải chăng vì thế mà nhiều bạn bè gọi ông là một doanh nhân nhưng lãng mạn!

Có lẽ là tôi cũng lãng mạn thật. Điều đấy có lẽ do ảnh hưởng từ văn hóa Nga. Nhưng trong kinh doanh cũng cần lãng mạn lắm chứ (Cười), chắc chắn không lãng mạn thì tôi không có thành tựu như hiện nay.

Quay lại câu chuyện về biển, tôi có đọc được ở đâu đó một nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng kinh tế biển Đông đã được nhân dân ta khai thác và sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, cả trước kia lẫn hiện nay, tầm quan trọng và tiềm năng của biển vẫn chưa được chúng ta phân tích, đánh giá đầy đủ trong việc hiểu biết, khai thác và sử dụng biển cũng như tài nguyên biển. So với sự hiểu biết và khai thác đất liền, chúng ta còn lạc hậu. Kinh tế biển chưa có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân. Nói cách khác, chúng ta vẫn đang quay lưng lại với biển. Ông nghĩ sao về nhận định này của Đại tướng?

Ana Marina là dự án bến du thuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, với khả năng tiếp nhận hơn 200 du thuyền. Dự án có cơ sở hạ tầng hiện đại, bao gồm bến neo đậu, khu bảo trì du thuyền, nhà hàng ven vịnh, khu mua sắm và giải trí. Không chỉ phục vụ khách du lịch quốc tế, Ana Marina còn là điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích du lịch biển cao cấp, đồng thời mở ra cơ hội phát triển dịch vụ du thuyền cá nhân và thuê bao (chartered) tại Việt Nam. Tôi nghĩ đây không chỉ là một dự án hạ tầng đơn thuần - có thể khát vọng của ông còn lớn hơn thế?

Có vẻ như bạn đã nhìn thấy toàn bộ quá trình phát triển của Focus Travel cũng như những gì tôi mong muốn cống hiến cho ngành du lịch trong suốt cuộc đời mình. Tôi luôn tìm kiếm những sản phẩm mới, dịch vụ mới, và cả những tham vọng – tức là những hướng đi mới cho du lịch Việt Nam. Phải nói rằng, từ trước đến nay, chúng ta có rất nhiều cảnh đẹp, nhiều giá trị văn hóa, cả hữu hình lẫn vô hình. Nhưng đôi khi, chúng ta lại khai thác quá mức và theo cách thô sơ.

Chẳng hạn, một rừng quốc gia hay vịnh Hạ Long tuyệt đẹp, nếu không được quy hoạch bài bản để cải tạo, thì sẽ rất lãng phí. Người Việt chúng ta thường ngại từ “cải tạo”, cứ nghĩ nó đồng nghĩa với phá bỏ, can thiệp thô bạo. Nhưng thực ra, trong phát triển du lịch bền vững, cải tạo có nguyên tắc và tiêu chí riêng, không phải đập phá tùy tiện. Ví dụ, việc lấn biển, khai thác bãi biển để làm cảnh quan đẹp hơn, xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải – đó là những cải tạo tích cực. Chỉ khi cải tạo mà không tính đến tác động môi trường, không đánh giá đúng, thì mới trở thành tiêu cực. 

Còn nếu làm đúng, chúng ta chẳng có gì phải e ngại. Ông cha ta để lại một tài nguyên lớn như vậy, chúng ta không thể khai thác thô sơ mãi được. Phải tác động vào nó, nhưng theo cách mang lại lợi ích lâu dài: làm cho sạch hơn, đẹp hơn, và giữ được vẻ tự nhiên vốn có của các cảnh đẹp thiên nhiên. Đó là điều mà những người làm du lịch như chúng tôi luôn hướng tới.

Chúng ta có một tài nguyên khổng lồ để phát triển du lịch biển, vậy điều gì ngăn cản chúng ta khai thác hiệu quả?

Chỉ có một lý do duy nhất: chúng ta thiếu hạ tầng. Làm sao có thể ra biển với những con thuyền lạc hậu từ hàng chục năm trước? Cách chinh phục biển cũ kỹ không còn phù hợp nữa. Chúng ta cần đầu tư - đầu tiên là hạ tầng, sau đó là phương tiện. Không chỉ trên biển, mà trên bộ cũng vậy. Chúng ta cần sân bay hiện đại, hệ thống đường sắt, đường bộ, đường cao tốc kết nối vùng núi với vùng biển, vùng sâu với thành phố. Có như vậy, du lịch mới phát triển được. Nếu thiếu những điều kiện đó, không ai có thể làm du lịch theo cách hiện đại

Hơn chục năm trước, tôi đã nghĩ đến việc xây dựng hạ tầng ven biển để phát triển du lịch. Anna Marina là kết quả từ những bài học tôi rút ra khi tham quan các bến cảng, các marina ở Monaco, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả các nước láng giềng như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan. Khi ấy, tôi gọi loại hình du lịch này là “ultra-luxury tourism” - du lịch cực kỳ sang trọng. Để phát triển loại hình đó, cần một sản phẩm như Ana Marina. Nó không đơn thuần là một dự án hạ tầng, mà là nền tảng để phát triển những sản phẩm du lịch cao cấp hơn nữa.

Vậy có lúc nào ông nghĩ 15 năm dành cho một dự án bến du thuyền như vậy là quá dài không?

Nhìn lại, cũng thấy dài, nhưng nếu nhìn về tương lai thì lại thấy rất ngắn. Bởi đó là những bước cơ bản ban đầu để phát triển, thậm chí định hướng cho du lịch sắp tới. Nó dài vì tôi chọn làm một sản phẩm chưa từng có ở Việt Nam, và việc khiến mọi người hiểu được điều tôi đang làm cũng là cả một quá trình. Đôi khi, quá trình thay đổi nhận thức còn dài hơn cả việc đổ bê tông hay đóng cọc xuống nước. Việc xây dựng có thể chỉ mất vài tháng, lâu nhất là sáu tháng. Nhưng để xã hội hiểu được ý nghĩa của nó thì mất nhiều thời gian hơn. 

Tôi may mắn vì đây là một trong những công trình hiếm hoi liên quan đến vịnh Nha Trang - một thắng cảnh quốc gia - mà được chấp thuận. Sự đồng thuận đầu tiên đến từ chính cộng đồng địa phương. Họ cảm nhận rằng tôi làm điều này không phải cho cá nhân mình, mà để góp phần vào vẻ đẹp của Nha Trang. Trước đây, Anna Marina nằm ở rìa thành phố, nhưng khi Nha Trang phát triển về phía Bắc, dần dần nó sẽ trở thành một marina ngay trung tâm. 

Tôi dám chắc rằng, trong vòng 10 năm tới, rất khó để có một Ana Marina thứ hai ở Nha Trang. Không dễ để tìm được một vị trí đắc địa như vậy trên bờ biển, giờ đã nằm ở trung tâm của các vịnh đẹp. Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp của thế giới, phía Bắc có vịnh Vân Phong, vịnh Bình Cang; phía Nam có vịnh Cam Ranh, rồi xa hơn là vịnh Vĩnh Hy, Vũng Rô. Nha Trang rõ ràng là trung tâm giao thương, nối Bắc xuống Nam, Đông sang Tây trên bản đồ. Vì vậy, tôi không tiếc 15 năm đó. Tôi nghĩ mình may mắn vì có 10 năm để học hỏi và hoàn thiện.

Du lịch đường sông - mỗi chuyến đi có phải chỉ là một hành trình khám phá và có đơn thuần chỉ là một sản phẩm kinh doanh không, thưa ông?

Tôi nghĩ nó bao gồm cả hai khía cạnh. Sản phẩm du lịch, trước hết, là một sản phẩm kinh tế. Bất kỳ giá trị du lịch nào cũng phải mang lại “phần thưởng” – mà phần thưởng ở đây chính là thặng dư tiền bạc. Số tiền đó được tái đầu tư để phát triển sản phẩm du lịch ngày càng tốt hơn. Và đương nhiên nó là một hành trình khám phá. Có điều hành trình này có hai khía cạnh. Thứ nhất là từ phía du khách – những người đi khám phá. Thứ hai là từ phía những người làm du lịch – họ cũng là những người khám phá.

Thực ra, mọi người thường nghĩ du khách chủ động, nhưng không hẳn vậy. Họ bị động, bị dẫn dắt bởi những người làm du lịch. Vì thế, bản chất cuối cùng, hành trình khám phá này lại là hành trình của chính những người làm du lịch. Họ là người dẫn dắt, định hướng cho du khách cùng khám phá sản phẩm đó. Trong quảng cáo du lịch, chúng tôi tránh dùng từ “khám phá” một cách đơn thuần như mọi người hay dùng.

Thay vào đó, chúng tôi gọi là “cùng nhau khám phá”. Nghĩa là chúng tôi khám phá trước, sau đó tổ chức, sắp xếp để du khách khám phá những điều thú vị ở địa phương. Điều này khác với việc tự mình khám phá. Nhưng như chúng ta đã nói về du lịch bền vững, hành trình khám phá này cần mang yếu tố bền vững.

Trong phát triển du lịch, báo chí thường nhắc đến câu “hãy trao quyền cho cộng đồng”. Vậy việc trao quyền cho cộng đồng có phải là áp đặt lên họ những mô hình mang tính đồng phục không?

Câu hỏi này chạm đến một vấn đề cốt lõi trong phát triển bền vững: làm thế nào để cân bằng giữa việc hỗ trợ cộng đồng và tránh áp đặt những mô hình không phù hợp. Trao quyền cho cộng đồng trong du lịch, trước hết, nên được hiểu là một quá trình giúp người dân tham gia quản lý, hưởng lợi từ các hoạt động du lịch, thay vì chỉ đóng vai trò thụ động hoặc bị khai thác bởi các yếu tố bên ngoài như công ty lữ hành hay đơn đặt hàng từ bên ngoài.

Ý tưởng này nghe rất tích cực: giúp cộng đồng có tiếng nói, tăng thu nhập, đồng thời bảo tồn văn hóa và tài nguyên thiên nhiên theo cách của họ. Tuy nhiên, chị đã đặt ra một vấn đề rất đúng: liệu việc trao quyền này có thực sự là trao quyền, hay chỉ là khoác lên những mô hình mang tên “du lịch cộng đồng”, “du lịch bền vững”? Bản chất của việc quản lý và khai thác ra sao thì vẫn là một câu hỏi đáng mổ xẻ. Thực tế, chúng ta thấy nhiều công thức chung như homestay, trải nghiệm văn hóa bản địa, bán hàng thủ công… Những mô hình này đôi khi bị sao chép một cách máy móc. 

Chị có nhận thấy rằng, ngay cả những người làm du lịch ở địa phương, khi đi đến nơi khác, cũng mang những hoạt động đó về áp dụng tại chỗ mình? Kết quả là đi đâu cũng thấy giống nhau, không xuất phát từ nội tại, từ thế mạnh hay hạt nhân của địa phương đó. Vì vậy, tôi nghĩ khái niệm “trao quyền” cần được xem xét kỹ: trao đến mức độ nào, trao như thế nào và điều khiển việc trao đó ra sao? Với tôi, khái niệm trao quyền cho du lịch mang ý nghĩa tích cực, nhưng chúng ta phải rất cẩn trọng. Nếu cả nước cùng làm du lịch, làm sao để nó phù hợp? 

Điều khiến tôi trăn trở khi đi du lịch nhiều nơi là thấy mô hình nào cũng na ná nhau. Thậm chí sản vật, đồ thủ công mua làm quà ở đâu cũng giống nhau. Nếu không phát huy được nét đặc trưng riêng, cái “hồn” của từng vùng, thì rất khó thu hút khách!

Trong cuộc gặp gỡ với các nhà quản lý, nhà văn, nhà truyền thông trên tàu La Marguerite hồi tháng Tư năm ngoái, tôi đã đề cập đến khái niệm về cộng đồng, bao gồm năm “nhà”. Thứ nhất là nhà quản lý, tức vai trò của Nhà nước. Thứ hai là nhà kinh doanh, tức các nhà đầu tư, những người làm kinh tế du lịch. 

Thứ ba là nhà khoa học, bởi cần có sự tham gia của họ để đánh giá tác động môi trường, điều kiện tự nhiên, và chọn ra những yếu tố phù hợp cho phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Thứ tư, yếu tố quan trọng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh, là chủ nhà, tức người dân địa phương. Họ là những người hiểu rõ nhất giá trị của chính mình và địa phương. 

Với sự hỗ trợ từ nhà quản lý, nhà đầu tư và nhà khoa học, họ có thể làm thăng hoa các giá trị bản địa. Cuối cùng là nhà truyền thông. Một sản phẩm du lịch muốn thành công chắc chắn cần đến truyền thông, báo chí để quảng bá. Nhưng đôi khi truyền thông lại quá đà, dẫn đến những hệ quả không tốt.

Tôi nghĩ trong năm “nhà” này, “chủ nhà” - tức người dân địa phương - là trung tâm, là ngón tay trỏ. Bên cạnh đó là nhà đầu tư, nhà kinh doanh, như ngón giữa. Nhà quản lý, Nhà nước, là ngón cái. Còn nhà khoa học và nhà truyền thông là ngón áp út và ngón út. Bạn nghĩ chúng ta thuộc ngón tay nào trong bàn tay năm ngón này? 

Vậy chúng ta có quyền hy vọng nếu khai thác tốt tài nguyên sông và biển, cũng như mối liên kết giữa sông và biển, thì du lịch Việt Nam sẽ đạt được những bước phát triển lớn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xanh và bền vững không, thưa ông?

Với kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực du lịch sông và biển, nếu được hiến kế cho Nhà nước trong chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế biển, kinh tế sông trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông sẽ đề xuất gì?

Có nhiều điều nhưng điều đầu tiên tôi muốn nhắc tới là vấn đề visa. Tôi tin nhiều bạn bè trong ngành du lịch, kể cả những người không trực tiếp làm du lịch nhưng quan tâm đến sự phát triển của nó, đều đồng tình với điều này. Trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là du lịch, có những quy luật và thách thức riêng. Chúng ta không nhất thiết phải đi theo lối mòn cũ. 

Chính sách nới lỏng visa là bước đầu tiên. Khi tạo được lưu lượng du khách thực sự đến Việt Nam, nó sẽ mở ra cơ hội phát triển cực kỳ lớn. Hiện nay, vấn đề visa đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn cần đẩy mạnh hơn. Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là giáo dục, đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam là yếu tố sống còn để phát triển theo đúng định hướng từ nay đến năm 2030, với tầm nhìn 2045.

Tôi may mắn được ảnh hưởng từ gia đình - những người làm trong lĩnh vực giáo dục và khoa học - nên tự điều chỉnh được cách làm của mình. Nhưng rõ ràng, không phải ai cũng có điều kiện đó. Giáo dục và đào tạo là nền tảng để nâng tầm mọi thứ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Chúc ông thành công với khát vọng du lịch Việt Nam không chỉ quanh quẩn mép sông mà sẽ giong buồm ra biển lớn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Bảy, ngày 10/05/2025 11:58 AM (GMT+7)

Vĩnh Quyên