Phường Chợ Lớn - Nơi giá trị truyền thống hòa quyện cùng những mảnh ghép di sản
Đây không chỉ là việc sáp nhập đơn thuần, mà là sự trở về của một cái tên đã đi vào huyền thoại, gắn liền với biết bao thăng trầm của vùng đất phương Nam từ thuở khai hoang mở cõi.
Chợ Lớn – vùng đất lưu giữ đậm nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa.
Nổi bật với những lễ hội rực rỡ sắc màu, rồng lân múa lượn hòa cùng tiếng chiêng trống rộn rã.
Người dân và du khách ghé thăm Chợ Lớn trong những dịp lễ hội mang đậm sắc màu truyền thống.
Trong những ngày tháng 7 này, khi nhịp sống Sài Gòn vẫn hối hả theo dòng chảy nhộn nhịp của thành phố sôi động, việc sáp nhập tuy mang tính hành chính nhưng lại thấm đẫm ý nghĩa văn hóa, lịch sử: P. Chợ Lớn chính thức xuất trên bản đồ hành chính của TP.HCM mới.
Trong hành trình tour du lịch tham quan TP.HCM, du khách quốc tế cũng thường chọn Chợ Lớn như một điểm đến không thể bỏ qua.
Để tham quan, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và trải nghiệm không khí sôi động, sự nhộn nhịp của khu phố người Hoa lâu đời.
Cũng như khám phá những ngóc ngách bán buôn nhộn nhịp, ẩm thực độc đáo và những công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa đặc trưng.
Chợ Lớn nay được hình thành từ sự hợp nhất của bốn P. cũ thuộc Quận 5: P. 11, 12, 13 và 14. Vị trí trải dài trên các trục đường huyết mạch như Hồng Bàng, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông. P. Chợ Lớn giờ đây ôm trọn một không gian rộng khoảng 1,6 km² với gần 85.000 cư dân.
Việc khôi phục tên gọi Chợ Lớn mang một ý nghĩa sâu sắc, vượt lên trên khía cạnh hành chính. Nó là sự ghi nhận và tôn vinh một di sản văn hóa, một biểu tượng của sự giao thoa, hòa quyện giữa văn hóa Việt và Hoa suốt hàng trăm năm.
Tên gọi này không chỉ gợi về một trung tâm giao thương sầm uất mà còn là ký ức về những thế hệ tiên phong đã đổ mồ hôi, công sức để dựng xây nên vùng đất phương Nam trù phú. Điều này sẽ củng cố bản sắc, tạo ra một nhận diện mạnh mẽ và thân thuộc hơn cho du khách cũng như chính người dân.
Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê với nét độc đáo nằm ở sự giao thoa kiến trúc Á-Âu, đặc biệt là sự kết hợp giữa phong cách Gothic và kiến trúc truyền thống.
Chùa Ôn Lăng hay Hội quán Ôn Lăng, nơi giao thoa văn hóa Hoa – Việt, đánh dấu sự định cư và phát triển của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn.
Sự sáp nhập này được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho vùng đất vốn đã giàu nét văn hóa, truyền thống và tiềm năng du lịch này. Thay vì những mảnh ghép rời rạc của các phường nhỏ, giờ đây Chợ Lớn được quản lý như một thể thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc bảo tồn, trùng tu các di tích và triển khai các dự án phát triển du lịch một cách đồng bộ.
Nơi đây tựa như một bảo tàng sống, nơi thời gian dường như lắng đọng trong từng mái ngói cổ kính của các Hội quán người Hoa lừng danh: Hội quán Ôn Lăng (Chùa Ông Bổn), Hội quán Hà Chương, Hội quán Phúc Kiến (Chùa Bà Thiên Hậu), Hội quán Quảng Triệu (Chùa Ông) hay Hội quán Tuệ Thành.
Mỗi nơi, mỗi vẻ đều mang đậm câu chuyện lịch sử, giá trị truyền thống, kiến trúc độc đáo và là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng.
Bên cạnh đó, những ngôi đình, chùa, miếu mạo và cả những nhà thờ lâu đời, những ngôi chợ truyền thống cũng góp phần tạo nên bức tranh đa tôn giáo, đa văn hóa đầy mê hoặc, thu hút du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, khám phá và mua sắm.
Đặc biệt, chợ Bình Tây tuy không thuộc P. Chợ Lớn nhưng được ví như trái tim của trung tâm giao thương sầm uất mà còn là một biểu tượng kiến trúc cổ kính.
Du khách quốc tế đặc biệt yêu thích ghé thăm để ngắm nhìn sự nhộn nhịp, khám phá những ngóc ngách bán buôn đặc trưng và cảm nhận hơi thở của một Sài Gòn đầy năng động.
Người xưa có câu: "Ăn quận Năm, nằm quận Ba...", nay địa danh "quận" đã không còn trong tên phường, liệu thay đổi này có ảnh hưởng đến cảm nhận của du khách?
Trao đổi về điều này, anh Huỳnh Thiên Mẫn, Hướng dẫn viên kỳ cựu khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn hào hứng cho hay: "Dù cách gọi có thay đổi, nhưng Chợ Lớn vẫn là Chợ Lớn. Du khách đến đây là để tìm kiếm những trải nghiệm ẩm thực độc đáo, những con phố, công trình kiến trúc cổ kính và không khí lễ hội với rồng lân múa lượn hòa cùng chiêng trống tùng… xèng… lúc nào rộn ràng nhộn nhịp”.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng đây vẫn là Chợ Lớn giàu nét văn hóa truyền thống, một cái tên đã quá nổi tiếng và tự nó đã là một thương hiệu mạnh trong lòng du khách”, anh Mẫn kh8ảng định.
Hay như cô La Huệ Phương, một tiểu thương đã gắn bó cả đời với Chợ Lớn bộc bạch: "Với chúng tôi, Chợ Lớn là nhà, là nơi cả gia đình tôi buôn bán, sinh sống. Dù tên gọi thế nào, tinh thần và nét riêng của Chợ Lớn vẫn sẽ mãi như thế. Du khách yêu Chợ Lớn vì những giá trị văn hóa, ẩm thực mà họ cảm nhận được, không phải vì tên gọi."
Món heo quay của người Hoa nổi tiếng với lớp da giòn rụm, vàng óng, thịt bên trong mềm, thơm, thường được ướp gia vị đậm đà.
Và tất nhiên, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến nét ẩm thực độc đáo của người Hoa tại Chợ Lớn – một bản giao hưởng của hương vị và truyền thống. Từ những quán ăn vỉa hè giản dị đến các nhà hàng sang trọng, Chợ Lớn chiêu đãi thực khách một bữa tiệc ẩm thực đa sắc màu:
Từ những món dimsum tinh tế, bát mì vịt tiềm đậm đà hay mì hoành thánh nóng hổi, cùng những các món đặc trưng như vịt quay, phá lấu cho đến các món ăn chơi như: món chè thanh mát như chè mè đen - Chí Mã Phù, chè đậu xanh rong biển, nước mát Hồ lô vàng v.v..
Mỗi món ăn, thức uống không chỉ là sự kết hợp của nguyên liệu mà còn là câu chuyện về văn hóa, về sự tài hoa của những đầu bếp đã giữ gìn công thức gia truyền qua bao thế hệ. Chợ Lớn thực sự là thiên đường cho giới sành ăn tìm về thưởng thức ẩm thực danh bất hư truyền của vùng đất này.
Chùa Ông Bổn - Miếu Nhị Phủ nổi bật bởi kiến trúc độc đáo với các chi tiết trang trí tinh xảo như rồng, lân, phượng chạm nổi trên mái ngói và đầu đao.
Nhà thờ Jeanne d'Arc nổi bật với sự kết hợp giữa kiến trúc Gothic phương Tây và nét Á Đông tọa lạc tại một giao lộ sầm uất ở Chợ Lớn.
Trường THCS Chất lượng cao Hồng Bàng là một trong những ngôi trường có kiến trúc ấn tượng và độc đáo mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa.
Trao đổi về cái tên P. Chợ Lớn, ông Lý Vĩnh Hưng, tổ trưởng Tổ dân phố bày tỏ sự tin tưởng: "Việc sáp nhập và đặc biệt là việc trở lại với tên gọi Chợ Lớn là một bước đi chiến lược, thể hiện sự trân trọng giá trị lịch sử và mong muốn nâng tầm tiềm năng của khu vực này.
“Chúng tôi mong muốn Chợ Lớn không chỉ là một trung tâm kinh tế - văn hóa mà còn là một điểm đến du lịch kiểu mẫu của thành phố, nơi truyền thống và hiện đại giao thoa hài hòa, mang lại cuộc sống chất lượng cho người dân và những trải nghiệm khó quên cho du khách”, ông Hưng chia sẻ thêm.
Nhiều người dân sở tại cũng đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng về "ngôi nhà" mới nơi đây; ông Tăng Quốc Khang nhìn nhận: "Việc sáp nhập giúp tinh gọn bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi hơn để triển khai các dự án lớn, đồng bộ cho cả khu vực Chợ Lớn.
"Tôi tin rằng với tên gọi này, việc quảng bá du lịch sẽ dễ dàng hơn, thu hút nhiều du khách trong nước lẫn quốc tế hơn đến đây mua sắm và tham quan”, ông Khang hào hứng nói.