Doanh nghiệp du lịch đầu tư sản phẩm mới đón đầu cơ hội

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị sản phẩm theo xu hướng mới, đảm bảo mức giá tốt nhất nhằm thu hút du khách trong năm 2023.

Nhiều xu hướng mới

Để đạt được mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế và 35 triệu khách nội địa, đạt doanh thu 160.000 tỷ đồng trong năm 2023, Sở Du lịch TP.HCM triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 với mục tiêu nâng chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng sản phẩm đặc trưng và khai thác ứng dụng số trong du lịch.

Năm nay, các doanh nghiệp nhận định cục diện về du lịch tại Việt Nam cũng như thế giới sẽ thay đổi gần như hoàn toàn. Do đó, doanh nghiệp đã triển khai phát triển tour, tuyến để đón đầu cơ hội trong năm mới.

Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, một trong những xu hướng nổi bật ở năm 2023 là đi du lịch đúng nghĩa, xu hướng du lịch tức thời như đi phượt, check-in... sẽ giảm dần, thay vào đó, du khách lựa chọn trải nghiệm, nghỉ ngơi, đem đến những điều mới lạ và thường chọn những thị trường xa.

Bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt nhận định: “Bên cạnh những tour du lịch truyền thống, những tour mang tính độc, lạ, tăng trải nghiệm và dịch vụ khác biệt sẽ là xu hướng trong năm 2023”.

Trong khi đó, ông Trần Giang San, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Lữ hành Deks Air Việt Nam lại cho rằng, xu hướng du lịch trong năm 2023 là sự kết hợp giữa nhiều loại hình. Trong đó, dù là những đoàn khách lớn hay nhóm khách nhỏ thuộc hộ gia đình... hầu hết đều lựa chọn sản phẩm linh động. 

Xây dựng sản phẩm mới

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lữ hành - Tổ chức Sự kiện Việt Nam cho hay, với sự lựa chọn những kỳ nghỉ độc đáo, du lịch cộng đồng mang đến sự mới lạ và đặc biệt là du lịch đường sông… doanh nghiệp đã đầu tư đội tàu du lịch 10 chiếc, gồm các loại tàu cao tốc và cano, du thuyền nhà hàng phục vụ ăn uống và trải nghiệm trên sông.

“Chúng tôi đã đầu tư, làm mới nhiều tour du lịch đường sông để du khách cảm nhận sự độc đáo, mới lạ và tăng tính trải nghiệm như: Tuyến Sài Gòn - Bình Dương bằng cano; tuyến Bình Dương - Sài Gòn - Tiền Giang - Bến Tre bằng tàu cao tốc; triển khai hoạt động, kinh doanh du thuyền Thủ Dầu Một tại TP. Thủ Dầu Một…”, ông Hùng cho biết.

Nhằm tập trung đẩy mạnh quảng bá và truyền thông dòng sản phẩm lạ và đưa đến trải nghiệm khác biệt cho du khách, Du Lịch Việt đã phát triển sản phẩm mới cho thị trường outbound như: Huyền thoại Maroc, Iran đặc sắc Ngàn lẻ một đêm, khám phá Băng đảo Iceland và Bắc Cực…

“Thời điểm hiện tại, chúng tôi đã mở bán và nhận khách cho các tour tháng 3-5/2023, trong đó số lượng khách quan tâm đến dòng tour độc lạ đã tăng khoảng 30% so với năm 2022”, bà Phương Anh chia sẻ những dấu hiệu tích cực trong năm 2023.

Với ông San, doanh nghiệp hiện đã có gần 5.000 khách lẻ đặt tour cho những tháng đầu năm 2023. Ngay khi nhận thấy thị trường inbound sẽ có cơ hội phát triển bứt phá, doanh nhiệp đã đưa du lịch đường sông vào chương trình nổi bật phía Nam ở tour du lịch xuyên Việt 12 ngày; kết hợp với nhà hàng, khách sạn tại Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Nam… để có những sản phẩm phù hợp xu hướng mới, tăng cường đào tạo lao động cũ và tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. 

Ngoài ra, một số doanh nghiệp lựa chọn tiếp tục phát triển thị trường du lịch trong nước và bám vào xu hướng chung của thế giới để có những sản phẩm phù hợp.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông Marketing TST Tourist chia sẻ: “Trong năm 2023 Công ty đã có kế hoạch chuẩn bị nhiều sản phẩm bắt kịp xu hướng. Riêng tại TP.HCM, chúng tôi có khoảng 15 sản phẩm tour, bao gồm các tuyến ở khu vực nội đô Thành phố và những sản phẩm kết nối với Đông và Tây Nam bộ để phát triển những sản phẩm tour liền kề 3 ngày 2 đêm, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế các địa phương”.

Khó khăn là thách thức để vượt qua

Theo Sở Du lịch TP.HCM, hoạt động vận tải khách du lịch vẫn còn nhiều khó khăn khi hạ tầng chưa được nâng cấp theo nhịp phát triển đô thị, thiếu điểm dừng đỗ đón trả khách tại các tuyến điểm tham quan. Ngoài ra, sản phẩm du lịch đường sông còn thiếu bến thủy, cầu tàu; môi trường kênh rạch còn ô nhiễm...

Ngoài ra, do mới phục hồi sau Covid-19, nên sản phẩm, dịch vụ du lịch xuống cấp. Nhưng đây được xem là giai đoạn hỗ trợ nhau nhằm chung sức phát triển cho toàn ngành.

Chia sẻ về thách thức trong phát triển sản phẩm đón đầu năm 2023, ông Mẫn cho hay: “Sản phẩm tour trực thăng tại TP.HCM là một trong những tour “hot” với nhiều điểm mới lạ, độc đáo của chúng tôi. Mỗi chuyến bay chở được tối đa 16 khách, nhưng vẫn chưa được khai thác vì còn vướng mắc khá nhiều quy định như bãi đáp, thủ tục hành chính, vấn đề pháp lý trên không. Hy vọng tour trực thăng sớm ra đời vì đây là sản phẩm nhận được sự quan tâm rất lớn của du khách và là yếu tố tạo nên tính đặc thù của du lịch TP.HCM”.

Trong khi đó, khá nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho sản phẩm độc, lạ cũng gặp không ít vấn đề khi cách tổ chức khó khăn hơn, nghiên cứu tuyến điểm chi tiết, cụ thể hơn, đáp ứng nhu cầu muốn phiêu lưu đến vùng đất mới lạ của du khách.

“Dù số lượng du khách chưa nhiều như dòng sản phẩm truyền thống, nhưng chúng tôi tin rằng xu hướng này sẽ có nhiều khách quan tâm”, bà Phương Anh hy vọng.

Dù chưa thể chuẩn bị kịp vì yêu cầu kinh nghiệm tổ chức, tiềm ẩn nhiều rủi ro... dẫn đến khó thành công khi phát triển tour mới, lạ, nhưng đó cũng là cơ hội để Golden Smile Travel lựa chọn thay đổi, trước hết là tuyển dụng bộ phận nhân sự có kinh nghiệm với xu hướng mới, chuẩn bị vốn và nguồn nhân lực dồi dào cùng tâm thế chấp nhận sự thay đổi có tính toán trong năm 2023.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoài Sương (Báo Đầu Tư)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!