Du lịch chờ cú hích từ thị trường Trung Quốc
Chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch, Trung Quốc chính thức mở biên giới kỳ vọng giúp ngành du lịch Việt Nam có bước đột phá phục hồi trong năm mới.
Cửa khẩu chật kín, sân bay lập kỷ lục
Ngày đầu tiên Trung Quốc mở cửa biên giới, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) ken đặc người xếp hàng chờ nhập cảnh vào Việt Nam.
Dòng người đa số là lao động Việt Nam đi làm ở Trung Quốc xếp hàng dài từ sáng sớm với túi xách, va li lớn, mong muốn về quê thăm thân sau gần 3 năm nước này phong tỏa biên giới để chống dịch Covid-19, khiến khu vực làm thủ tục bên trong Cửa khẩu Hữu Nghị chật kín. Sáng cùng ngày, lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng tổ chức lễ đón đoàn công dân Trung Quốc đầu tiên nhập cảnh vào Việt Nam sau 3 năm đại dịch. Chỉ trong buổi sáng, Cửa khẩu Lào Cai đã làm thủ tục nhập cảnh cho hơn 100 công dân Trung Quốc, chủ yếu là cư dân biên giới.
Du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (thời điểm trước dịch Covid-19). Ảnh: LÃ NGHĨA HIẾU
Trong khi đó, dù chỉ có 20 người nhập cảnh trong ngày đầu tiên đón khách Trung Quốc nhưng Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) vẫn ghi nhận hình ảnh đông kín người từ sáng đến chiều 8.1. Thông tin từ Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tính từ 8 - 16 giờ (giờ Hà Nội) ngày 8.1, các lực lượng chức năng của địa phương này đã làm thủ tục xuất cảnh cho 860 người Trung Quốc và 20 người Việt Nam nhập cảnh.
Theo quy định về kiểm dịch y tế của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Việt Nam không yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR đối với người từ Trung Quốc nhập cảnh. Người có khai báo sức khỏe hợp lệ theo quy định kiểm dịch của cơ quan hải quan cửa khẩu sẽ được phép nhập cảnh không cần cách ly.
Thực tế, ngay khi các đường bay thương mại thường lệ giữa 2 nước được nối lại hồi giữa tháng 12.2022, TP.Móng Cái (Quảng Ninh), vốn là “hub” du lịch của người dân Trung Quốc, đã nhanh chóng lên kế hoạch đón “khách ruột”. Chính quyền TP đã sớm có văn bản gửi các khu, điểm, cơ sở kinh doanh du lịch về việc chuẩn bị đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán và khi Cửa khẩu quốc tế Móng Cái mở lại hoạt động xuất nhập cảnh cho du khách. Vì thế, phía cửa ngõ hoạt động xuất nhập cảnh dù đông đột biến, nhưng mọi quy trình thủ tục được làm rất nhanh chóng, thuận tiện; còn bên trong mọi dịch vụ hậu cần đều đã sẵn sàng.
Cửa ngõ hàng không nhộn nhịp nhất cả nước là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trong ngày 8.1 đã đón hơn 116.000 lượt khách trên gần 780 chuyến bay. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 38.000 lượt, cao nhất kể từ sau dịch Covid-19.
Đại diện Cảng vụ miền Nam cho biết lượng khách bay quốc tế đến TP.HCM tăng cao giai đoạn này phần lớn do Việt kiều về quê đón Tết Nguyên đán. Số lượng chuyến bay quốc tế đến chủ yếu từ khu vực Bắc Mỹ, trong đó nhiều đường bay quá cảnh từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đưa Việt kiều về quê ăn tết. Cùng với đó, 8.1 là ngày chính thức nối lại các đường bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam - Trung Quốc, Tân Sơn Nhất cũng đón một số chuyến bay từ Quảng Châu đưa khách tới TP.HCM.
Khách du lịch sẽ tăng mạnh sau tết
Mặc dù số lượng chuyến bay từ Trung Quốc tới TP.HCM chỉ chiếm một lượng nhỏ; số người nhập cảnh qua các cửa khẩu cũng chủ yếu là du học sinh, người lao động về quê thăm thân, song những thông tin rộn ràng ngày đầu Trung Quốc mở cửa biên giới có ý nghĩa rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam.
Người dân Trung Quốc háo hức du lịch nước ngoài
Theo CNN, người dân Trung Quốc đại lục đang mong đợi những chuyến du lịch nước ngoài. Hầu hết mọi người đã không rời khỏi đất nước trong vài năm nên đang ra sức truy cập các web đặt phòng, để lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ. Theo dữ liệu của các công ty, lượng tìm kiếm trực tuyến về các chuyến bay đi nước ngoài và các khách sạn ở nước ngoài đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua trên Trip.com - trang web đặt phòng du lịch của Trung Quốc. Số lượt tìm kiếm các điểm đến phổ biến đã tăng gấp 10 lần trong vòng nửa giờ sau khi chính phủ phát đi thông báo. Nhiều người đang tìm kiếm các chuyến du lịch nước ngoài theo nhóm ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1 tới. Đáng chú ý, dữ liệu tìm kiếm chỉ ra rằng Macau, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ và Anh nằm trong số 10 điểm đến hàng đầu của trang web có lượng người dùng Trung Quốc đại lục tìm kiếm tăng nhanh nhất kể từ khi công bố.
Mặc dù vậy, có nhận định cho rằng du lịch thuần túy của khách Trung Quốc sẽ bắt đầu vào quý 2 khi những vấn đề về hộ chiếu hay thị thực được phê duyệt một cách suôn sẻ và các chuyến bay nối lại hoàn toàn.
Chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch, thiếu vắng khách Trung Quốc đang để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch Việt. Một số địa phương như Nha Trang (Khánh Hòa), dù đã có sự hồi sinh ngoạn mục nhưng nguồn khách chủ yếu đến từ nội địa. Tính cả năm, khách quốc tế đến tỉnh đạt khoảng 250.000 lượt, gấp 10,1 lần so với năm 2021 nhưng chưa thể so với thời điểm năm 2019 với khoảng 1,5 triệu lượt khách. Không chỉ số lượng đông đảo, khách Trung Quốc vẫn là những khách hàng chi tiêu mạnh tay nhất khi du lịch tại Nha Trang. Vì thế, các đơn vị làm du lịch đang “ngóng” khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách Trung Quốc trở lại.
Bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh, thông báo theo kế hoạch từ 11 - 31.1, Hãng hàng không Vietjet sẽ tổ chức 9 chuyến bay charter từ Trung Quốc đến Cam Ranh, đưa khách du lịch Trung Quốc trở lại Khánh Hòa sau gần 3 năm tạm ngưng. Chuyến bay đầu tiên sẽ xuất phát từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đến Cam Ranh trong ngày 11.1, tiếp theo sẽ là các chuyến bay từ các tỉnh An Huy, Hồ Nam. Nếu việc khai thác thuận lợi, các chuyến bay từ Trung Quốc đến Cam Ranh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Không lo “nhập dịch” từ Trung Quốc
Tôi đồng ý với ý kiến của nhiều chuyên gia y tế rằng việc mở cửa, tăng cường giao thương với Trung Quốc một mặt giúp chúng ta đẩy nhanh việc phục hồi kinh tế thông qua hoạt động sản xuất, thương mại và du lịch nhưng mặt khác cũng tạo ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Tuy nhiên, xuất hiện biến thể có thể từ nhiều quốc gia, không chỉ ở Trung Quốc. Đơn cử như biến thể XBB.1.5 hiện đang lưu hành ở Mỹ, Canada.
Vì vậy, để kiểm soát sự xâm nhập của các biến thể, Việt Nam có thể sử dụng những biện pháp dịch tễ để giám sát sự xâm nhập biến chủng từ Trung Quốc như giám sát chất thải thu nhận được trên các chuyến bay từ
Trung Quốc, theo dõi kết quả giám sát dịch tễ và phát hiện biến thể từ Trung Quốc đến các quốc gia khác (số người Trung Quốc đến Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số người Trung Quốc đi đến các quốc gia khác). Chưa kể, số lượng các nước có biện pháp cứng rắn với khách Trung Quốc chỉ chiếm thiểu số trong tổng số các quốc gia trên thế giới. Việt Nam không lý do gì phải đi theo thiểu số.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM)
Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã chủ động lên kế hoạch phục hồi các đường bay Trung Quốc, dự kiến sẽ đóng góp thêm sản phẩm và phục hồi dần mạng bay tùy thuộc vào tình hình thị trường cũng như các chính sách về visa, nhập cảnh. Hiện nay, Vietnam Airlines đang khai thác các chuyến bay thường lệ giữa TP.HCM - Quảng Châu với tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần, TP.HCM - Thượng Hải (1 chuyến khứ hồi/tuần) và Hà Nội - Thượng Hải (2 chuyến khứ hồi/tuần).
Đại diện Vietnam Airlines thông tin: “Trong vòng 1 - 2 tháng sau khi mở cửa, chúng tôi kỳ vọng đối tượng khách chính trên đường bay từ Trung Quốc là khách thăm thân đã có quốc tịch, khách lao động, khách công vụ. Thị trường sẽ phục hồi khoảng 20% so với năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đối với khách du lịch, có thể sẽ quay trở lại từ tháng 3. Trong đó đối tượng khách lẻ phục hồi trước, khách đoàn sẽ phục hồi sau đó. Dự kiến từ tháng 3, thị trường sẽ phục hồi lên mức 50% của 2019”.
Khôi phục toàn diện thị trường quốc tế
Trả lời Thanh Niên sáng 9.1, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, bày tỏ vui mừng khi Trung Quốc đã mở biên giới “đúng hẹn” như thông tin trước đó từ các đối tác của Liên Bang ở nước sở tại. Trung Quốc đã chính thức gỡ bỏ mọi rào cản, nhưng giai đoạn mới mở cửa, cơ quan chức năng nước này cần thời gian để hoàn thiện đồng bộ các quy định về y tế, xuất nhập cảnh, cấp lại hộ chiếu hết hạn cho người dân… nên khách chưa ồ ạt tới Việt Nam ngay. Chưa kể, thời điểm mở cửa rơi vào đúng Tết Nguyên đán. Sau 3 năm bị hạn chế đi lại, người dân sẽ có xu hướng về đoàn tụ với gia đình mùa tết, thay vì đi du lịch nước ngoài. Do đó, du lịch sẽ phải chờ tới sau tết để đón thị trường du lịch khởi sắc, sau đó kỳ vọng bùng nổ vào cao điểm hè.
Thái Lan hủy quy định du khách nhập cảnh phải tiêm vắc xin
Theo tờ South China Morning Post, Thái Lan hôm qua (9.1) tuyên bố hủy bỏ quy định yêu cầu du khách xuất trình chứng nhận tiêm phòng 2 mũi vắc xin Covid-19 khi nhập cảnh vào nước này. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết việc yêu cầu du khách xuất trình chứng nhận tiêm chủng Covid-19 là bất tiện và không cần thiết vì số lượng vắc xin được tiêm trên toàn cầu được cho là đã đủ. Những du khách chưa được tiêm chủng cũng sẽ được phép nhập cảnh Thái Lan mà không gặp bất kỳ hạn chế nào.
Trước đó, Thái Lan bất ngờ điều chỉnh quy định phòng chống Covid-19. Cụ thể, từ 9 - 31.1.2023, khách du lịch từ 18 tuổi trở lên đến Thái Lan phải có chứng nhận đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ. Trong trường hợp không có hộ chiếu vắc xin, du khách phải có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng qua hoặc có thể cung cấp thư miễn trừ tiêm vắc xin của bác sĩ. Ngoài ra, khách phải mang khẩu trang ở chỗ công cộng hoặc trên tàu điện ngầm, xe buýt... Những quy định vừa nêu được ban hành ngay sau khi Trung Quốc mở cửa du lịch quốc tế vào 8.1 và dự báo sẽ có một lượng lớn du khách đến từ Trung Quốc đại lục bay đến Thái Lan. Tuy nhiên, đến ngày 9.1 Thái Lan thay đổi quyết định như trên.
Trần Tâm
Cũng theo ông Thành, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để vươn lên trước đón đầu dòng khách từ thị trường khổng lồ này. “Chúng ta là “hàng xóm” ngay sát bên, vốn đã sở hữu lợi thế cả đường bộ, đường sắt và đường không. Nay, một số quốc gia đang có những quy định khắt khe trong kiểm soát dịch bệnh đối với khách tới từ Trung Quốc đại lục. Morocco còn thông báo sẽ cấm các du khách đến từ Trung Quốc bất kể quốc tịch, nhập cảnh vào nước này. Trong khi đó, Việt Nam vẫn thể hiện rõ sự chào đón, quan điểm chung là không phân biệt, không kỳ thị. Nếu được đồng bộ với những chính sách quảng bá, thủ tục cấp visa, chính sách xuất nhập cảnh thuận lợi thì Việt Nam sẽ tận dụng rất tốt cơ hội đi trước trong “cuộc đua” đón khách Trung Quốc, góp phần phục hồi du lịch quốc tế trong năm 2023”, vị này nhận định.
Không chỉ đón khách tới, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc khối phát triển thị trường - Công ty Du lịch Việt, nhấn mạnh Trung Quốc còn là thị trường outbound rất lớn của du lịch Việt Nam. Trước dịch, riêng tour Trung Quốc đã chiếm tới 35 - 40% tổng doanh thu mảng outbound của Du lịch Việt. Từ đầu năm mới, công ty cũng đã nhận được rất nhiều thông tin từ du khách hỏi khi nào mở tour Trung Quốc.
Chưa có thông báo về cấp visa du lịch cho khách
Hiện nay, một trong những trở ngại là 2 nước vẫn chưa có thông báo cụ thể về việc cấp visa du lịch cho khách. Giải quyết vấn đề này là điều các bên đều đang kỳ vọng nhằm thúc đẩy phục hồi đường bay trở lại tương đương như năm 2019.
Đại diện Vietnam Airlines
Các doanh nghiệp lữ hành đang rất háo hức và gấp rút chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách Trung Quốc đến cũng như chờ đợi các thông tin về phòng dịch mở tour đi Trung Quốc. “Du lịch Việt Nam năm 2022 không đạt chỉ tiêu đón khách quốc tế, nguyên nhân không nhỏ do vắng khách Trung Quốc. Sau đại dịch, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng của thị trường Trung Quốc và ngược lại, họ cũng là điểm gửi khách lớn của ta. Thị trường Trung Quốc khi phục hồi có thể góp phần làm thay đổi xu hướng du lịch của năm 2023, là cú hích để du lịch Việt Nam phục hồi toàn diện cả mảng inbound và outbound”, ông Phạm Anh Vũ kỳ vọng.
Nhiều doanh nghiệp vui mừng khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới từ ngày 8/1, giúp giao thương thuận lợi hơn, giảm chi phí.