Trong ngôi nhà của gia đình anh Nhật, du khách được chiêm ngưỡng rất nhiều chiếc nón lá có hình ảnh vừa gần gũi, vừa thân quen với cây đa, con đò, chùa Thiên Mụ...
Trong ngôi nhà của gia đình anh Nhật, du khách được chiêm ngưỡng rất nhiều chiếc nón lá có hình ảnh vừa gần gũi, vừa thân quen với cây đa, con đò, chùa Thiên Mụ...
Không biết từ bao giờ, hình ảnh chiếc nón lá đã trở thành "người bạn" thân thiết với tà áo dài thướt tha. Hai "người bạn" này đi liền với nhau như tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.
Muốn hình ảnh ấy trở nên đẹp hơn, rực rỡ hơn, một chàng trai ở Cố đô Huế đã cất công ngày đêm "lên đời" cho chiếc nón lá, vẽ lên chiếc nón lá những hình ảnh con đò, chiếc xích lô hay loạt địa điểm du lịch nổi tiếng trên mảnh đất hình chữ S...
Từ chiếc nón lá đơn thuần, những nét vẽ từ bàn tay của chàng trai đã biến chiếc nón lá thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Người "lên đời" cho hàng nghìn chiếc nón này chính là anh Phan Quang Nhật, sống tại phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Những ngày này, ngôi nhà của gia đình anh Nhật ở gần khu vực di tích Hổ Quyền trở nên rộn ràng tiếng nói cười từ các du khách gần xa.
Họ đến đây chiêm ngưỡng những chiếc nón lá có hình ảnh thân quen, gần gũi mà rực rỡ sắc màu. Du khách được tự tay cầm bút vẽ tranh lên nón lá, có phút giây sáng tạo nghệ thuật, cũng như thích thú chụp ảnh, check-in, mua nón lá về làm quà lưu niệm...
Theo anh Nhật, hoạt động đón du khách đến tham quan, trải nghiệm này đã diễn ra được khoảng 8 tháng nay trong sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người.
Trong không gian trước nhà, hàng trăm chiếc nón lá được anh Nhật sắp xếp bắt mắt sau khi đã vẽ tranh xong.
Đặt chiếc nón vừa vẽ xong hình ảnh con đò, anh Nhật kể: "Từ lúc bắt đầu vẽ tranh lên nón, tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế. Ba mẹ tôi đã có những lời động viên càng khiến tôi có thêm động lực để thực hiện con đường này. Trải qua hành trình gian nan, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, miệt mài ngày đêm, tôi đã làm ra được sản phẩm hoàn thiện".
Nhiều năm trước, chứng kiến các nữ du khách trong tà áo dài cùng chiếc nón lá chụp ảnh bên cây phượng ở cầu Trường Tiền, anh Nhật đã nảy lên ý tưởng vẽ tranh trên nón lá, đưa vẻ đẹp Huế, vẻ đẹp đất nước Việt Nam đến với mọi người.
Háo hức khi nảy lên ý tưởng này, anh Nhật bắt tay vào việc biến chiếc nón lá thông thường thành sản phẩm đặc biệt.
Tuy nhiên, hàng chục chiếc nón đầu tiên được anh Nhật vẽ tranh lên không được như mong muốn. Chính chúng đã cho anh Nhật những bài học, kinh nghiệm quý báu để viết tiếp hành trình 6 năm vẽ tranh trên nón lá.
Chàng trai Huế đã đặt tất cả tâm huyết, niềm đam mê hội họa từ nhỏ của mình lên chiếc nón. Với anh Nhật, mỗi chiếc nón là một tác phẩm nghệ thuật.
Để bức tranh trên nón lá ra đời phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, mỗi ngày, anh Nhật vẽ tranh lên hàng chục chiếc nón lá.
Tùy vào kích cỡ và chủng loại mà giá thành của sản phẩm khác nhau, dao động từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng mỗi chiếc. Ngoài ra, các sản phẩm được khách đặt hàng với yêu cầu riêng sẽ có giá cao hơn.
Chiếc nón lá có tranh vẽ quê hương, đất nước với hình ảnh con đò, chiếc xích lô, chùa Thiên Mụ hay những địa danh nổi tiếng của các tỉnh, thành... được du khách yêu thích. Nhiều du khách nước ngoài trầm trồ trước tác phẩm nghệ thuật này.
Sản phẩm độc đáo ấy không chỉ được thị trường trong tỉnh đón nhận, mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng ưa chuộng. Chiếc nón lá có tranh vẽ được dùng để chụp ảnh, check-in hay trang trí trong các không gian khác nhau như ở nhà hàng, quán cà phê...
Gần đây, nhiều bạn trẻ còn đến xin anh Nhật học việc.
Thủy Biều giờ đây không chỉ nổi tiếng khi có cụm di tích Hổ Quyền - Điện Voi Ré, quả thanh trà, mà dần dần trở thành điểm tới lui của nhiều du khách khi có "nhà vẽ nón lá" của anh Nhật. Từ không gian ấy, chàng trai xứ Huế đã góp phần quảng bá hình ảnh chiếc nón lá cũng như hình ảnh quê hương Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.