Với vị thế là huyện biển của TP.HCM, Cần Giờ sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn quý giá. Những năm gần đây, Cần Giờ không chỉ là “lá phổi xanh” của thành phố mà còn từng bước khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng mới, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng ven biển.
Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi công dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Đây không chỉ là một công trình quy mô lớn, có tính biểu tượng, mà còn mở ra tầm nhìn đột phá về phát triển kinh tế biển ở cấp quốc gia. Dự án kỳ vọng sẽ đưa Cần Giờ vươn mình trở thành đô thị du lịch biển hiện đại, hài hòa giữa phát triển và sinh thái, đóng góp vào chiến lược phát triển không gian biển của TP.HCM và cả nước.
Khát vọng biển lớn của TP.HCM
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải khẳng định, TP.HCM đang bước vào một giai đoạn phát triển chiến lược mới, nơi những yêu cầu về không gian đô thị, mô hình kinh tế và chất lượng sống đòi hỏi những đột phá mang tính cấu trúc. Trong đó, phát triển kinh tế biển, đặc biệt là đô thị sinh thái ven biển Cần Giờ, được xác định là một hướng đi đột phá, phù hợp với Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Cần Giờ, vùng đất sở hữu hệ sinh thái rừng ngập mặn quý giá và vị thế chiến lược ven biển, đang nổi lên như một cực tăng trưởng mới của thành phố. Không chỉ có tiềm năng du lịch sinh thái và dịch vụ cao cấp, Cần Giờ còn hội đủ điều kiện để phát triển mạnh logistics, cảng biển, năng lượng tái tạo và đô thị hiện đại. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn này, thành phố cần những mô hình phát triển mới, cách tiếp cận mới và sự đầu tư bài bản, có trách nhiệm.
Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, với quy mô gần 2.900 ha
Tập đoàn Vingroup vừa chính thức khởi công Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, với quy mô gần 2.900 ha, dân số dự kiến 230.000 người. Đây không đơn thuần là một khu đô thị, mà là mô hình thành phố sinh thái, thông minh, nghỉ dưỡng, dịch vụ chuẩn quốc tế. Điểm nhấn đặc biệt của dự án là việc tích hợp hài hòa giữa công nghệ, năng lượng xanh, bảo tồn hệ sinh thái và nâng cao chất lượng sống con người tạo nên hình mẫu tiên phong về phát triển đô thị ven biển tại Việt Nam.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, với quy mô gần 2.900 ha, dân số dự kiến 230.000 người, là một bước ngoặt lớn
Ông Dương Ngọc Hải đánh giá cao định hướng xanh và bền vững của dự án, từ hệ thống điện gió ngoài khơi, giao thông không phát thải, vật liệu thân thiện môi trường, cho đến sự gắn kết chặt chẽ với khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, tài sản thiên nhiên quý báu không chỉ của TP.HCM mà cả thế giới.
Khi đi vào vận hành, dự án sẽ tạo hàng chục ngàn việc làm, kích thích dịch vụ - thương mại, tăng thu ngân sách và nâng tầm diện mạo vùng ven biển phía Nam. Đồng thời, Cần Giờ sẽ trở thành điểm đến chiến lược trong hành trình đưa TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế biển, tài chính và du lịch quốc tế, đúng với khát vọng vươn ra biển lớn của thành phố trong thời đại mới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải khẳng định, TP.HCM đang bước vào một giai đoạn phát triển chiến lược mới, nơi những yêu cầu về không gian đô thị, mô hình kinh tế và chất lượng sống đòi hỏi những đột phá mang tính cấu trúc
Thành phố cam kết sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai, tháo gỡ nhanh thủ tục, đảm bảo hạ tầng kết nối, đồng thời giám sát nghiêm ngặt các cam kết bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái và trách nhiệm xã hội, để phát triển không chỉ nhanh, mà còn bền vững và hài hòa.
Mở rộng không gian thông qua liên kết vùng với Bà Rịa – Vũng Tàu
Trong xu thế các đô thị lớn vươn ra biển để mở rộng không gian phát triển, TP.HCM cũng đang đứng trước cơ hội lịch sử để định hình một chiến lược phát triển mới, trở thành đô thị biển hiện đại và bền vững. Từ dự án đô thị biển Cần Giờ đến đề xuất mở rộng không gian thông qua liên kết vùng với Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố đang từng bước khẳng định tầm nhìn “hướng ra đại dương”.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội và thành viên Ban Chỉ đạo Đại dương toàn cầu
Chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội và thành viên Ban Chỉ đạo Đại dương toàn cầu, đã phân tích một cách sâu sắc về tầm quan trọng đặc biệt của Cần Giờ trong chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia. Với vị trí chiến lược gần Biển Đông và hệ sinh thái biển phong phú, Cần Giờ không chỉ là cửa ngõ kết nối TP.HCM trực tiếp với Biển Đông mà còn là cực phát triển mới, góp phần quan trọng vào nền kinh tế biển của cả nước.
“Phát triển kinh tế biển không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là động lực mới cho các quốc gia có biển. Với hơn 300 km² diện tích vùng biển, đường bờ biển dài gần 23 km và khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn lớn nhất Nam Bộ, TP.HCM, đặc biệt là huyện Cần Giờ, đang sở hữu tiềm năng vô cùng lớn để trở thành đô thị biển đầu tiên của cả nước”, ông nói.
Cần Giờ không còn là vùng ven biển đơn thuần, mà đang trở thành biểu tượng cho chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn sinh thái.
“Cần Giờ chính là cánh cửa mở rộng giúp TP.HCM kết nối trực tiếp với Biển Đông, một lợi thế cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây là điểm đầu tiên của chiến lược mở rộng không gian phát triển kinh tế biển TP.HCM”, ông Hồi nhấn mạnh.
Từ góc độ địa - chính trị và địa, kinh tế, việc phát triển đô thị biển không thể đơn lẻ. Theo ông Hồi, cần tổ chức lại không gian phát triển của TP.HCM, vượt qua các ranh giới hành chính hiện tại để kết nối các tỉnh ven biển, hình thành một chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện.
“Khi chủ trương sáp nhập Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM được thực hiện, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng, giúp TP.HCM sở hữu cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải và mở ra không gian phát triển cho nhiều loại hình kinh tế biển như cảng logistics, du lịch biển đảo, công nghiệp chế biến thủy sản và năng lượng tái tạo”, vị đại biểu quốc hội cho hay.
Cũng theo ông Hồi, một ý tưởng chiến lược nữa là hình thành “tam giác phát triển Cần Giờ – Vũng Tàu – Côn Đảo”, kết nối đất liền, biển và đảo, tạo thành một hệ sinh thái đô thị biển, đảo độc đáo, bổ sung cho nhau và trở thành “tam giác vàng” phát triển kinh tế biển phía Nam.
Song, phát triển đô thị biển không thể tách rời phát triển hệ sinh thái biển, đảo. Ông Hồi nhấn mạnh: "Bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là rừng ngập mặn của Cần Giờ, không chỉ đóng vai trò bảo vệ thành phố khỏi xâm nhập mặn, nước biển dâng, mà còn là nền tảng cho du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường".
Một ý tưởng chiến lược nữa là hình thành “tam giác phát triển Cần Giờ – Vũng Tàu – Côn Đảo”, kết nối đất liền, biển và đảo, tạo thành một hệ sinh thái đô thị biển, đảo độc đáo, bổ sung cho nhau và trở thành “tam giác vàng” phát triển kinh tế biển phía Nam.
Phát triển đô thị biển không thể tách rời phát triển hệ sinh thái biển, đảo. Ông Hồi nhấn mạnh rằng bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là rừng ngập mặn của Cần Giờ, không chỉ đóng vai trò bảo vệ thành phố khỏi xâm nhập mặn, nước biển dâng, mà còn là nền tảng cho du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường.
“Phát triển đô thị biển phải dựa trên nền tảng tự nhiên. Chúng ta không thể hy sinh rừng ngập mặn hay hệ sinh thái ven bờ để đổi lấy đô thị hóa. Ngược lại, chính tự nhiên phải là điểm tựa vững chắc để phát triển. Cần Giờ là ‘bức tường xanh’ bảo vệ thành phố khỏi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”, ông Hồi nói thêm.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào phát triển đô thị biển là điều không thể thiếu. Chuyển đổi số trong quản lý đô thị biển, phát triển công nghệ bảo tồn biển, năng lượng tái tạo ngoài khơi và trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý cảng biển sẽ là chìa khóa để xây dựng một đô thị biển thông minh, hiện đại và bền vững.
Ông Hồi cũng cho rằng chính sách pháp lý rõ ràng, cơ chế ưu đãi đầu tư sẽ đóng vai trò quan trọng để thu hút các nhà đầu tư lớn, góp phần đột phá vào phát triển kinh tế biển.
Rừng đước Cần Giờ, lá phổi xanh của TP.HCM
“Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, TP.HCM cần có hành lang pháp lý đủ mạnh và cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư. Chúng ta cũng cần phát triển các ngành kinh tế biển mới như du lịch chữa bệnh gắn với biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến thủy sản, cảng biển, logistics... Đây chính là các ngành mũi nhọn cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa”, ông Hồi chia sẻ.
Một trong những lĩnh vực đáng chú ý trong chiến lược phát triển kinh tế biển của TP.HCM là khai thác năng lượng tái tạo từ biển. Với xu hướng chuyển đổi năng lượng toàn cầu, TP.HCM có thể tận dụng tiềm năng điện gió ngoài khơi và điện mặt trời nổi để cung cấp nguồn năng lượng xanh cho các khu đô thị biển trong tương lai.
Kết hợp giữa phát triển đô thị biển, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, và đầu tư vào công nghệ tiên tiến sẽ tạo ra một mô hình đô thị biển kiểu mẫu, nơi phát triển kinh tế không chỉ gắn liền với lợi ích kinh tế mà còn với bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị tự nhiên.
Phát triển kinh tế biển không thể tách rời bảo tồn thiên nhiên
PGS-TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam, nhận định rằng dự án phát triển đô thị lấn biển tại Cần Giờ là một bước đi lớn mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nhưng cần được triển khai trên nền tảng đánh giá tác động môi trường toàn diện, khách quan và khoa học.
“Chúng tôi đặc biệt lưu ý đến việc bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Đây là hệ sinh thái quý giá không chỉ đối với đa dạng sinh học mà còn là ‘tấm lá chắn xanh’ trước biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Dù dự án không tác động trực tiếp đến khu vực này, nhưng các ảnh hưởng gián tiếp như thay đổi dòng chảy, xói lở bờ biển hay gia tăng áp lực dân số đều cần được giám sát chặt chẽ”, ông Long nói.
Ông Long cũng ghi nhận nỗ lực từ phía chủ đầu tư trong việc đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, như bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, hạn chế ảnh hưởng đến các loài quý hiếm, hay không làm biến đổi cấu trúc đáy biển. Tuy nhiên, theo ông, cần có sự phối hợp đồng bộ với các dự án hạ tầng khác, đặc biệt là các công trình cảng biển, để giải quyết triệt để bài toán xói lở và biến đổi dòng chảy khu vực ven bờ.
“Điểm tích cực là dự án đã khảo sát kỹ lưỡng tác động đến sinh kế người dân và có hướng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, nhất là với những hộ sống dựa vào đánh bắt ven bờ. Nếu làm tốt, đây có thể là cơ hội nâng cao chất lượng sống và tạo công ăn việc làm bền vững cho cộng đồng địa phương”, ông Vũ Ngọc Long cho hay.
Bên cạnh đó, ông Long cũng cho rằng việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, kết hợp bảo tồn văn hóa bản địa là một hướng đi phù hợp với đặc trưng của Cần Giờ. Tuy nhiên, để dự án phát triển đúng hướng, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách đặc thù và sự phối hợp đa ngành.
“Phát triển kinh tế biển không thể tách rời bảo tồn thiên nhiên. Dự án chỉ có thể thành công khi có sự đồng hành từ các nhà khoa học, chính quyền địa phương, người dân và đặc biệt là khung chính sách rõ ràng từ Trung ương. Cần Giờ hoàn toàn có thể trở thành mô hình đô thị biển xanh, thông minh, nếu biết cân bằng giữa phát triển và giữ gìn giá trị sinh thái”, ông Long nói.
Tương lai của Cần Giờ không chỉ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của TP.HCM, mà còn là hình mẫu cho sự kết hợp giữa phát triển bền vững và công nghệ hiện đại. Cần Giờ, với hệ sinh thái rừng ngập mặn quý giá, cùng sự phát triển của đô thị biển thông minh, đang vươn lên như một cực tăng trưởng mới của thành phố, đóng góp vào tầm nhìn phát triển không gian biển lớn mạnh của cả quốc gia.