Cần hàng rào pháp lý ngăn tiếng ồn từ phố du lịch
Hoạt động kinh tế đêm ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng như một động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích thì cơ quan quản lý cũng cần nhận diện rõ rủi ro tiềm ẩn, trong đó có ô nhiễm tiếng ồn.
Để niềm vui của người này không trở thành nỗi “ám ảnh” của người khác, cần sự vào cuộc trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương và sự đồng thuận, hợp tác của các tổ chức, cá nhân.
Ô nhiễm tiếng ồn trong hoạt động du lịch đã diễn ra từ lâu, thậm chí có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi, nhưng chưa được các địa phương nhận diện đúng mức độ nghiêm trọng. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, ô nhiễm tiếng ồn là một trong những vấn đề lớn ảnh hưởng ngành du lịch, có thể làm giảm lượng du khách, doanh thu của doanh nghiệp khi một bộ phận lớn khách du lịch yêu cầu môi trường nghỉ dưỡng yên tĩnh và thư giãn.
Khách du lịch có thể không hài lòng, còn cư dân địa phương, những người sống gần khu du lịch nhưng không hưởng lợi từ hoạt động kinh tế này, thì chắc chắn đã từng cảm thấy phiền toái, khổ sở vì tiếng ồn, với những ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần, thậm chí là năng suất lao động khi “chịu đựng” trong thời gian dài.
Đặc biệt là từ tối về đêm, khoảng thời gian nghỉ ngơi của cư dân, đủ loại âm anh ồn ào vẫn phát ra từ các hàng quán như tiếng cười nói, thậm chí là cãi vã, tiếng nhạc xập xình, và cả những chiếc loa thùng vô tư kéo dạo với âm lượng “khủng”...
Việc quản lý hoạt động du lịch, kinh tế đêm cần được thống nhất bởi một cơ quan chuyên trách, với vai trò ''nhạc trưởng'' tổ chức linh hoạt và điều phối hài hòa các đơn vị cùng thực hiện.
Việc xử lý của các lực lượng chức năng vẫn gặp khó với những lý do quen thuộc nhiều năm qua như thiếu trang thiết bị kiểm định tiếng ồn, thiếu cơ chế phối hợp khi chưa xác định rõ đây là phạm trù ô nhiễm tiếng ồn hay an ninh trật tự,… dẫn đến số trường hợp bị xử phạt không đáng kể và mức phạt chưa đủ sức răn đe.
Từ góc độ kinh tế, lợi ích của kinh tế đêm là không phải bàn cãi khi tạo thêm nhiều việc làm, nguồn thu nhập cho địa phương, khuyến khích tiêu dùng, và nhất là nuôi dưỡng ngành du lịch, nâng cao trải nghiệm cho du khách trong bối cảnh sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, đa phần khách quốc tế “một đi không trở lại”.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế chỉ có ý nghĩa khi đi kèm việc nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đời sống tinh thần. Trong đó, giải “bài toán” ô nhiễm tiếng ồn, cải thiện hình ảnh du lịch là yêu cầu bức thiết, và các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương không thể tiếp tục “thả nổi” như bấy lâu nay.
Đầu tiên là cần có khung pháp lý, chính sách cho hoạt động kinh tế đêm với tầm nhìn chiến lược dài hạn, bao quát và tham vấn đầy đủ mọi chủ thể làm việc, sử dụng dịch vụ ban đêm, cư dân sống xung quanh, người điều hành và các chủ thể liên quan.
Việc quản lý hoạt động du lịch, kinh tế đêm cần được thống nhất bởi một cơ quan chuyên trách, với vai trò “nhạc trưởng” tổ chức linh hoạt và điều phối hài hòa các đơn vị cùng thực hiện, giám sát để ngăn ngừa tinh thần làm việc thiếu trách nghiệm hoặc ỷ lại.
Những quy định về loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động; giấy phép, tiêu chuẩn hoạt động; các chính sách về giao thông, an ninh, trật tự;… cần được đề cập cụ thể, rõ ràng.
Những khu nào được phép, tiếng ồn ở mức nào; không gian ngoài trời không gần khu dân cư; không gian trong khu dân cư, không gian kín có cách âm;… Các giải pháp kỹ thuật và hàng rào pháp lý được quy định rõ sẽ là căn cứ cho các lực lượng chức năng giám sát, xử lý, đồng thời không khiến du khách cảm thấy bị động.
Những bờ biển như ''bãi chiến trường âm thanh'', tiếng nhạc ''giật đùng đùng'' công suất lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực trải nghiệm của du khách.
Cơ chế tài chính cũng cần được chú trọng khi xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các địa phương mua sắm trang thiết bị cần thiết; bố trí lực lượng túc trực, tiếp nhận phản ánh của người dân và du khách, duy trì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục.
Công tác này cần được đặt vị trí trọng tâm trong việc triển khai thực hiện, bởi trên thực tế, vi phạm về tiếng ồn đa phần được người dân tự giác khắc phục khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, chứ chưa cần tới những biên bản xử phạt.
Đi cùng kiểm tra, xử lý luôn là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức và cá nhân kinh doanh. Hình thức cần đa dạng, từ vận động trực tiếp đến tận dụng tối đa sức lan tỏa của mạng xã hội để tăng cường nhận thức về sự nguy hại của ô nhiễm tiếng ồn, tạo sự đồng thuận và hợp tác để áp dụng các biện pháp hạn chế, từ đó nâng tầm hình ảnh du lịch địa phương và cũng là gia tăng lợi ích cho chính doanh nghiệp, người dân.
Phát triển du lịch không chỉ là tạo ra những điểm đến hấp dẫn, sản phẩm đặc trưng mà còn đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng chung ý thức trách nhiệm để gìn giữ “thương hiệu”, trong đó có việc bảo vệ không gian trong lành yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn.
Đó là mục tiêu mà ngành du lịch và các địa phương cần quan tâm đúng mức hơn để hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
Để bù đắp cho khoảng thời gian bị chôn chân ở nhà trong đại dịch Covid-19, du khách trên toàn cầu nhìn chung chấp nhận...