Khai phá tiềm năng du lịch đường sông TP.HCM
Du lịch đường sông của TP HCM có những lợi thế độc đáo, khác biệt, do đó cần được đầu tư tương xứng để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách
Trong chuyến làm việc tại Pháp, Đoàn đại biểu cấp cao TP HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn vừa đi khảo sát, tìm hiểu về quy hoạch phát triển sông Seine. Thông tin này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của những người làm du lịch bởi TP HCM có lợi thế rất lớn về phát triển du lịch đường sông.
Chưa được quy hoạch bài bản, đồng bộ
Vài ngày trước, chị Ngọc Hân (ngụ quận 1, TP HCM) cùng nhóm bạn tham dự một sự kiện trên tàu Hòn Ngọc Viễn Đông ở Bến Bạch Đằng. Chị cùng nhóm bạn ăn tối trên tàu, ngắm cảnh đêm thành phố lung linh từ sông Sài Gòn, thưởng thức chương trình âm nhạc dân tộc...
"TP HCM có dòng sông Sài Gòn chảy qua khu vực trung tâm quá đẹp, trải nghiệm không khí mát mẻ từ vùng sông nước khác hẳn với sự đông đúc vào ban ngày ở trên bờ. Có điều, tàu đưa khách đi đến khoảng 21 giờ là cập bến trở lại. Tôi quan sát thấy nhiều tàu khác cũng tương tự. Du khách chờ đợi nhiều hơn nữa những sản phẩm trải nghiệm độc đáo trên sông, trên tàu" - chị Ngọc Hân kể.
Du khách chèo sup trên sông ở TP HCM .Ảnh: BÌNH AN
Nhiều năm khai thác du lịch tàu biển và có sản phẩm du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Phan Xuân Anh, Tổng Giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, nhận định du lịch đường sông của TP HCM độc đáo, khác biệt. Hiếm có bến sông nào nằm ngay vị trí trung tâm thành phố như khu vực Bến Bạch Đằng hay dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xuyên qua khu vực trung tâm.
"Với đường sông, TP HCM là trung tâm trung chuyển để khách quốc tế sẽ đi tiếp về các tỉnh ĐBSCL rồi tới Campuchia, Thái Lan... Tuy nhiên, du lịch đường sông đang thiếu sự quy hoạch bài bản và đồng bộ nên chưa thật sự được khai thác hết tiềm năng" - ông Phan Xuân Anh nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết dự thảo chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030 xác định sản phẩm du lịch của thành phố có 3 nhóm sản phẩm du lịch gồm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ.
Trong đó, sản phẩm du lịch đường thủy được xác định thuộc nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, gồm các sản phẩm du lịch đường thủy trong địa bàn và các sản phẩm kết nối từ thành phố đến các tỉnh, trung tâm du lịch của Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Du khách được trải nghiệm đầy đủ về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và các hệ sinh thái điển hình lưu vực một số con sông lớn là sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu và đảo ven bờ lớn nhất Việt Nam.
Cần đầu tư mạnh cho cảnh quan bên sông
Nhiều công ty du lịch đã và đang triển khai hàng loạt sản phẩm du lịch đường sông để đón khách. Tuy nhiên, so với những dòng sản phẩm khác, du lịch đường sông của thành phố chưa được khai thác hết tiềm năng.
Bà Trần Phương Linh, Giám đốc tiếp thị - công nghệ thông tin Công ty BenThanh Tourist, cho hay công ty đã thiết kế một số tour du lịch đường sông ngắn ngày, trong đó nổi bật là tour chèo sup lướt sông Sài Gòn; tour chèo sup xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ...
"Lượng khách có nhu cầu tham gia trải nghiệm tour du lịch này còn khiêm tốn. Tour du lịch cũng chưa được xếp vào các sản phẩm chủ lực của công ty. Chất lượng vệ sinh môi trường đường thủy ảnh hưởng trực tiếp tới cảm xúc trải nghiệm của du khách. Rác thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường vẫn đang là một thách thức cho ngành du lịch TP HCM. Trước khi đề cập sự đa dạng, hấp dẫn của sản phẩm, cần tạo nên môi trường tự nhiên xanh, sạch để du khách yên tâm trải nghiệm" - bà Phương Linh dẫn chứng.
Theo các doanh nghiệp (DN), nếu so với một số quốc gia có sản phẩm du lịch đường sông phát triển mạnh như Pháp, Trung Quốc hay Thái Lan, có thể nhận thấy TP HCM chưa đầu tư về cảnh quan hai bên bờ sông, thiếu vắng các tòa kiến trúc đẹp, các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn... Để du lịch đường sông TP HCM phát triển, ngành du lịch cần phải đầu tư một cách chiến lược, bài bản, lâu dài và có tầm nhìn xa.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho rằng phát triển du lịch dựa theo tài nguyên đường sông chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực. Hiện tại, TP HCM có sông Sài Gòn uốn lượn theo khắp thành phố, mang trên mình nhiều giá trị tự nhiên và văn hóa. Hiếm có dòng sông nào thỏa các điều kiện như vậy. Có điều, một số công ty du lịch chỉ đang triển khai tour du ngoạn đường sông, tàu du thuyền đêm có dùng bữa tối hoặc du thuyền nhỏ uống trà chiều trên sông Sài Gòn.
"DN chỉ mới khai thác được đến đây vì cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ khách du lịch còn đang rất hạn chế. Muốn phát triển du lịch TP HCM, tiên quyết phải phát triển sản phẩm du lịch đường sông với những tour đem lại nhiều trải nghiệm, khám phá" - ông Hoàng Phương nói.
Loạt hoạt động du lịch trên sông Từ nay đến cuối năm 2023, Sở Du lịch thành phố sẽ phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị cùng DN tổ chức Lễ hội Sông nước. Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Sở Du lịch đang hoàn thiện trình UBND TP HCM ban hành kế hoạch phát triển du lịch đường thủy thành phố giai đoạn 2023-2025. Theo đó, ngành du lịch tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đường thủy mang tính văn hóa lịch sử, độc đáo, đặc trưng; tăng cường phối hợp với các tỉnh nhằm phát triển thêm sản phẩm du lịch đường thủy liên tuyến, liên vùng. "Sở đang phối hợp, hỗ trợ một số DN xây dựng các đề án đầu tư sản phẩm du lịch đường thủy có lưu trú qua đêm trên tàu, các sản phẩm trải nghiệm và thể thao trên mặt nước tại Cần Giờ. Khi đề án phát triển kinh tế kè và bờ sông được phê duyệt, sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch đường thủy được hình thành" - bà Ánh Hoa nói. |