Bảo vệ di sản phi vật thể Hà Nội trước sức ép của đô thị hóa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mang đặc trưng riêng của văn hóa Thăng Long và xứ Đoài với 1.793 di sản, trong số đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản thế giới và được ghi danh vào danh mục Di sản quốc gia. Dù vậy, trong quá trình phát triển nhanh chóng của đô thị, các Di sản Văn hóa phi vật thể chịu sức ép không nhỏ.

Giữ gìn trong gian nan

Bảo vệ di sản phi vật thể Hà Nội trước sức ép của đô thị hóa - 1

Tương truyền khi xưa, Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc Đường thì nghỉ chân tại thành Tống Bình (làng Triều Khúc ngày nay). Ngài lệnh cho một số lính nam cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ sau này điệu múa trở thành điệu múa có một không hai của hội làng Triều Khúc. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN

Với sự đa dạng của di sản phi vật thể, Hà Nội đang nắm giữ nhiều loại hình như: Ngữ văn truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn truyền thống, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Trong đó, lễ hội truyền thống chiếm giữ nhiều hơn cả với 1.206 lễ hội lớn nhỏ, trải rộng khắp các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế, đa phần lễ hội là có sức sống lâu bền bởi nó gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng xã, số lượng người tham gia đông. Các loại hình di sản phi vật thể khác ít nhiều còn gian nan trong câu chuyện gìn giữ và phát huy.

Điệu múa bồng của làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, ngay giáp với nội đô Hà Nội, là điệu múa cổ đặc sắc của Thăng Long xưa và là niềm tự hào không chỉ người dân làng Triều Khúc. Song điệu múa này phải huy động nam đóng giả gái múa theo kiểu lả lơi, phóng khoáng, đánh phấn tô son, mặc váy xòe đụp.

Nghệ nhân Triệu Đình Hồng, người có công phục hồi và phát huy điệu múa trống bồng cho biết, không chỉ hóa trang thành nữ, khi múa phải thể hiện sự lẳng lơ và người múa phải là thanh niên trẻ, chưa có vợ, gia đình gia giáo, dáng người thanh tú. Chính bởi vậy, nhiều thanh niên thấy ngại ngùng khi tham gia.

Dù có tự hào, yêu di sản quê hương nhưng số lượng người theo múa không nhiều. Vì có lẽ, việc múa may kiểu giả gái không hợp với xu hướng nam thanh niên hiện nay. Hơn cả là họ bị cuốn theo nhịp sống hiện đại của thành phố.

Tiếng lóng thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên cũng đang trong tình trạng mai một, bởi một lý do đơn giản là người làng không cần dùng tiếng lóng trong giao tiếp để giữ nghề đóng cối xay lúa nữa.

Nghề đã mất, những người thợ cối đều đã cao tuổi, phần lớn họ chỉ nhớ được những từ tiếng lóng thông dụng và tiếng lóng không còn được thực hành. Thế hệ trẻ hầu như không biết tiếng lóng. Điều đó đồng nghĩa, khi những người thợ đóng cối xay lúa mất đi, tiếng lóng không còn tồn tại nữa.

Tương tự, hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ; hát trống quân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín; trò vật lầu ở làng Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên… cũng trong nguy cơ bị mai một do sức ép của cuộc sống hiện đại.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ngoài một số di sản gắn liền với các hội làng, hội đền, di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn của Hà Nội đang có nguy cơ mai một vì có rất ít người thực hành. Các lễ hội ở nhiều nơi cũng bị biến dạng, giảm giá trị do môi trường sống thay đổi, do vấn đề quản lý, tổ chức của địa phương và của cả chủ thể văn hóa.

Cùng chung tay bảo vệ

Thành phố Hà Nội có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, huy động các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền và cộng đồng nắm giữ di sản cùng vào cuộc. Thực tế cho thấy, việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đã được nâng lên một bước.

Song so với yêu cầu, nhất là trong bối cảnh môi trường sống có nhiều thay đổi, quá trình đô thị hóa đang diễn ra hàng ngày, việc bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể càng cần được quan tâm hơn lúc nào hết.

Những người nắm giữ di sản tại cộng đồng làng xã luôn trăn trở để vận động người dân cùng chung tay bảo tồn, tích cực trao truyền di sản cho thế hệ trẻ, tổ chức những buổi giới thiệu đến công chúng.

Ông Âu Xuân Kiên, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Trường Lâm ( phường Việt Hưng, quận Long Biên), nơi biết đến với điệu múa rắn lột tại Lễ hội làng Trường Lâm luôn tâm huyết với điệu cổ truyền thống của quê hương và có công rất lớn trong việc gìn giữ, phát huy di sản này.

Không chỉ vận động, hướng dẫn thanh niên trong làng tham gia múa, ông còn giảng giải cho họ hiểu những giá trị quý không đâu có được của điệu múa rắn lột, để khơi nguồn ý thức gìn giữ và sự say mê với điệu múa này. Có thời điểm, các cụ cao niên trong làng không đồng ý đem điệu múa rắn lột đi nơi khác biểu diễn vì đó là nghi thức thiêng.

Ông Âu Xuân Kiên phải giải thích việc đưa đi biểu diễn có tác dụng lớn trong quảng bá giá trị di sản. Mỗi lần đi diễn, ông và những người trong Ban Quản lý di tích đều làm lễ xin phép Thành hoàng. Nhờ thế, công chúng biết tới điệu múa rắn lột nhiều hơn.

Thành công lớn nhất của ngành Văn hóa thành phố là việc hoàn thành công tác tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội. Sau khi hoàn thành kiểm kê, thành phố đã bàn giao danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể về các địa phương để làm cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hàng năm, ngành Văn hóa Hà Nội và các địa phương từng bước quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, nhất là việc truyền dạy nghệ thuật trình diễn cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đó là việc đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ một phần kinh phí giảng day, tổ chức liên hoan di sản văn hóa và hỗ trợ các câu lạc bộ tham gia. Tuy kinh phí hỗ trợ chưa nhiều, song đó cũng là cố gắng của ngành Văn hóa đối với việc gìn giữ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể.

Một mặt, ngành Văn hóa thực hiện tư liệu hóa nhiều di sản văn hóa phi vật thể như: Hát chèo tàu ở huyện Đan Phượng, múa hát Ải Lao ở quận Long Biên, hát trống quân ở huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Phúc Thọ… Các nghệ thuật trình diễn này được ghi đĩa hình, in sách về cách thức trình diễn, các bài hát, điệu múa vừa làm cơ sở giảng dạy, vừa để lưu giữ lâu dài và đưa đi quảng bá tại các sự kiện văn hóa.

Di sản văn hóa phi vật thể được coi là một phần hồn cốt của Thăng Long - Hà Nội, ở đó chất chứa những tinh hoa của dòng chảy văn hóa trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử. Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Vì vậy, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống hiện nay, trước sức ép của quá trình đô thị hóa chính là bảo vệ một phần hồn cốt cho văn hóa Hà Nội.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đinh Thuận (TTXVN)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!