"Người thực hành du lịch bền vững phải có ý thức tiết kiệm thiên nhiên, văn hóa bên cạnh nghĩa vụ hoàn trả lại môi trường những yếu tố đã khai thác", ông Nguyễn Mạnh Bình San - chuyên gia quy hoạch xanh, nhấn mạnh.
Du lịch bền vững đã trở thành một nhu cầu thị trường. Là chuyên gia quy hoạch và phát triển du lịch xanh, với ông, du lịch bền vững là gì?
Nội hàm của bền vững có 2 yếu tố: lâu dài và kế thừa. Vậy cái gì lâu dài và có tính kế thừa gọi là bền vững. Du lịch là hoạt động gắn liền với sự dịch chuyển và phải mang đến một giá trị khác biệt bởi việc thay đổi không gian.
Theo tôi, có hai thứ tồn tại lâu dài từ trước là thiên nhiên và văn hóa. Một khu du lịch dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, tạo ra những trải nghiệm độc đáo, có tính kế thừa gọi là khu du lịch bền vững. Khái niệm này nhằm phân biệt với du lịch theo trào lưu, công nghệ (trò chơi, cáp treo, biểu diễn...) luôn phải thay đổi để đáp ứng thị trường kém bền vững.
Người làm du lịch bền vững phải tuân thủ 3 nguyên tắc: tiết kiệm, hiệu quả và có trách nhiệm hoàn trả đối với không gian thiên nhiên đặc sắc vốn có; bối cảnh văn hóa, công trình văn hóa đặc sắc sẵn có. Làm đúng, mô hình đó tự khắc lan tỏa và được kế thừa trong cộng đồng.
Theo ông, tiết kiệm thiên nhiên trong quy hoạch một điểm đến du lịch thế nào là đúng?
Có hai việc giúp tiết kiệm thiên nhiên. Thứ nhất, hạn chế tác động đến môi trường. Nếu phải tác động để xây dựng công trình, chọn phương án tận dụng tối đa một vùng kém trù phú hơn để khai thác hiệu quả, đồng thời duy tu các vùng còn lại để tăng mảng xanh.
Tiếp theo, phải hoàn trả tự nhiên theo nguyên tắc đảm bảo lấy bao nhiêu phải bù lại bấy nhiêu. Lưu ý, thiên nhiên bao gồm nhiều thứ như bề mặt đất tự nhiên, cây xanh, các mạch nước và không khí. Mọi tác động vật lý đều phải được hoàn trả xứng đáng. Trong quy hoạch nhất định đảm bảo các tiêu chí này.
Nhưng văn hóa phi vật thể là một thứ vô hình, lấy tiêu chí nào để định tính tiết kiệm, thưa ông?
Nếu vùng có nhiều đặc trưng văn hóa thì cân nhắc sử dụng một trong số các yếu tố để khai thác. Bên cạnh đó, điều chỉnh quay vòng để vừa làm mới sản phẩm, vừa có thời gian cho các yếu tố đã sử dụng có cơ hội tái tạo. Tránh tuyệt đối trường hợp bội thực và lạm dụng văn hóa.
Nghiên cứu phản ứng du khách cũng rất quan trọng. Trong văn hóa có hình thái phù hợp để trưng bày, có hình thái phù hợp biểu diễn, có hình thái chỉ phù hợp trải nghiệm thương mại, phải cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng để sử dụng phù hợp.
Công tác bồi bổ văn hóa cũng cần chú trọng. Việc làm cho người bản địa càng ngày càng tự hào về nét đẹp văn hóa vốn có của họ, tự nhiên sẽ giúp giá trị đó được gìn giữ, bảo lưu.
Khu du lịch Làng Nhỏ do ông sáng lập và đầu tư đã thực hành các tiêu chuẩn bền vững như thế nào?
Đầu tiên, tôi phải bằng lòng rằng không thể bắt buộc người khác làm theo mong muốn của mình, cho nên tôi tìm phương án cách xa nhất người làm không bền vững bằng việc tạo ra một vành đai bảo vệ đủ lớn để tạo ra không gian bền vững cho Làng. Chúng tôi mua và đền bù 165 hecta để bảo vệ vùng lõi 80 hecta - khu vực xác định có thể truyền tải thông điệp bền vững.
Bước thứ hai là triển khai khôi phục hệ sinh thái. Bối cảnh thiên nhiên đặc sắc của Làng Nhỏ là suối - núi - hồ - rừng, nên chúng tôi tập trung các giải pháp tái tạo hệ sinh thái tự nhiên để Làng Nhỏ có hệ đồi núi xanh, nước suối mát sạch và hồ xanh đẹp.
Bước thứ ba là tiến hành quy hoạch và khảo sát địa hình, tuân thủ nguyên tắc chọn điểm đặt công trình ở vị trí xấu để nhìn ra vị trí đẹp; tránh đặt công trình - ngoại trừ công trình điểm nhấn - lên đỉnh núi, các công trình còn lại phải đặt ẩn mình trong thiên nhiên.
Thứ tư, chúng tôi sử dụng hạ tầng xanh bằng cách tối ưu hóa việc thoát nước bởi hệ thống mạch ngầm tự nhiên, hạn chế hạ tầng xám (đặt cống bê tông, rãnh bê tông...) tránh làm khô mặt đất, giúp hoàn trả nước cho đất để cây cối phát triển tự nhiên.
Thứ năm là quan tâm đến năng lượng tái tạo bằng việc tối đa hóa sử dụng năng lượng tự nhiên đồng thời tiết kiệm năng lượng với thiết kế thông gió, tạo bóng râm che mát giảm thiểu sử dụng máy lạnh.
Thứ sáu là tận dụng xây dựng lắp ráp. Tại Làng Nhỏ, hoạt động thi công song song đón khách nhưng hầu như không ảnh hưởng đến nhau.
Thứ bảy là áp dụng mô hình kinh tế sinh trưởng, đây là yếu tố rất quan trọng trong phát triển bền vững.
Khái niệm kinh tế sinh trưởng có vẻ chưa được nhắc nhiều trong phát triển du lịch bền vững, ông có thể lý giải rõ hơn?
Để tránh xây dựng mô hình không phù hợp hoặc quá sớm hoặc mau lỗi thời so với thị trường, phải xác định mô hình đó có thể trở thành sản phẩm du lịch tiêu dùng chưa. Chỉ khi du lịch trở thành một nhu cầu tiêu dùng mới bền vững. Để kiểm chứng thị trường, phải làm từ từ. Quy tắc kiểm chứng thị trường chính là kinh tế sinh trưởng.
So sánh dễ hiểu thì kinh tế sinh trưởng là làm vườn (trồng cây, cây càng lớn thời gian chăm bón càng ít, trồng một cây nhưng thu hoạch nhiều năm, có khi nhiều đời) còn kinh tế phát triển là làm ruộng (không làm không có ăn, làm phải đầu tư nhiều công sức, chi phí và phụ thuộc thị trường khó đoán).
Nói một cách ngắn gọn thì Làng Nhỏ đang ở đâu trong mô hình của một khu du lịch bền vững, thưa ông?
Làng Nhỏ kiên trì mô hình của kinh tế sinh trưởng, xây dựng không tác động môi trường, giữ gìn thiên nhiên để thực hành du lịch thưởng thức văn hóa dân dã kết hợp trải nghiệm thiên nhiên kỳ thú. Trên hai trục đó, chúng tôi cố gắng tiến tới thực hành du lịch bền vững.
Xin cảm ơn ông!