2022 - năm hồi phục diệu kỳ của du lịch TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM năm 2022 đã mở ra nhiều tour lạ như ngoạn cảnh TP bằng trực thăng và khinh khí cầu; rà soát tài nguyên, trình làng nhiều điểm đến mới từ các quận huyện.

Dù gặp không ít khó khăn, du lịch TP.HCM 2022 đã có một năm đầy nỗ lực. 8 tháng tính từ lúc mở cửa du lịch (15/3 – 31/12/2022), TP đón 3.465.686 khách quốc tế; đạt 99% chỉ tiêu 2022 và 31.236.443 khách nội địa (chiếm 30,8% cả nước); vượt 24,9% 2022. Tổng doanh thu đạt 131.138 tỷ, dù so với thời hoàng kim 2019 giảm 7%, nhưng nếu tính kế hoạch 2022 thì con số này vượt đến 45,7%. Riêng doanh thu đầu khách tăng gấp đôi 2019.

2022 - năm hồi phục diệu kỳ của du lịch TP.HCM - 1

Du lịch TP.HCM đã có sự hồi phục ngoạn mục trong năm 2022, với doanh thu đạt 131.138 tỷ đồng. Ảnh: Shutterstock

Nét mới của du lich TP là liên kết. Liên kết các tỉnh 6 vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc. Việc liên kết đã phát huy thế mạnh từng bên phối hợp, thể hiện sự cầu thị, lắng nghe các góp ý về nội dung, hình thức của từng chuyên gia thực tiễn, mang đến các sự kiện luồng gió mới.

Vòng bán kết hội thi Hướng dẫn viên (HDV) giỏi TP.HCM mở rộng được tổ chức như tour thực tế, để thí sinh trổ tài như SG Water Bus, Buýt 2 tầng Sight Seeing Saigon, Kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè… Cuộc thi còn được cộng hưởng bởi tọa đàm “HDV & Những điều chưa kể”; tôn vinh HDV...

Bước đầu, du lịch TP triển khai chương trình chuyển đổi số, đồng hành với “Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia – Thẻ du lịch thông minh” hợp tác giữa Tổng cục Du lịch với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số do Bộ Công Thương chủ trì, nhằm ứng dụng công nghệ tiên tiến và thương mại điện tử hỗ trợ phát triển du lịch, tích hợp nhiều tính năng thuận lợi.

2022 - năm hồi phục diệu kỳ của du lịch TP.HCM - 2

Khách du ngoạn trên thuyền xuôi dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Nguyen Do

Ngoài các sản phẩm truyền thống, TP cũng mở ra nhiểu tour lạ, như ngoạn cảnh TP bằng trực thăng và khinh khí cầu; rà soát tài nguyên, trình làng nhiều điểm đến mới từ các quận huyện.

Chương trình được các quận huyện tích cực hưởng ứng, đánh thức tiềm năng du lịch, giới thiệu nhiều điểm đến bất ngờ. Cứ nghĩ, du lịch là phải đi xa. Cứ tưởng, địa phương chẳng có gì. Kiểm kê, giật mình vì sự vô tâm, “quen quá hòa nhàm”.

Hàng loạt điểm đến được trình làng như các di tích “Biệt động Sài Gòn” (liên quận 1 và 3), “Du thuyền sử xanh”, “Vọng nguyệt”, “Hoàng hôn trên dòng kênh huyền thoại”. Ít ai biết kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là “kỳ tích Sài Gòn”. Dòng kênh duy nhất có cống ngầm khổng lồ thu gom nước thải đôi bờ, giải tỏa và tái định cư 11.423 hộ dân, cảnh quan thuần Việt (liên quận 1,3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình).

2022 - năm hồi phục diệu kỳ của du lịch TP.HCM - 3

Đường về Cần Giờ mát xanh, cứ nghĩ du lịch là phải đi xa, không ngờ loanh quanh TP.HCM có quá nhiều điểm đến hấp dẫn. Ảnh: NVM 

Hay các điểm đến như Nhà Thiếu nhi TP (Dinh Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa), từng là Hội sở Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn 1970). Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (tư dinh Tư lệnh Cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa). Nhà Thiếu nhi quận 3 (Sứ quán Campuchia) cùng chợ Bàn Cờ và bài hát “Người Mẹ Bàn Cờ”, công viên tượng đài Thích Quảng Đức. Chùa Kantarangsay - Ánh Trăng - chùa Khmer lâu nhất Sài Gòn); Nhà cổ nhất Sài Gòn trong Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn (Quận 3).

Ngay đầu năm mới 2023, TP ra mắt tour thăm đảo Thiềng Liềng (ấp lớn nhất TP.HCM),  thủ phủ Yến Sào Tam Thôn Hiệp với nhà yến rộng hơn 5.000m2 (Cần Giờ). Đây cũng là lần đầu tiên TP.HCM có một sản phẩm du lịch cộng đồng mang đặc trưng vùng biển. 

Du lịch TP.HCM có thể đạt kết quả tốt hơn. Trước mắt, năm 2023, cần thay đổi tư duy du lịch, thay đổi con người, nếu không phù hợp. Người Sài Gòn hào nghĩa, hiếu khách. Và du khách sẽ hào hứng hơn khi được thấy “Nụ cười” tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất và lan tỏa khắp thành phố. Cần dùng tinh thần và thái độ phục vụ làm vũ khí cạnh tranh với khu vực, khẩn trương nâng cấp hạ tầng cơ sở.

2022 - năm hồi phục diệu kỳ của du lịch TP.HCM - 4

Món ăn quen thuộc nhưng khách không thể thiếu khi đến thăm TP.HCM. Ảnh: NVM 

Thành phố cũng cần sàng lọc và dẹp bớt lễ hội. Lễ ra lễ, hội ra hội. Nhanh chóng giải cứu kênh rạch nội đô, căn cơ như Nhiêu Lộc, để phát triển du lịch. Không đưa khách đến miếu nổi Phù Châu (Gò Vấp) và sự kiện “Trên bến dưới thuyền” (quận 8), vì quá ô nhiễm. Cần tổ chức “Chủ nhật Xanh” dọn sạch rác, nhất là tại các điểm du lịch.

Một điểm cộng cần chú ý trong năm 2023 là mở rộng tour tham quan bằng trực thăng, khinh khí cầu. Tập họp chuyên gia, xây dựng bộ sản phẩm tour đặc thù Sài Gòn theo cụm – Nội đô – Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Bình Tân, Tân Bình – Cần Giờ, quận 4, quận 7 – Thủ Đức. Từng quận, huyện giới thiệu “nguyên liệu”; để thành phố “làm bánh”.

Các nhà hàng du lịch cần chú ý hơn đến thực đơn. Những chuyện rất nhỏ nhưng chưa nơi nào thay đổi được, như cần phục vụ nước chấm riêng từng người, có dụng cụ sớt đồ ăn chung ra từng phần.

2022 - năm hồi phục diệu kỳ của du lịch TP.HCM - 5

Một góc bảo tầng áo dài 

Phải có lộ trình giảm dần các tệ nạn và những điểm nghẽn du lịch thành phố.

Từ 2024, TP không nên tổ chức hội chợ, sự kiện trong công viên, giữa đường phố. Bởi làm vậy là tra tấn cỏ cây; tạo tâm lý hủy hoại môi trường. Cần có quảng trường, sân vân động chuyên dùng. Đưa các sự kiện ra vùng ven. Chặn đứng nạn bê tông hóa kệch cỡm nông thôn và trùng tu di tích tùy tiện.

TP cũng nghiên cứu chuyển đường hoa Nguyễn Huệ về kênh hoa Nhiêu Lộc Thị Nghè. Đường Hoàng Sa, Trường Sa sẽ là phố đi bộ (theo mô hình Singapore), workshop mỹ thuật, nối kênh hoa, giữ nguyên cảnh quan đôi bờ. Kết nối từng điểm đến với các trạm dừng xe buýt.

Nâng cấp và tận dụng những bảo tàng trọng điểm; các nhà lưu niệm Trần Văn Khê, Vương Hồng Sển, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên...

Sớm xây dựng “Vườn thú hoang dã “ ở Cần Giờ; mở rộng đường sách Nguyễn Văn Bình và các phố đi bộ. Vận dụng mô hình các chợ Đêm Đài Loan. Hình thành các phố chuyên dịch vụ, hàng cao cấp, hàng lưu niệm thủ công...

Rất nhiều việc phải làm. Trước khi tiến hành công nghiệp 4.0; thực hiện liền 4. CÓ – Có thông tin minh bạch – Có số liệu chính xác – Có cách làm hiệu quả - Có người chịu trách nhiệm cụ thể.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!