Dưa hấu thỏi vàng, bưởi hồ lô, 'bàn tay Phật'... mang tài lộc vào nhà
Theo quan niệm dân gian, nhiều người thường chọn những loại trái cây độc đáo này để chưng trong những ngày Tết, với mong muốn tài lộc vào nhà suốt cả năm.
Phật thủ là một trong những loại quả có hương thơm rất dễ chịu và có ý nghĩa rất đặc biệt vào ngày Tết của người Việt. Theo quan niệm dân gian, quả phật thủ có hình dáng giống như bàn tay của Phật nên rất thiêng liêng.
Trung bình khoảng 2 năm cây phật thủ sẽ được thu hoạch. Vòng đời của cây cũng chỉ 5 - 6 năm là phải chuyển tới vùng đất mới canh tác, còn vùng đất cũ sẽ được cải tạo lại vài năm mới có thể quay lại trồng lứa mới. Ảnh: K.P
Quả phật thủ thường được bày trên mâm ngũ quả vào ngày Tết hoặc đặt trên bàn thờ để thắp hương tổ tiên, được đặt ở vị trí chính giữa và cao nhất trong mâm ngũ quả.
Hoa phật thủ có mùi thơm và quả không có nước, không có ruột mà chỉ có phần lõi xốp bên trong. Vì vậy mà không ăn được, nhưng có thể dùng để làm nguyên liệu chế biến các món ăn bổ dưỡng và dùng làm các bài thuốc.
Một quả phật thủ đẹp là phải to, tròn trái, các ngón của quả phải đều, nhiều ngón, ngón to nhô lên, đường kính rộng.
Được mệnh danh là loài cây khó tính, vì vậy loài cây này đòi hỏi sự chăm sóc cao, các chủ vườn cũng phải tính toán, theo dõi sát sao thời tiết. Phật thủ đơm hoa kết trái quanh năm nên phải tính toán kỹ và theo dõi sát sao thời tiết. Để có quả đẹp và phục vụ cho nhu cầu người dân vào dịp Tết, người trồng phải “ép” đúng thời điểm, theo kỹ thuật thì quả mới sai và đẹp. Nhiều quả được chăm sóc đặc biệt kỹ lưỡng, bởi với các chủ vườn, chúng không chỉ có giá trị lớn về kinh tế mà còn được đánh giá cao về hình thức, thẩm mỹ.
Bưởi tiến vua còn gọi là bưởi Luận Văn, từng là loại bưởi đỏ được dùng để biếu nhà vua, sau một thời gian bị mai một giờ đây cây bưởi quý này đang được hồi sinh bởi nhu cầu cao của thị trường. Giống bưởi quý này được trồng tại làng Luận Văn, xã Thọ Xương, hiện nay đã được phát triển nhiều tại các xã Xuân Bái, Xuân Lam, Xuân Trường… huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Bưởi đang dần chuyển từ vàng sang màu đỏ gấc. Ảnh: Hoài Thu
Giống bưởi có màu đỏ tươi từ trong ra ngoài, mùi thơm dịu, từng là sản vật được người dân địa phương đưa vào cung tiến vua, vì vậy được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là vào dịp Tết.
Bưởi tiến vua có đặc tính rất khác so với các loại bưởi thông thường, khi nhỏ bưởi màu xanh, nhưng đến khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch sẽ chuyển sang màu vàng.
Đặc biệt, vào khoảng tháng 10 - 11 âm lịch, bưởi tiếp tục có sự thay đổi về màu sắc, lúc này toàn thân quả bưởi từ ngoài vào trong tép đều chuyển sang màu đỏ gấc.
Không chỉ có màu sắc quyến rũ, khi thưởng thức hương vị bưởi cũng rất ngon, chỉ cầm quả bưởi trên tay đã ngửi thấy mùi thơm nức, càng xoa tay vào quả bưởi càng đỏ, ăn bưởi có vị ngọt thanh.
Điều thú vị hơn, khi sử dụng rượu để lau bưởi trước khi dâng cúng tổ tiên, bưởi sẽ có mùi thơm rất đặc trưng và lưu giữ được màu sắc, vẻ tươi đẹp cả tháng trời. Không những vậy, với màu đỏ đặc trưng, bắt mắt, bưởi Luận Văn còn được xem như biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Chính vì vậy, người xưa ưu ái xếp bưởi đỏ Luận Văn lên vị trí “vua” của các loại bưởi.
Dưa hấu hình thỏi vàng là dưa hấu Kim Hồng, được nông dân tạo hình bán trong dịp Tết. Dưa hấu Kim Hồng được chọn để tạo hình bởi đặc điểm nổi bật của nó, vỏ dày màu vàng, ruột đỏ và độ ngọt cao.
Dựa dấu được tạo hình thỏi vàng rất độc đáo. Ảnh: Yến Phương
Thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của việc tạo hình dưa hấu. Nếu thời tiết thất thường thì nông dân sẽ phải rất vất vả hơn.
Ngoài ra còn có loại dưa hấu hình vuông, cũng rất được ưa chuộng trên thị trường.
Với hình dáng độc đáo, màu vàng rực rỡ, bóng mịn, cùng chữ nổi “Tài – Lộc”, “Phúc – Lộc” ngay chính giữa, như mang đến một năm mới đầy may mắn, tài lộc và bình an, làm cho dưa hấu thỏi vàng và dưa hấu vuông trở thành sản phẩm ý nghĩa để trưng trong dịp Tết.
Bưởi tạo hình hồ lô, giá năm 2020 là 1.200.000 đồng/trái, mẫu mã đẹp nhưng hàng không đủ bán. Sau đó nhiều nơi cùng sản xuất thì giá còn khoảng 300.000-400.000 đồng/trái.
Mỗi năm người nông dân đều cho ra mẫu khác nhau, bưởi có chữ Tài, Lộc, bưởi hồ lô in hình thỏi vàng, đồng tiền…
Hiện loại bưởi này được trồng khá nhiều ở Thanh Hóa tới Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh…
Bưởi hồ lô đã rẻ hơn trước rất nhiều do được nhiều nơi trồng. Ảnh: T.Phong
Từ một trái bưởi chưng tết thông thường, nhưng khi tạo ra hình dáng mới thì giá trị tăng lên gấp nhiều lần. Một mức hấp dẫn không chỉ với nhà vườn mà còn với cả những ai kinh doanh. Dẫu vậy, đây chỉ là trên lý thuyết, để có được sản phẩm chất lượng, người tạo hình phải chăm chút và tốn không ít công sức, chi phí và thời gian.
Trái khóm (thơm) trổ xòe như con chim phụng với màu đỏ sặc sỡ đang đua nhau khoe sắc những ngày Tết.
Khóm phụng được nhiều người ưu chuộng vì hình dáng xòe đẹp như đuôi chim phụng và đặc biệt có những trái khóm con mọc quanh thể hiện sự đâm chồi nảy lộc.
Sắc đỏ rực rỡ của khóm phụng còn tượng trưng cho sự may mắn, giàu sang, phú quý nên được nhiều người chọn chưng trên mâm ngũ quả.
Để có trái khóm phụng đẹp, ngay từ tháng 2 âm lịch, nông dân bắt đầu trồng cây giống, đến tháng 8 âm lịch xử lý để khóm ra hoa và chín đúng dịp Tết Nguyên đán và có thể chưng 1 tháng mà không bị hỏng.
Khóm phụng có hình dáng xòe đẹp như đuôi chim phụng. Ảnh: B.Trân
Để khóm phụng có giá cao, trái phải đạt phụng, tức là ngoài màu sắc đỏ rực rỡ, hình dáng đẹp, đầu trái khóm phải có hình đuôi phụng xòe ra, dưới cuốn có từ 5 khóm con trở lên. Nếu khóm thường bán lẻ chỉ khoảng 10.000 đồng/trái, khóm phụng giá cao hơn, với khoảng 80.000-120.000 đồng/trái, có những trái phụng đẹp lên đến 200.000 đồng/trái.
Vào dịp lễ Tết, những món ăn này thường được nhiều người châu Á chọn để mang lại nhiều điều may mắn, ấm no và...