Cà vạt, khăn choàng độc đáo của Đồng Tháp, càng dùng lâu càng tốt!
Điều đặc biệt đối với sản phẩm là dùng càng lâu thì vải càng mềm, khả năng thấm nước càng tốt. Ngày 2/8, "Nghề dệt choàng" ở huyện Hồng Ngự đã được công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm của Làng nghề dệt choàng. Ảnh: BĐT.
UBND huyện Hồng Ngự cho biết, hiện tại Làng nghề dệt choàng Long Khánh A có 58 hộ làm nghề, với 147 khung dệt, tạo việc làm cho trên 300 lao động ở địa phương. Hàng năm, làng nghề sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 2 triệu chiếc khăn choàng các loại, với giá bán từ 50.000 - 160.000 đồng/sản phẩm, tùy thuộc vào chủng loại, màu sắc, kích cỡ.
Năm 2014, sản phẩm khăn choàng của Làng nghề dệt choàng Long Khánh A được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Thời gian qua, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng thị trường, người dân Làng nghề dệt choàng Long Khánh A đã không ngừng cải tiến, sáng tạo, kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm mới như: quà tặng khăn rằn, áo sơ mi, áo dài, túi xách, nón, cà vạt…
Các sản phẩm của làng nghề vừa phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân vừa là sản phẩm quà tặng du lịch giá trị cao, đặc trưng của huyện Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Ngày 2/8, tại xã Long Khánh A, UBND huyện Hồng Ngự đã tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề dệt choàng” xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự.
Huyện Hồng Ngự đã triển khai nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm (nhuộm vải, quay tơ, dệt máy, dệt tay…) tại Làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A, đồng thời kết hợp phát triển quà lưu niệm thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.