Cuối tuần, về ngoại ô chèo SUP, đạp xe, thưởng thức đặc sản OCOP
Cuối tuần rủ nhau về Củ Chi đạp xe, thăm vườn trái cây hay qua phà Bình Khánh xuống Cần Giờ, chèo SUP len lỏi trong rừng đước, thưởng thức đặc sản OCOP đang là trải nghiệm “hot trend” gần đây.
Về Củ Chi đạp xe, hái trái cây
Hè này, nhiều du khách, nhất là các gia đình tại TP.HCM lại rủ nhau về Củ Chi tham quan, du lịch. Điểm hấp dẫn nhất của Củ Chi dịp hè chính là các vườn trái cây bắt đầu vào mùa. Chôm chôm, măng cụt, dâu da, bưởi da xanh trĩu quả.
Đạp xe ngắm cảnh ở Củ Chi
Huyện Củ Chi đang tổ chức quảng bá du lịch nông nghiệp với chủ đề “Hoa thơm trái ngọt vùng Đất Thép năm 2023” kéo dài đến hết tháng 6 âm lịch tại xã Trung An. Đây là nơi có vườn trái cây nổi tiếng nhất huyện Củ Chi và TP.HCM. Tổng diện tích vườn cây ăn trái ở xã Trung An khoảng 330 hecta với gần 200 hộ canh tác, nổi bật là chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, dâu, chuối, mít.
Hái trái cây tại vườn
Đến Củ Chi thời điểm này, ngoài tham quan vườn trái cây chín rộ, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã, món ăn chế biến từ trái cây, các trò chơi dân gian đậm tính miệt vườn.
Gia đình chị Nguyễn Hồng Hạnh (ngụ quận Bình Thạnh) vừa trở về sau chuyến tham quan Củ Chi. “Về Củ Chi, chắc chắn phải tham quan địa đạo, tuy đã đi nhiều nhưng lần nào cũng có những trải nghiệm thú vị. Năm nay, biết vườn trái cây đang chín, chúng tôi hái chôm chôm, ăn tại vườn và dùng bữa trưa dân dã với thịt luộc, rau rừng mà rất ngon”, chị Hạnh cười, nói.
Măng cụt Củ Chi nổi tiếng ngon ngọt
Cũng về huyện Củ Chi để du lịch cuối tuần, nhóm bạn của anh Hoàng Anh (Quận 3) lại chọn đi bằng một phương tiện rất đặc biệt, đó là xe đạp. Từ trung tâm thành phố, nhóm xuất phát từ sớm, thời tiết mát mẻ, đến Củ Chi, nhóm đạp xe men khu vực bờ sông, cạnh bên là vườn cây ăn trái. Một số cơ sở tại Củ Chi cũng bắt đầu cho thuê xe đạp, du khách có thể len lỏi các con đường làng, cảm nhận không khí trong lành ở nông thôn rồi trải nghiệm hái chôm chôm ở vườn trái cây Trung An.
Chèo SUP, trekking ở Cần Giờ
Du lịch một ngày ở TP.HCM, nhất là cuối tuần, nếu không là Củ Chi, nhiều du khách sẽ chọn Cần Giờ, nơi vừa có biển vừa có rừng để thư giãn, lấy lại năng lượng trước khi trở lại học tập, làm việc. Qua phà Bình Khánh, không khí mát mẻ, trong lành của rừng đước bạt ngàn hai bên đường sẽ tắm mát, làm dịu tâm hồn của du khách.
Chèo SUP ở Cần Giờ
Chèo SUP ở Cần Giờ, len lỏi trong rừng đước đang là trải nghiệm được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Sau dịch bệnh COVID-19, nhu cầu du lịch chữa lành tăng cao, các công ty lữ hành đang khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch Cần Giờ, kết hợp trekking (đi bộ) trong rừng đước và chèo SUP. Với các hoạt động liên hoàn này, khách được hòa mình vào những trải nghiệm hoàn toàn mới ngay tại TP.HCM.
Du lịch cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An cũng là một điểm đến mới nổi gần đây ở Cần Giờ. 16 điểm đến với các trải nghiệm gần gũi mang tính cộng đồng cao như tham quan nghề muối, ngâm chân thư giãn, không gian hoài niệm, ẩm thực và cả homestay… đang thu hút du khách về một điểm đến mới lạ, khác biệt ở TP.HCM.
Với nhiều lợi thế độc đáo phát triển du lịch, mô hình du lịch cộng đồng ở ấp đảo Thiềng Liềng mới được khơi dậy gần đây sau nhiều chuyến khảo sát của Sở Du lịch TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch. Ra mắt cuối năm 2022, sức hút của du lịch Thiềng Liềng được đánh giá rất nhiều tiềm năng.
Thưởng thức đặc sản OCOP
Đi kèm với du lịch, thì không thể thiếu ẩm thực, hay nói dân dã: Sau khi “chơi”, phần tiếp đến phải là “ăn”. Về Củ Chi và Cần Giờ hiện nay không chỉ mới lạ ở trải nghiệm du lịch mà còn độc đáo ở đặc sản “thết đãi” du khách.
Gần đây, các đặc sản OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của TP.HCM đang được các địa phương tích cực giới thiệu, đưa vào các chương trình du lịch và được du khách đón nhận. Sản phẩm OCOP tại Củ Chi có các loại trái cây sấy, bột rau má, bột rau diếp cá, bột rau tía tô, bột lá sen, bột chùm ngây sấy lạnh… dùng được ngay để giải khát. Sản phẩm OCOP Cần Giờ là khô cá dứa, tổ yến chưng, xoài cát, mật dừa nước…
Sản phẩm mật dừa nước được công nhận OCOP 4 sao
Đây là những đặc sản được sản xuất từ nguyên liệu địa phương, mang tính bản địa cao, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đã được UBND TP.HCM chứng nhận là sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Ngoài sản phẩm OCOP địa phương, một số điểm du lịch tích hợp đưa tất cả sản phẩm OCOP của cả TP.HCM để giới thiệu du khách.
Du khách tham quan, mua sắm sản phẩm bột rau má OCOP tại Củ Chi về sử dụng và làm quà
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết địa phương tổ chức nhiều hoạt động du lịch, trong đó lồng ghép giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm quảng bá hình ảnh, con người, ẩm thực, đặc sản Củ Chi. Các hoạt động này nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Vừa qua, nhiều xã nông nghiệp tại Củ Chi cũng đã liên kết với các công ty du lịch để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng.
Đặc sản OCOP Cần Giờ
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, đánh giá TP.HCM có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch nông thôn. Theo ông Hiệp, với lợi thế sẵn có, việc đưa sản phẩm OCOP, kể câu chuyện sản phẩm OCOP vốn mang tính bản địa cao sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch và mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP.
“TP.HCM cũng có nhiều tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP du lịch, đây là một trong những hướng phát triển mà thành phố quan tâm trong giai đoạn tới khi thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025”, ông Hiệp chia sẻ.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết ngành du lịch TP đã tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái gắn với phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cần Giờ. Đây là bước đầu hoàn thiện ý thức cộng đồng nhằm nâng chất sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Theo ông Hòa, Sở Du lịch cũng đang phối hợp với Hội Nông dân, Sở NN&PTNT xây dựng đề án phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao tại năm huyện của TP. Ngoài ra, TP tập trung phát triển du lịch xanh qua cơ chế khuyến khích, nâng cao chất lượng. TP thực hiện bằng cách tập huấn các cơ sở du lịch, khuyến khích hỗ trợ vốn, ưu đãi khi đầu tư liên quan đến du lịch xanh. Bên cạnh đó là truyền thông quảng bá, tổ chức cuộc thi nâng cao tay nghề hướng dẫn viên liên quan đến lĩnh vực này.
Bài 4: Mật ngọt OCOP từ vùng đất duyên hải Cần Giờ
Dựa vào thế mạnh từ tài nguyên lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp sẵn có, các quận, huyện cùng doanh nghiệp lữ hành TP.HCM...