Đến Cần Giờ du lịch, mang đặc sản OCOP về làm quà

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với định hướng gắn kết các sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch, huyện Cần Giờ, TP.HCM hy vọng sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần thu hút du khách và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Ngày 12/7, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức hội thảo khoa học Định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) tại huyện Cần Giờ đến năm 2030. Hội thảo nhằm thu hút ý kiến của chuyên gia, cơ quan quản lý giúp Cần Giờ phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP.

Du lịch sinh thái, thưởng thức đặc sản OCOP

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, huyện Cần Giờ là địa phương có tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.

Lượng khách du lịch đến Cần Giờ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng. Năm 2013, chiếm 2,1% khách du lịch đến TP.HCM, đến năm 2019 chiếm 6,2%, năm 2022 chiếm 8,7%. Tính chung giai đoạn từ 2013 - 2022, tỷ lệ khách du lịch đến TP.HCM tăng bình quân 6,5%/năm, trong khi đó tỷ lệ tăng của huyện Cần Giờ là 24,9%.

Cùng với sự gia tăng về khách du lịch, doanh thu từ du lịch ở Cần Giờ ngày càng tăng. Giai đoạn 2011 - 2022, doanh thu ngành du lịch đóng góp cho kinh tế huyện Cần Giờ đạt trên 8.112 tỷ đồng, trung bình tăng 32,2%/năm.

Đến Cần Giờ du lịch, mang đặc sản OCOP về làm quà - 1

Cần Giờ có nhiều sản phẩm du lịch sinh thái. Ảnh: Hải An

Tại Cần Giờ, đã phát triển được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch trong đó có loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm khai thác.

Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ cũng đã triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay huyện đã có 18 sản phẩm được thành phố phê duyệt và phân hạng. Tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao chiếm áp đảo với 12 sản phẩm như xoài cát Cần Giờ, khô cá dứa một nắng, tôm khô, tôm sú tự nhiên, tôm thẻ chân trắng thương phẩm, tổ yến chưng nguyên chất, mật dừa nước… Đây đều là những đặc sản nổi tiếng tại Cần Giờ.

Đồng thời, Cần Giờ xây dựng kế hoạch để đưa các điểm du lịch sinh thái Dần Xây, khu du lịch Vàm Sát và khu du lịch cộng đồng Thiềng Liềng thành sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; làm cơ sở để gắn kết du lịch với việc quảng bá, tăng giá trị các sản phẩm OCOP của địa phương.

Đến Cần Giờ du lịch, mang đặc sản OCOP về làm quà - 2

Xoài cát Cần Giờ đạt chuẩn 4 sao OCOP

Tuy nhiên, trên thực tế các sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được nhiều với khách du lịch khi đến tham quan. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển, chưa tới 10% khách du lịch biết và mua sản phẩm OCOP của địa phương.

TS. Phan Thuỵ Kiều - Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài Định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ đến năm 2030, cho biết định hướng quan trọng nhất của đề án này là phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ, thu hút du khách đến Cần Giờ và đưa hoạt động trải nghiệm sản phẩm OCOP, mua sản phẩm OCOP về làm quà.

“Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển toàn diện các hoạt động thương mại tại Cần Giờ, tập trung đưa Cần Giờ được phát triển xứng tầm”, bà Kiều nói.

Đưa những trải nghiệm “rất Cần Giờ” đến gần du khách

Nhiều chuyên gia cho rằng Cần Giờ là địa phương có lợi thế du lịch sinh thái lớn nhất TP.HCM. Các sản phẩm OCOP Cần Giờ hiện nay cũng là những sản phẩm mang tính đặc trưng cao của TP.HCM. Vì vậy, định hướng đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều trải nghiệm cho du khách, vừa giúp phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho người dân.

Đến Cần Giờ du lịch, mang đặc sản OCOP về làm quà - 3

TS Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược – ĐH Công thương TP.HCM, phát biểu tại hội thảo

TS Lê Cao Thanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược – ĐH Công thương TP.HCM, nhận định Cần Giờ đã có những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu nhưng cần nâng tầm sản phẩm, có tính khác biệt và chất lượng cao. Các sản phẩm cần phù hợp với từng phân khúc thị trường như du khách trong nước, du khách quốc tế.

Trong khi đó, theo TS Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và du lịch, cần phải đặc thù hóa các sản phẩm OCOP và tăng cường trải nghiệm tại điểm đến, cho du khách thấy và hiểu giá trị OCOP, khai phóng sức sản xuất cũng như các giá trị khác để phát triển du lịch gắn với OCOP.

Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ cần nhìn từ góc độ cấu trúc sinh thái để thấy được tính đặc thù, bản sắc địa phương.

“Theo tôi, hiện nay sản phẩm du lịch tổng thể của Cần Giờ chưa được định hướng theo chuỗi giá trị mà chỉ mới ở chuỗi cung ứng, gắn kết hữu cơ cũng chưa phát triển. Chúng ta cần tái định vị, tái cấu trúc sản phẩm trong quá trình nhận diện chức năng sản phẩm du lịch gắn với OCOP”, ông Minh nói.

Đến Cần Giờ du lịch, mang đặc sản OCOP về làm quà - 4

Bà Trần Thị Lan Anh - Chủ tịch công ty Yến Đảo Cần Giờ

Bà Trần Thị Lan Anh, Chủ tịch công ty Yến Đảo Cần Giờ, cho rằng các doanh nghiệp tại huyện Cần Giờ cần liên kết với nhau để quảng bá và cùng nhau phát triển các thương hiệu của Cần Giờ. Đặc biệt có thể đưa các sản phẩm OCOP vào các địa điểm du lịch như các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, bến phà để quảng bá rộng rãi hơn.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết du lịch Cần Giờ đang nhận được sự quan tâm của thành phố và các sở ngành. Đây là hội thảo thứ hai về phát triển du lịch sinh thái gắn với OCOP Cần Giờ. Theo ông Hồng, mục đích cuối cùng của định hướng này là khai thác sản phẩm tiềm năng thế mạnh của Cần Giờ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Đến Cần Giờ du lịch, mang đặc sản OCOP về làm quà - 5

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, thông tin tại Hội thảo

Ông Hồng cũng nhận định, có nhiều dự án, hạ tầng giao thông lớn sẽ triển khai trên địa bàn và tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch ở Cần Giờ trong tương lai. Chính vì vậy, đề án Định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ đến năm 2030 cần nỗ lực hoàn chỉnh để triển khai có hiệu quả.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cũng đã thông tin về 3 dự án xây cầu, cảng quốc tế và khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Đây là 3 dự án lớn trên địa bàn huyện, thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm. 3 dự án này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch của địa phương.

Về cầu Cần Giờ, ông Hồng cho biết cầu Cần Giờ dài hơn 3,4km, kinh phí đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng và sẽ khởi công dịp 30/4/2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Về cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Chủ tịch huyện Cần Giờ cho biết cuối năm nay phải trình cho Thủ tướng Chính phủ. Theo ông, để làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cần phải có cơ chế riêng và học tập kinh nghiệm từ các nước để hiệu quả.

Về dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ của Vingroup hiện đang được điều chỉnh phân khu 1/5.000, chờ Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định trình UBND TP phê duyệt. Theo ông Hồng, tại cuộc họp HĐND TP vừa qua, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng cho biết đầu 2025 sẽ khởi công dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ với quy mô hơn 2.800ha. 3 đề án lớn này sẽ là động lực phát triển cho huyện Cần Giờ với hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đồng thời kích hoạt phát triển du lịch. Ngoài ra, du lịch đường thủy của huyện Cần Giờ rất có tiềm năng, thành phố cũng đang có nhiều chính sách phát triển giao thông thủy, hỗ trợ du lịch, nuôi trồng thủy hải sản.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Minh

CLIP HOT