Tưng bừng lễ hội Thác Côn dưới ánh trăng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày rằm tháng 3 âm lịch, người dân xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng lại tổ chức cúng dừa, còn gọi là lễ hội Thác Côn, tại chùa Mahasal Thatmon.

Tưng bừng lễ hội Thác Côn dưới ánh trăng - 1

Khi ánh trăng lên, lễ hội diễn ra tưng bừng nhưng trang nghiêm

Trong tiếng Khmer, thác côn có nghĩa là đạp cồng, nhằm gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất khi xưa, đây cũng là nguồn gốc của lễ hội đã tồn tại hàng trăm năm nay.

Lễ kéo dài trong 3 ngày đêm với nhiều nghi thức rất trang trọng, cầu cho quốc thái dân an, mọi người bình an, sức khỏe, nhà nhà no ấm.

Một trong những nét độc đáo của lễ hội Thác Côn là vật cúng, là những bình hoa dừa, phải có đủ vật cúng kèm theo. Khi ánh trăng bắt đầu ló dạng, tất cả cùng tưng bừng náo nhiệt với lễ cúng dừa, nhưng trật tự và tôn nghiêm.

Tưng bừng lễ hội Thác Côn dưới ánh trăng - 2

Lễ hội thu hút nhiều người dân đến cúng lễ

Theo truyền thuyết kể lại, tại vùng An Trạch huyện Mỹ Tú xưa (nay là xã An Hiệp, huyện Châu Thành) tự nhiên nổi lên một cái gò hình dạng như chiếc cồng vàng. Khi chân người dẫm lên nghe âm vang như tiếng cồng. Một thời gian sau, tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Người dân quanh vùng cho là sự linh thiêng, nên lập một ngôi miếu thờ. Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng 3 âm lịch, dân làng An Trạch lại tổ chức lễ hội cầu an tại miếu này và gọi đó là lễ hội Thác Côn.

Tưng bừng lễ hội Thác Côn dưới ánh trăng - 3

Bình bông làm bằng trái dừa

Lễ vật dùng để cúng trong lễ hội Thác Côn là những chiếc bình bông được làm bằng trái dừa tươi rất độc đáo, nên còn gọi là lễ hội cúng Dừa. Những chiếc bình bông sặc sỡ được trang trí bằng hoa tươi và nhang đèn cắm trên trái dừa ấy được người Khmer gọi là Slathođôn.

Để tạo ra chiếc bình bông đẹp, cần có đôi bàn tay khéo léo của một người thợ lành nghề. Đầu tiên, trái dừa được tiện kiểu và cắm hoa tươi như vạn thọ, hoa sen, lá trầu xếp hình nón khá đẹp đặt trên những cây nhang.

Từ nghi lễ cổ truyền của đồng bào Khmer địa phương đã trở thành lễ hội chung của các dân tộc anh em tại Sóc Trăng và ngày càng thu hút du khách gần xa. Theo ước tính của ban tổ chức, có khoảng 10 ngàn du khách đến với lễ hội cúng dừa.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kỳ Phong

CLIP HOT