Khói lửa chiến tranh dường như chưa bao giờ thôi ám ảnh ông Tô Văn Đực, người anh hùng “mìn gạt” của vùng “đất thép” Củ Chi. Nhắc về quá khứ, tim ông nhói ran nhưng cũng rất đỗi tự hào và hạnh phúc vì giờ đây được sống trong hòa bình.
Một ngày cuối tuần của tháng 4, chúng tôi có dịp đến xã Nhuận Đức tìm gặp Anh hùng Lực lượng Vũ trang Tô Văn Đực, biểu tượng chiến thắng của người dân “Đất thép thành đồng”. “Nhà sáng chế bất đắc dĩ" tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ với khoảng vườn rộng nằm sâu trong ấp Xóm Bưng.
Cuộc sống hiện tại của ông Đực điền viên với vườn tượt, hoa trái trên mảnh đất Củ Chi.
Thay vì gọi đầy đủ tên tuổi, ông bảo chúng tôi cứ gọi ông Đực cho thân quen và gần gũi, đúng với phong cách của người con Nam Bộ. Khói lửa chiến tranh dường như chưa bao giờ thôi ám ảnh ông Đực, nên khi nhớ về quá khứ, đôi mắt ông lấp lánh niềm tự hào. Ông sinh năm 1942, là con út trong một gia đình 10 người con tại ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM. Nơi đây được xem vùng lõi trong phong trào đánh Mỹ. Giữa sự khốc liệt của chiến tranh, ông Đực bỏ đồng ruộng, gác cuốc xung phong tham gia vào lực lượng du kích địa phương, bám đất bám làng.
Nhâm nhi ly trà nóng, ông Đực bồi hồi nhớ lại…
Vào những năm 1964 - 1965, Mỹ chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam theo Chiến lược Chiến tranh cục bộ. Ngày 6-1-1966, quân Mỹ đánh vào xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Trước khi đổ bộ, chúng cho xe tăng càn quét, bắn súng, nã pháo liên hồi nhằm dọn đường tiến công. Mỗi đợt đi càn, chúng huy động hàng chục xe tăng phá nát bất cứ vật gì cản đường.
“Lúc bấy giờ phong trào du kích mới nổi dậy nên thiếu súng đạn, vũ khí cũng còn thô sơ. Tôi có chút tay nghề hồi còn học thợ máy ô tô, nên được cấp trên điều động về xưởng sản xuất vũ khí. Nói xưởng cho oai, thật ra đó chỉ là cái lò rèn nhỏ thôi. Lúc đầu, tôi làm súng thô sơ như súng ngựa trời mọc, chỉ có tác dụng bắn tầm ngắn từ 40-50 thước. Tuy nhiên, du kích bắn thì phải ở tầm xa, do đó, tôi nghiên cứu thêm loại súng trường bắn tầm xa. Lúc bấy giờ mình không sản xuất được đạn, tôi tận dụng thu gom của giặc loại đạn nào thì sản xuất súng bắn được loại đạn đó. Cứ một tháng, tôi sản xuất được một khẩu súng trường. Khi đó nhờ có loại súng này, phong trào du kích đánh chống càn tốt hơn. Người dân càng hăng hái tham gia phong trào “dũng sĩ diệt Mỹ” - ông Đực hớn hở nói.
Thời đó, ông Đực và anh em đều phải tự lo mọi thứ tại xưởng sản xuất vũ khí. Cơm gạo thì được các gia đình quanh khu vực hỗ trợ, vũ khí sắt thép thì tự tìm, không tìm được thì tự đi mua. Không có tiền để mua nguyên liệu, ông Đực đã nghiên cứu làm ra một cây súng ngắn để hỗ trợ cán bộ đi công tác.
“Cây súng ngắn này, tôi làm giống như cây súng hiện đại của Mỹ sản xuất và bắn tự động. Tôi chế tạo ra và bán cho cán bộ công tác ở vùng ven, mỗi một khẩu như vậy bán được 2.500 đồng – 2.600 đồng, tiền bán được tôi lấy mua nguyên vật liệu sản xuất các loại súng khác”- ông Đực kể.
Sau trận đánh chìm tàu chiến của địch trên sông Sài Gòn bằng quả bom phá loại 50 kg thu được của địch, đã được cải tiến, ông Đực bắt tay chế tạo mìn để chiến đấu lại với xe tăng địch. Ban đầu, ông Đực mượn của cán bộ quân giới tên Tám Thạnh hai trái mìn cán do Liên Xô (cũ) sản xuất để tìm hiểu và sau đó đem đi dùng thử đánh xe tăng.
Xe tăng đi càn của Mỹ bị phá hủy, chúng quay sang kế hoạch hủy diệt khác. Năm 1966 trên ấp Bầu Trăn, cách ấp Xóm Bưng chừng vài trăm mét, Mỹ thả bom hạng nặng có sức công phá mạnh chuẩn bị cho một trận đổ quân quy mô lớn. Quân Mỹ thả bom thấp, mở chốt an toàn không kịp nên bom lép rất nhiều, toàn những trái khổng lồ có trọng lượng vài tạ, trong đó có 6 trái bom nằm ngổn ngang ngay nơi dân ở. Bà con thấy vậy sợ đó là bom nổ chậm nên kéo nhau bỏ nhà đi lánh nạn. Cả một vùng đồng hoang nhà trống không bóng người. Thấy tình tình không ổn, lãnh đạo xã gọi ông Đực lên giao nhiệm vụ gỡ 6 trái bom để dân quay về.
Ông Đực trầm ngâm kể: "Nhận nhiệm vụ, hôm sau tôi và mấy anh em xách cuốc, xẻng, dao rựa lên đường đào bom. Tổ đào bom, ngoài anh em do tôi chỉ huy còn có các chị dân quân du kích nhiệt tình hỗ trợ ở trên kéo đất. Trái bom có trọng lượng 250kg, một khi nổ có thể làm tiêu hủy cả một vùng rộng lớn.”
Không qua trường lớp đào tạo, không có chút kinh nghiệm phá bom Mỹ, nhưng vẫn phải liều, phải hy sinh để đổi lấy cục diện cuộc chiến. Nghĩ là làm, ông Đực bảo toàn thể mọi người tránh ra thật xa, giữ khoảng cách an toàn tuyệt đối. Một mình ông tự xuống dưới tìm cách gỡ bom.
“Tôi nghĩ lực lượng ở bên ngoài chiến đấu với viên đạn nhỏ thôi cũng chết, tôi dưới này với trái bom này nổ cũng chết, một mình tôi là đủ rồi, không cần thiết phải mất thêm sinh lực của cuộc chiến này. Nếu tôi hy sinh, đồng đội tôi sẽ thay tôi tiêu diệt Mỹ. Nếu tôi tháo gỡ thành công, mọi thứ đều an toàn thì bà con mình có thể yên tâm về nhà làm ăn.
Có một nhà báo người Úc tên Buset hỏi tôi “Biết trước đó là nguy hiểm mà anh không sợ chết à?”. Khi đó tôi trả lời ông ấy rằng: “Không đánh cũng chết, mà đánh cũng chết, quyết đánh đến cùng giữ quê hương. Người lính ra chiến trường thì một viên đạn nhỏ xíu trúng anh cũng chết mà quả bom to lớn bao nhiêu nổ anh cũng chết. Giá trị của cái chết là như nhau. Nên tôi cứ suy nghĩ vậy và làm thôi”- ông Đực bộc bạch.
Chiến đấu ác liệt, có lần ông Đực tưởng chừng như đã bỏ mạng trong lúc gỡ lựu đạn. Ông kể lúc chống càn trong rừng thấp, trực thăng quân địch rà gần mặt đất, không có gì để chống càn nên ông Đực đã tháo 10 trái lựu đạn, đến trái thứ 10 thì bị nổ làm bàn tay ông bị thương.
"Những người bám trụ lại ở vùng đất Củ Chi này là đủ để được phong anh hùng chứ không cần phải đi chiến đấu".
“May là nổ kíp, chứ nổ nguyên trái lựu đạn là tôi mất mạng rồi. Tôi bị thương ở trong rừng, miệng cứ hộc máu, cái tay thì gần như lìa ra. Nhờ có thằng em đi chung đưa tôi thẳng xuống xóm có trạm y tế để cấp cứu. Mất khoảng hơn tháng là tôi trở lại bình thường”- ông Đực nói.
Chính lần thập tử nhất sinh đó, và nhiều lần chứng kiến cảnh đồng đội, người dân chết vì bom mìn mà lòng ông Đực không khỏi ám ảnh khi nhớ về quá khứ.
Ngồi tại đây lúc này, tôi vẫn còn nhói đau khi nghĩ về anh em chiến đấu cùng mình khi xưa. Để giữ được vùng đất này như hôm nay, biết bao nhiêu máu của người dân đã đổ xuống. Theo tôi, những người bám lại ở vùng đất này là đủ để được phong anh hùng chứ không cần phải đi chiến đấu đâu. Bom đạn thả 24/24, người ta cứ phải ở dưới mặt đất và phải chống càn liên tục”- ông Đực nhấn mạnh.
Trong suốt giai đoạn ông Đực tham gia kháng chiến, bà Tô Thị Hằng, chị ruột ông Đực, năm nay đã ngoài 83 tuổi vẫn luôn dõi theo động viên và ủng hộ em trai thực hiện nhiệm vụ. Song đó, ở địa phương, bà Hằng cũng tham gia cùng chị em phụ nữ ở xã đào hầm địa đạo. Bà Hằng kể, khoảng thời gian đó tại Củ Chi rất ác liệt, quân Mỹ tiến vào nhà dân nổ súng liên tục, phụ nữ, trẻ con, người già đều chui xuống hầm trú ẩn.
Theo lời kể của bà Hằng, lúc 15 tuổi là ông Đực đã tham gia chiến đấu. Thời đó, người người đều tham gia cách mạng, nhỏ làm việc nhỏ, lớn làm việc lớn.
“Mỗi lần nghe lính Mỹ càn vào là tôi run lắm nhưng vẫn cứ động viên em trai quyết tâm chiến đấu, giữ quê hương mình. Những lúc nghe nó đi mở kíp mìn bị thương là tôi đứng ngồi không yên, không biết nó sống hay chết. Tôi phải tìm cách để hỏi thăm thông tin nó, đến khi biết được nó an toàn mới đỡ lo”- bà Hằng tâm sự.
Nghĩ về những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà Hằng kể: “Tụi tôi luôn sẵn sàng tinh thần là chết, mình không bắn nó, nó cũng bắn mình nên lúc nào cũng quyết tâm chiến đấu. Nghe ở đâu đánh là mình chuẩn bị xin lựu đạn, xin mìn ở thượng vụ. Nhắc đến cái chết ai cũng sợ nhưng không đánh cũng chết mà đánh cũng chết thì sao mình không quyết tâm đánh đuổi giặc để xóm làng mần ăn. Phụ nữ đều tham gia đánh, già trẻ gì cũng đánh".
Trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt, người từng tham chiến tại Việt Nam viết trong cuốn “Chân trần, chí thép”: “Có lẽ sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra rằng chúng ta đang chiến đấu với thế hệ vĩ đại nhất của đất nước này - một thế hệ với quyết tâm thống nhất và duy trì sự tồn tại của dân tộc sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm này đến quân ngoại xâm khác”. Chính người Mỹ không bao giờ nghĩ rằng chỉ với một đội quân “chân trần”, nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng như không thể làm được giữa thế kỷ XX. Bằng sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, là ý chí độc lập tự chủ, lòng yêu chuộng hòa bình - dòng chảy từ “Nam quốc sơn hà” đến Tuyên ngôn độc lập, chúng ta đã giành lại được hòa bình cho đất nước.
Tuy nhiên, để có được nền hòa bình, độc lập, thống nhất ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, trên mỗi con đường, mỗi thửa ruộng đi qua in dấu chân biết bao người anh hùng.
Giờ đây, khi được sống trong hòa bình, được ngồi thảnh thơi nhâm nhi ly trà, được sum vầy bên con cháu, ông Đực không khỏi thầm cảm ơn những người đồng đội, những người dân năm xưa đã hy sinh, dâng hiến xương máu bảo vệ quê hương.
80 tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, Anh hùng “mìn gạt” năm xưa, giờ trở thành người ông của những đứa cháu và tiếp tục có những đóng góp cho quê hương với mái đầu đã bạc màu theo thời gian.
“Cả cuộc đời tôi có Đảng dẫn đường, quân đội rèn luyện, nhân dân nuôi dưỡng. Tôi tin thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống cha anh đi trước để xây dựng thành phố mình thật sự là thành phố nghĩa tình”- ông Đực tâm sự.