Người kể chuyện biệt động Sài Gòn
Hơn 20 năm, ông Trần Vũ Bình bền bỉ tìm kiếm, mua lại những tư liệu, hiện vật, và xây dựng tour du lịch ấn tượng “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn”. Đây là sản phẩm du lịch đặc sắc, chỉ riêng có ở TP.HCM.
Ông Trần Vũ Bình là con ruột của chiến sĩ biệt động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế). Bán hết tài sản, ông đi tìm các manh mối, sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng. Đến nay, ông đã sưu tầm được gần 10.000 tư liệu, hiện vật về biệt động Sài Gòn. Mỗi hiện vật đều đi kèm một câu chuyện sinh động.
Ông Trần Vũ Bình với không gian hoài cổ tại di tích Hộp thư bí mật - Hầm nổi Sài Gòn
Ông kể: “Nhiều người bị tôi bám riết đã xua đuổi, mắng tôi điên khùng, làm chuyện bao đồng và ra giá thật cao để tôi bỏ cuộc”. Nhưng, kiên trì, nhẫn nại, Trần Vũ Bình khiến họ cảm động, bán lại hiện vật cho ông với giá rẻ, thậm chí tặng không. Có người còn trở nên thân thiết như anh em trong nhà, hỗ trợ ông đi tìm kỷ vật cách mạng của cha và các chiến sĩ biệt động xưa.
Những kỷ vật của biệt động Sài Gòn
Di tích biệt động Sài Gòn đầu tiên được ông Trần Vũ Bình tìm cách phục dựng là căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (Phường 5, Quận 3, TP.HCM). “Căn nhà đã bị xuống cấp, kiến trúc cũ cũng mất đi phần lớn. Đây từng là nơi sản xuất tranh, bàn ghế, nệm, các loại màn trang trí nội thất… phục vụ trong Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài vì thực chất là chỗ hội họp, nuôi giấu cán bộ công tác nội thành Sài Gòn. Nhiều câu chuyện hay về các chiến sĩ biệt động được lưu giữ tại đây”, ông Trần Vũ Bình cho biết.
Hầm chứa vũ khí
Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn, nhớ lại: “Đây là một trong ba căn nhà liền kề số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu đã được ông Trần Văn Lai dùng tiền cá nhân mua lại theo chỉ đạo của cấp trên. Sau khi mua được căn nhà, ông đã kiên trì, bí mật đào đắp để xây dựng hầm chứa vũ khí, có ý nghĩa chiến lược tại nội đô Sài Gòn”.
Ông Bình đã dành hơn 10 năm để tiếp nhận và phục dựng nguyên trạng căn nhà với 2 hầm nổi, hộp thư bí mật, lối kiến trúc xưa. Ông còn tìm kiếm, sưu tầm nhiều hiện vật xưa trưng bày tại đây. Đặc biệt, tại di tích 113A Đặng Dung, ông đã cho mở lại quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn theo vỏ bọc ngày xưa. Không quá chú trọng đến lợi nhuận, ông mở quán chỉ để mọi người đến đây vừa ăn sáng, uống cà phê, vừa có thời gian thư thái để tìm hiểu về biệt động Sài Gòn.
Chiếc xe cổ của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai được gia đình lưu giữ
Từ những ý tưởng ban đầu, ông Trần Vũ Bình đã xây dựng tour du lịch đưa khách tham quan đến các điểm di tích lịch sử, tận mắt thấy những kỷ vật, hình ảnh, tìm hiểu tường tận về lực lượng biệt động Sài Gòn huyền thoại. Khách tham gia tour sẽ được khám phá 18 điểm di tích đặc biệt, như: Hầm chứa vũ khí để biệt động Sài Gòn đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968; quán phở Bình - Sở chỉ huy tiền phương phân khu 4 trong chiến dịch Mậu Thân 1968; di tích 113A Đặng Dung; di tích 145 Trần Quang Khải, nơi làm nội thất cho Dinh Độc Lập...
Đặc biệt, nhân viên hướng dẫn của tour là những người con, cháu của các chiến sĩ biệt động năm xưa, họ kể lại những câu chuyện của cha, ông mình một cách sinh động nhất có thể.
Du khách tìm hiểu những kỷ vật, lắng nghe những câu chuyện về các chiến sĩ biệt động năm xưa
Ít ai biết, căn nhà ở số 6-8 Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM là di tích gắn liền với di tích lịch sử quốc gia Dinh Độc Lập. Ông Bình xót xa kể, cuối tháng 3/2020, do không biết đây là căn nhà gắn với di tích lịch sử nên chủ nhà đã đập bỏ, toàn bộ đồ đạc đã bị mang đi bán: “Tôi vội vã chạy tới, hy vọng còn giữ lại được những kỷ vật, chết lặng trước cảnh ngôi nhà đã bị phá tan hoang”.
Ông Bình suy sụp, đi lang thang, không ngủ cả tuần. Gia đình, bạn bè, người thân phải động viên để ông vượt qua và cùng bàn tính mua lại căn nhà cùng những đồ vật quý giá. Chủ nhà ở nước ngoài, sau khi nghe câu chuyện cảm động về lịch sử và mục đích của ông Bình, đã bay về Việt Nam để cùng ông thảo luận về việc chuyển nhượng.
Ngoài thời gian làm việc, bất kể ngày đêm, ông Bình cùng những cộng sự của mình lùng sục mọi ngóc ngách, tìm mọi cách mua lại những vật dụng của căn nhà tại các khu vực bán đồ cũ. Ông cho biết, mơ ước lớn nhất là sẽ làm "sống dậy" căn nhà, cố gắng "vá" lại với những thiết kế, cửa sắt, vật dụng cũ để nó giống như ngày xưa nhất.
Dành cả tuổi thanh xuân, công sức, tiền bạc để kiên trì tìm kiếm, thuyết phục, thương lượng mua lại từng món đồ cũ, đến nay ông vẫn mải miết đi tìm.
“Mình có điều kiện thì phải làm, còn sống thì còn tìm lại, xây dựng lại những gì cha, chú mình đã vì nó mà đổ bao xương máu, không thể vì chiến tranh đã kết thúc mà mình quên đi tất cả lịch sử của dân tộc”, ông Trần Vũ Bình nói.
Tour "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn" bắt đầu bằng bữa sáng ở quán cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ trên đường Đặng Dung hoặc Trần Quang Khải, Quận 1 - một trong những căn cứ của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Du khách tham quan, tìm hiểu những câu chuyện lịch sử về quá trình hoạt động cũng như xem những kỷ vật của Biệt động Sài Gòn; sau đó khám phá nơi cất giấu vũ khí bí mật tại di tích lịch sử quốc gia ở địa chỉ 287/2 Võ Văn Tần. Chương trình kết thúc tại Dinh Thống Nhất. Phương tiện di chuyển giữa các điểm đến là các loại xe được các chiến sĩ biệt động Sài Gòn từng sử dụng như xe Honda 67, Honda Dame, ô tô cổ. |
Tổng doanh thu du lịch trong tháng 4 ước đạt 8.761 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ 6.000 tỷ đồng).