Sáng tạo lịch trình du ngoạn TP.HCM với xe buýt
Người dân thành phố đã quen với việc di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô trong nội thành vì sự nhanh chóng, chủ động và tiện lợi. Nhưng với mạng lưới xe buýt công cộng dày đặc, chúng ta cũng có thể sử dụng để “đổi gió”, sáng tạo một lịch trình du ngoạn mới vào cuối tuần.
Từ điểm trung chuyển Bến Thành - Hàm Nghi trên đường Hàm Nghi, chúng ta đã có thể bắt đầu tham quan chợ Bến Thành, ngôi chợ biểu tượng của thành phố trong nhiều thập kỷ. Những chuyến xe buýt kết nối các khu vực với điểm trung chuyển Bến Thành – Hàm Nghi như: tuyến số 88 (Bến Thành – Chợ Long Phước); tuyến số 01 (Bến Thành – Bến xe Chợ Lớn); tuyến số 04 (Bến Thành – Bến xe An Sương); tuyến số 18 (Bến Thành – Chợ Hiệp Thành); tuyến số 19 (Bến Thành – KCX Linh Trung – ĐHQG); tuyến số 53 (Lê Hồng Phong – ĐHQG); tuyến số 56 (Bến xe Chợ Lớn – Bến xe Miền Đông mới);…
Du khách khi đến TP.HCM có thể sử dụng những tuyến xe buýt dưới đây để sáng tạo nên một lịch trình mới mẻ cho mình:
Tuyến số 01
Tuyến xe số 01 kết nối trung tâm thành phố với khu vực “China Town”, nơi trao đổi hàng hoá nhộn nhịp bậc nhất thành phố.
Tuyến xe lần lượt đi ngang con đường Lương Nhữ Học, nơi tràn ngập sắc màu lung linh, huyền ảo của những chiếc lồng đèn mỗi dịp Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên tiêu, Trung thu,… Con đường Triệu Quang Phục nối con đường Hải Thượng Lãn Ông, nơi tràn ngập hương thơm của các loại thảo mộc tràn ra từ những tiệm thuốc hai bên đường.
Cơm gà Đông Nguyên
Tiếp đến là con đường Châu Văn Liêm hội tụ những hàng quán tên tuổi như cơm gà Đông Nguyên, tiệm lẩu Dân Ích, quán chè Hà Ký. Gần đó, du khách cũng có thể đi bộ để khám phá khu chợ Kim Biên, chợ Bình Tây với đủ các loại mặt hàng được kinh doanh sỉ và lẻ; khám phá nhà thờ Cha Tam với tuổi đời hơn 100 năm, sở hữu lối kiến trúc Gothic châu Âu kết hợp với kiến trúc Trung Hoa vô cùng độc đáo.
Tiệm lẩu Dân Ích
Tuyến số 01: Tổng chiều dài toàn tuyến là 8.6km, giá vé 5.000 đồng cho một lượt và 3.000 đồng với vé dành cho HS-SV.
Tuyến số 18 và tuyến số 19
Cả 2 tuyến xe này đều có thể đón từ trạm trung chuyển trên đường Hàm Nghi. Tuy lộ trình có một chút khác biệt nhưng du khách cũng có thể sử dụng 2 tuyến này để kết nối với Nhà hát Thành phố, Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Thảo Cầm Viên, chợ Bà Chiểu.
Với tuyến số 18, du khách có thể xuống ở trạm công viên 30 tháng 4 để đến tham quan Dinh Độc Lập và dạo quanh công viên xanh mát trên trục đường Lê Duẩn, ngồi hàn huyên, nhâm nhi tách cà phê ở con đường Hàn Thuyên. Xuống trạm UBND Quận 1 có thể tham quan Bưu điện thành phố, đường sách Nguyễn Văn Bình, Nhà thờ Đức Bà và có thể kết nối với trung tâm thương mại Diamond Plaza, Nhà văn hoá Thanh niên, hồ Con Rùa,…
Nhà thờ Đức Bà
Xuống trạm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, sau đó tản bộ về lại hướng đường Lê Duẩn, rẽ trái, du khách liền nhìn thấy ngay cổng lớn của Thảo Cầm Viên.
Xuống trạm Lăng Ông Bà Chiểu để mua sắm và khám phá “kho tàng” ẩm thực ở khu chợ trung tâm của quận Bình Thạnh.
Với tuyến số 19, đây sẽ là một sự lựa chọn dễ dàng hơn khi muốn tham quan Thảo Cầm Viên. Du khách có thể vào Thảo Cầm Viên từ cổng vào trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Xe buýt số 19 sẽ dừng ngay mặt sau của Nhà hát Thành phố, thuận lợi cho du khách đến với các con đường sầm uất như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng.
Tuyến số 18 với giá vé 6.000 đồng/người/lượt; tuyến số 19 với giá vé 7.000 đồng/người/lượt; đồng giá 3.000 đồng/người/lượt khi sử dụng thẻ HS-SV.
Tuyến số 88
Khi đã “ngán” sự nhộn nhịp, sầm uất của “China Town” và sự sôi động của trung tâm thành phố, xe buýt số 88 sẽ đưa du khách trở về thành phố Thủ Đức.
Tới thành phố Thủ Đức, bạn có thể ghé thăm Bảo tàng Áo dài tại phường Long Phước. Nơi đây lưu trữ hơn 300 mẫu áo dài truyền thống Việt Nam với các mẫu áo dài thời Pháp thuộc, áo dài đính cườm, áo dài vẽ hoa văn, áo năm thân, áo tứ thân,…
Bảo tàng Áo dài
Đến Bảo tàng, du khách vừa có thể tham quan, tìm hiểu về áo dài Việt Nam và chụp những bức ảnh đẹp trong không gian xanh mướt, yên bình, với những ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ mộc mạc, lợp mái ngói âm dương cổ kính.
Giá vé cho tuyến số 88 là 6.000 đồng/người/lượt; 3.000 đồng/người/lượt khi sử dụng thẻ HS-SV. Giá vé vào bảo tàng dao động từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/người/lượt; giờ mở cửa từ 8 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 từ thứ 2 đến Chủ nhật.
Tuyến số 20
Đây là tuyến xe kết nối trung tâm thành phố với bến phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè) dành cho những du khách muốn tham quan huyện đảo Cần Giờ (TP.HCM).
Bến Tắc Suất
Sau khi xuống xe, qua phà với giá vé cho người đi bộ 1.000 đồng/người/lượt, tiếp tục đón tuyến xe số 90 để đi thẳng đến bến đò Tắc Suất, bến đò Cầu Đen, tiếp tục đi đò đến xã đảo Thạnh An tận hưởng sự bình yên khác lạ. Ngoài ra, cũng còn một lựa chọn khác là bạn sẽ tiếp tục lên chuyến phà biển nối Cần Giờ và thành phố Vũng Tàu, mở ra một chuyến du ngoạn mới, hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị.
Một hộ gia đình làm du lịch tại ấp Thiềng Liềng
Du lịch Cần Giờ gần đây đã phát triển rất nhanh, ngoài những nơi tham quan quen thuộc như đảo khỉ Cần Giờ thì ấp đảo Thiềng Liềng cũng đã và đang phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Những gợi ý trên hy vọng có thể đem đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ và thú vị vào những dịp cuối tuần cùng với gia đình và bạn bè.
Hơn 200 khách tàu biển vừa đến tham quan và trải nghiệm sản phẩm “Một thoáng Sài Gòn” trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị...