Đến TP.HCM xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc độc đáo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM là một đô thị hiện đại, nhưng tại đây du khách vẫn có thể thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc rất độc đáo.

Thưởng thức những chương trình biểu diễn nghệ thuật tại thành phố cũng là cách hay để bạn thấm thía “bản sắc Sài Gòn”. Dưới đây là những gợi ý mà bạn đừng bỏ qua khi tới thành phố mang tên Bác: 

Đến TP.HCM xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc độc đáo - 1

Du khách nước ngoài thích thú khám phá nhạc cụ dân tộc Việt Nam.

Thưởng thức âm nhạc dân tộc tại TrucMai Music House: Không chỉ biểu diễn cho du khách thưởng thức mà tại đây còn dạy miễn phí. Nội dung khoá học bao gồm nguồn gốc, cách chơi, tên gọi của 20 loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam để học viên nắm vững, nhận biết chính xác các nhạc cụ đặc biệt, phổ biến của âm nhạc truyền thống.

Học viên cũng được học nhạc lý căn bản, được chọn 1 trong 5 nhạc cụ: Bầu, tranh, 36 giây, T'rưng, K'longput để học trong khoá học. Các học viên không phải mua nhạc cụ, không phải đóng bất kỳ một khoản học phí nào trong suốt khoá học.

Hiện nay Trúc Mai House là không gian quen thuộc của nhiều người địa phương và du khách yêu thích âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tại ngôi nhà nhỏ trên đường Phạm Viết Chánh, Quận Bình Thạnh, nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai cùng chồng là nghệ sĩ sáo trúc Đinh Linh và hai người con vẫn hăng say truyền tải kiến thức cho những người mộ điệu âm nhạc truyền thống qua các lớp học nhạc cụ độc đáo như sáo, đàn bầu, đàn kìm, tam thập lục, trống, đàn đá, đàn T’rưng, K’long put,….

Đến TP.HCM xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc độc đáo - 2

Du khách được nghệ sĩ giới thiệu về nhạc cụ độc đáo của Việt Nam.

Ngón đàn tam thập lục và T’rưng của nghệ sĩ Tuyết Mai thuộc hàng đặc biệt, còn nghệ sĩ Ðinh Linh và con trai lại thổi sáo trúc vô cùng điêu luyện. Đồng thời, gia đình nghệ sĩ cũng tổ chức biểu diễn những bản chầu văn, dân ca, tác phẩm âm nhạc được chơi từ các loại nhạc cụ dân tộc khác nhau cho du khách thưởng thức. Trong buổi biểu diễn, đôi vợ chồng nghệ sĩ sẽ giới thiệu, giải thích cặn kẽ với khán giả về ý nghĩa của từng loại nhạc cụ dân tộc truyền thống Việt Nam.

Xem múa rối nước tại Bảo tàng lịch sử TP.HCM: Múa rối nước là một trong những bộ môn nghệ thuật dân gian lâu đời nhất tại Việt Nam, có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thông qua làn điệu âm nhạc cổ truyền, những con rối bằng gỗ chạm khắc tinh xảo diễn trò, diễn kịch trên mặt nước vào dịp lễ, hội làng và ngày Tết. Có hơn vài chục tiết mục múa rối nước cổ truyền và hàng trăm tiết mục múa rối nước hiện đại kể về truyền thuyết, cổ tích và cuộc sống thường ngày của người Việt Nam.

Đến TP.HCM xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc độc đáo - 3

Sân khấu dùng nước làm nơi quân rối diễn trò, đóng kịch là đặc điểm độc đáo của nghệ thuật múa rối nước.

Nước chính là yếu tố vừa cản trở, vừa hỗ trợ, vừa phối hợp, vừa cộng mình với quân rối. Nước còn là một nhân vật, chứ không đơn thuần chỉ là môi trường, khung cảnh. Nước giấu kín trong lòng nó tất cả những bí ẩn của trò rối.

Sân khấu múa rối nước cổ truyền không có phông cảnh trang trí, dùng ngay tấm mành cửa buồng trò làm phông hậu. Các nghệ nhân cũng có khi quét màu và vẽ rồng phượng như kiểu mành thờ. Trên sân khấu này thường có những đạo cụ dựng sẵn như cây đu cho trò đánh đu, bụi cây cho trò chăn vịt đánh cáo. Tô điểm cho sân khấu rối nước còn có thêm hàng lan can, hai nhà nanh (hay lầu nhỏ) hai bên cửa buồng trò, lá cờ, cái lọng, cái tàn của trò bật cờ, cổng chào (hay cửa sóc) của trò rồng hành mã, lân phun khói. 

Đến TP.HCM xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc độc đáo - 4

Quân rối là một loại “diễn viên” giúp người xem lĩnh hội được nội dung tư tưởng và tình cảm của tiết mục.

Các quân rối được tạc rất khéo, vừa giàu tính hiện thực, vừa mộc mạc trữ tình. Đó là những pho tượng nhỏ bằng gỗ, sơn đủ các màu dân tộc. Nổi bật là quân rối Tễu. Kho tàng quân rối nước còn có những người đi cày, chăn vịt, đánh cá, lấy củi, chèo thuyền khỏe mạnh; những tay đô vật lực lưỡng...

Hiện nay tại Bảo tàng lịch sử TP.HCM thường xuyên có tổ chức biểu diễn múa rối nước phục vụ du khách.

Xem cải lương tại Nhà hát Trần Hữu Trang: Giữa thế kỷ trước, cải lương ở Sài Gòn rất được ưa chuộng. Rạp hát cải lương mọc lên chẳng thua kèm gì các rạp chiếu bóng, trong số đó có rạp Hưng Đạo, nay là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Đến TP.HCM xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc độc đáo - 5

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là nơi hội tụ, phát triển của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng, trong nhiều năm được xem là lá cờ đầu của sân khấu cải lương phía Nam với nhiều vở diễn hay, nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng góp phần giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật hồn cốt đất phương Nam.

Tại đây có biểu diễn, dàn dựng lại những trích đoạn cải lương vang bóng một thời, tạo nên tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ cũng như diện mạo riêng của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang như: Chim Việt cành Nam, Kiều Nguyệt Nga, Dương Vân Nga, Tình yêu và lời đáp, Rạng ngọc Côn Sơn, Nàng Xê Đa, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Chiếc áo Thiên Nga... qua phần thể hiện của nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến. 

Hát bội tại Lăng Lê Văn Duyệt

Sinh thời Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) làm Tổng trấn thành Gia Định, dân gian quen gọi Ông Thượng rất thích xem hát bội. Người dân địa phương còn lưu truyền giai thoại chính tay Ông Thượng ngồi cầm chầu cho kép hát. Cũng chính nhờ cơ duyên đó mà hát bội ngày càng bén rễ sâu vào đất Nam Bộ và phát triển đạt đến mức độ hoàn hảo.

Đến TP.HCM xem biểu diễn nghệ thuật dân tộc độc đáo - 6

Vào dịp lễ giỗ Ông Thượng (30 tháng 7 đến mùng 2 tháng 8 âm lịch) hằng năm, các nghệ sĩ trong Đoàn Nghệ thuật của Nhà hát bội Nghệ thuật Hát bội TP.HCM tề tựu về khu di tích Lăng Ông tham gia lễ Xây chầu Đại bội, biểu diễn liên tục hai ngày các vở “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt” và các tuồng "Thuyết Đường", "San Hậu I, II, II”… để tái hiện cuộc đời Ông Thượng. Khi vở diễn cuối hạ màn, Ban Tế lễ cùng các nghệ sĩ thực hiện nghi lễ Tôn Vương và kết thúc lễ giỗ. Được hát bội ở lăng vào ngày giỗ Ông Thượng là vinh dự đối với nghệ sĩ các gánh hát, cũng như giúp người địa phương và du khách đến viếng hiểu thêm về nét đẹp nghệ thuật tuồng cổ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Như Ngọc

CLIP HOT