Đi du lịch xuyên Tết
Thay vì đi du lịch trước hoặc sau Tết, nhiều bạn trẻ lại chọn lên đường từ 28, 29 âm lịch, đón giao thừa xa nhà cùng bạn bè, người yêu.
Chiều 1/2 (tức mồng một Tết Nguyên đán), Phạm Khánh Linh hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Cô vừa kết thúc chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm đến Đà Lạt cùng bạn thân, trải nghiệm cảm giác lần đầu tiên đón giao thừa cách xa nhà hàng nghìn km.
Trước dịch, một năm Linh đi du lịch 3-4 lần. Nhưng suốt năm 2021 vừa qua, nữ nhân viên văn phòng không thể đi đâu do giãn cách xã hội.
Tranh thủ đợt nghỉ Tết, cô quyết tâm tự thưởng một chuyến đi chơi, bù lại quãng thời gian dài ‘chôn chân’ ở nhà.
“Hơn nữa, mình cũng 27 tuổi rồi, sợ lắm cảnh về quê ngày Tết sẽ bị bố mẹ giục lấy chồng. Vì thế mình tìm cách ‘trốn’ Tết để đi chơi”, Khánh Linh cười và chia sẻ cùng Zing.
Khánh Linh mặc áo dài, đến lễ tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt vào sáng 29 Tết.
Đón giao thừa ở xa nhà
Theo Linh, cô có dự định đi Đà Lạt từ lâu. Tuy nhiên, các đợt giãn cách cùng làn sóng bùng dịch nối tiếp nhau khiến cô phải mua vé đến lần thứ 3 mới có thể khởi hành.
Ngay từ lúc mua vé máy bay thành công, Linh đã rất hào hứng vì chưa từng được đến Đà Lạt vào dịp Tết Nguyên đán, lại còn được đón giao thừa tại đây. Cô chuẩn bị nhiều trang phục có màu đỏ để chụp ảnh check-in, ghi lại kỷ niệm chào năm mới đầy mới mẻ.
Trước khi bay khoảng một tháng, Linh thông báo với gia đình ở Thái Bình về kế hoạch đón năm mới xa nhà của mình. Ban đầu, người thân cô chỉ thở dài, không trực tiếp phản đối. Nhưng gần sát Tết, bố mẹ lại càng giục cô về nhà, khuyên đừng đi chơi nữa.
“Gần Tết chưa thấy mình về quê, bố mẹ hỏi rằng ‘ơ, con định đi thật à?’. Suốt những ngày 28, 29 Tết, bố mẹ cũng gọi điện kể làm việc nhà bận rộn, không có người phụ giúp. Mọi năm, mình luôn là người dọn dẹp nhà cửa, vào bếp nấu nướng, làm bánh. Năm nay để bố mẹ ở nhà với 2 em, mình cũng thương, áy náy”, Linh tâm sự.
Những ngày cuối năm, Đà Lạt mát mẻ nhưng có nhiều cơn mưa bất chợt.
Đến với Đà Lạt, Linh rất bất ngờ vì chưa khi nào thấy thành phố này vắng vẻ, thoáng đãng như vậy. Cô và bạn thuê một homestay gần khu vực trung tâm, tận hưởng không khí se lạnh, dễ chịu.
Cả hai cô gái đều yêu thích tiết trời trong xanh, sự yên tĩnh và những con đường ngập sắc hồng của hoa mai anh đào tại Đà Lạt.
Tuy nhiên, một điều cả hai không thể lường trước đó chính là vào những ngày sát Tết, hầu hết quán ăn đều đóng cửa, tạm dừng kinh doanh.
Trước khi đi du lịch, Linh đã lên danh sách những nhà hàng, quán rượu để ghé qua thưởng thức. Thế nhưng, trước tình hình thực tế, cô buộc phải tìm sang phương án khác, chỉ lựa chọn những nơi còn phục vụ xuyên Tết.
“Đợt này mình đi, Đà Lạt có những cơn mưa lớn và kéo dài. Chúng mình không thể đi đâu với thời tiết như vậy. Hai đứa đùa nhau rằng có lẽ ông trời ‘dằn mặt’ vì ngày Tết mà trốn nhà đi chơi”, Linh kể lại.
Vào đêm giao thừa, Linh và bạn ghé qua một nhà hàng để ăn uống, cùng nhau đi dạo xung quanh khu vực hồ Xuân Hương. Sau đó, cả hai trở về homestay nghỉ ngơi, chuẩn bị hành lý để bay về Hà Nội vào chiều mồng một.
“Đến sáng mồng 2 Tết mình mới có thể về Thái Bình đoàn viên cùng gia đình bởi khi đó mới có tuyến xe khách chạy liên tỉnh. Đối với mình, đón giao thừa xa nhà là một kỷ niệm đặc biệt và lạ lẫm. Nhưng những năm sau, có lẽ mình sẽ chọn ở nhà để bố mẹ yên tâm, ấm lòng hơn”, Linh nói.
Đêm giao thừa, Linh và bạn ăn tối tại một nhà hàng, chờ đón năm mới.
Nguyễn Minh Anh (25 tuổi, Hà Nội) cũng quyết định dành trọn vẹn những ngày Tết để đi du lịch tại Hội An. Đồng hành cùng cô chính là bố và mẹ - 2 người bạn cao tuổi mà Minh Anh luôn rất yêu thương, thân thiết.
Theo Minh Anh, gia đình cô khởi hành từ ngày 29/1 (tức 27 âm lịch) và sẽ trở về Hà Nội vào ngày mùng 4 Tết.
Mọi năm, cô cùng bố mẹ đều đón Tết tại nhà. Chuyến du lịch xuyên Tết năm nay chính là "cuộc cách mạng" lớn về thói quen ăn Tết đối với gia đình Minh Anh.
"Trong năm, mình rất bận rộn công việc, có những ngày nhìn lên đồng hồ đã 0h, 1h sáng. Mình hiếm khi dành thời gian cho gia đình, trong khi bố mẹ lại đã có tuổi. Bố mẹ mình thường nói mong muốn được đi du lịch với các con, sợ sau này già rồi sẽ không đi được nữa. Vì vậy, mình gợi ý bố mẹ cùng đi du lịch dịp Tết, coi như đây là một món quà mình dành tặng gia đình", cô chia sẻ.
Đối với Minh Anh, trải nghiệm du lịch dịp Tết rất thú vị. Thay vì ở nhà tiếp khách và ngủ như mọi năm, gia đình cô được đi chơi, ngắm cảnh, trải nghiệm những thứ mới lạ. Đây cũng là một cách nạp năng lượng rất tuyệt vời sau một năm 2021 làm việc vất vả.
"Vì có bố mẹ đi cùng, mình không có cảm giác xa nhà nữa. Bố mẹ ở đâu thì nơi đó là nhà của mình", cô gái bày tỏ.
Minh Anh và gia đình đón Tết tại Hội An, tận hưởng không khí thoáng đãng, ấm áp.
Có mặt tại Hội An những ngày Tết Nguyên đán, Minh Anh được trải nghiệm cảm giác rất mới lạ về thành phố du lịch này.
Không như kỳ vọng của cô, thời tiết Hội An những ngày Tết khá âm u và một số hàng quán nổi tiếng đã đóng cửa từ sớm. Tuy nhiên, nơi này vẫn có rất nhiều thứ đáng để Minh Anh mong đợi như cảnh vật nên thơ, những ngôi nhà cổ, hoạt động đi thuyền thả hoa đăng... Ngoài ra, cô cũng được thưởng thức nhiều món ăn ngon như cao lầu, bánh mì Phượng, trà Mót...
"Một điểm nữa làm mình hài lòng ở Hội An là con người ở đây. Họ rất dễ thương, tốt bụng. Mình hy vọng nếu có cơ hội quay lại, Hội An sẽ chờ mình trong một ngày nắng đẹp", Minh Anh nói.
Tết ở trong tim
Khác với Khánh Linh và Minh Anh, Lê Phước Thành Luân (TP.HCM) đã có đến 4 năm đi du lịch và ăn Tết xa nhà.
Tết năm 2018, anh đón giao thừa tại Đà Nẵng. Năm 2019, anh chào năm mới với hành trình vi vu từ TP.HCM đến Đà Nẵng và Huế.
Năm 2020, do dịch bệnh bùng phát, Luân ở lại TP.HCM. Đến năm 2021 và năm nay, 2022, Hà Nội chính là điểm đến mà Luân lựa chọn để tận hưởng kỳ nghỉ Tết của riêng mình.
“Đối với mình, Hà Nội vào dịp Tết thật sự rất đẹp. Thành phố có nét thơ mộng và thi vị. Trong tiết trời lạnh của mùa đông Hà Nội, được bạn bè nâng ly đón năm mới thì còn gì bằng”, Luân chia sẻ cùng Zing.
Chiều 31/1 (tức 29 Tết), Luân đáp chuyến bay xuống Nội Bài. Hà Nội đón anh bằng tiết trời lạnh giá, mưa phùn nhẹ. Vốn là người con phương Nam, không quen với thời tiết giá buốt, thế nhưng Luân vẫn cảm thán: “Ồ quao, rét thế này thú vị đấy nhỉ?”.
“Mình đã dự định bắt đầu chuyến đi từ ngày 27 âm lịch, nhưng do vướng một số việc nhà nên đành lùi lại 2 hôm. Tết mọi năm, mình đi du lịch cùng người yêu. Thế nhưng năm nay mình độc thân mất rồi nên chỉ đi một mình mà thôi”, Luân tâm sự.
Thành Luân uống ly rượu tại quán bar nhà một người bạn vào đêm giao thừa.
Theo Luân, anh đã ra ở riêng từ lâu, cũng là tuýp người ưa xê dịch nên gia đình đã quen với chuyến đi bất chợt của anh. Khoảng một tuần trước khi đi Hà Nội, anh về đoàn viên cùng bố mẹ để “ăn Tết sớm”, đồng thời thông báo về kế hoạch ngao du.
Bố mẹ thấu hiểu sở thích của Luân nên dặn anh đi đường cẩn thận, chú ý giữ ấm để đảm bảo sức khỏe.
“Giờ đây công nghệ phát triển, ở đâu chúng ta cũng có thể gọi điện video cho nhau để cùng đón Tết. Với mình, xa cách hay không là do tình cảm trong lòng. Tấm lòng mình gần gũi, hướng về gia đình thì ở Bắc hay Nam cũng đâu gọi là xa”, Luân nói.
Đêm giao thừa, ở Hà Nội, Luân ghé nhà một người quen để uống rượu. Anh có thói quen nâng ly vào thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới.
“Suốt dịp Tết ở Hà Nội, mình sẽ tranh thủ thử các món ăn ngon tại đây mà trước giờ chưa có cơ hội thưởng thức. Mình vẫn chưa mua vé về TP.HCM bởi công việc của mình có thể làm việc linh hoạt. Sang năm mới, nếu có điều kiện, mình sẽ ra Hà Nội chơi thêm nhiều lần nữa”, Luân bày tỏ.
Sau hai năm cùng nhiều thử thách và khó khăn, ngành công nghiệp không khói Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại....