Dung nhà báo, Dung Câu lạc bộ Du lịch Quảng Bình, Dung hàng hoa, Dung gom cá, Dung ngan phố cổ… Gọi gì cũng đúng vì cô làm gì cũng giỏi, cũng nhiệt tâm. Với tôi, Thùy Dung để lại 1 ấn tượng đặc biệt, đặc biệt với hành trình bản lĩnh và dấu ấn tạo ra những thay đổi mới mẻ về dịch vụ ở Quảng Bình.
Ngày nào tôi cũng vào facebook Thùy Dung 1 đến 2 lần. Dù trong vai bà chủ quán Ngan phố cổ hay cô nàng bán hoa và nước trái cây, Thùy Dung cũng tràn đầy năng lượng, cũng sinh động, xinh đẹp và mới mẻ. Có người trêu: “Bán bún ngan thôi mà, có cần ăn mặc sành điệu và trang điểm đẹp đến thế không?!?” Với Dung, đó cũng là tôn trọng khách hàng và trân trọng công việc mình đang làm.
Hình ảnh và dòng trạng thái mỗi ngày của Thùy Dung khiến người ta có cảm giác những sản phẩm của quán là sứ giả thân thiện, là yêu thương mà chủ nhân của nó dành tặng mọi người.
Thùy Dung là đồng sáng lập và sở hữu của An Fruit & Flower - tiệm nước trái cây tươi và hoa tươi trang trí, Ngan phố cổ - quán bún miến ngan mang hương vị Bắc đặc trưng và An Homestay. Mỗi loại hình dịch vụ ra đời cách nhau gần 1 năm.
Sự ‘không giống ai’ của những mô hình dịch vụ này là không ham không gian lớn, “không làm nhiều thứ trong 1 cửa hàng” mà chọn 1 sản phẩm đặc trưng để chăm chút dịch vụ hoàn hảo nhất có thể. “Không ngờ cô gái xinh đẹp tưởng chừng như chỉ biết làm báo ấy khi làm dịch vụ lại tinh tế, chu đáo và tỉ mỉ đến thế” - một nhà báo ở TP.HCM nhận xét khi theo dõi hành trình startup của Thùy Dung.
Ngan phố cổ, An Fruit & Flower hay An Homestay không chỉ là nơi bán hàng, là trải nghiệm dịch vụ mà còn là góc giao lưu, thư giãn, địa điểm check-in vì đẹp, lạ và thân thiện.
‘Tiệm của mình mở sau thì phải có cái gì đấy khác biệt, ví dụ như chuyên biệt về dòng hoa cao cấp cả về nguyên liệu lẫn cách cắm, tạo lẵng, trang trí; nước trái cây, sữa hạt cũng phải tạo ra dòng sản phẩm chuyên biệt về chăm sóc sức khỏe; hay món ngan thì phải mang đặc trưng hương vị Bắc. Làm sao để khi tìm về dòng sản phẩm chuyên biệt thì người ta nghĩ ngay đến mình và trong thời điểm đó chỉ có mình”, Dung chia sẻ.
Không chỉ khách du lịch đến Quảng Bình cần tìm sản phẩm dịch vụ tốt mà đời sống của người dân địa phương cũng đang ngày một nâng cao, họ cần những dịch vụ tương xứng với thu nhập. Vì thế, ‘mô hình nho nhỏ’ của Thùy Dung với những khác biệt đến từng chi tiết (thiết kế không gian, dòng sản phẩm và phong cách phục vụ) đã thực sự tạo ra một trào lưu mới về dịch vụ ở vùng đất này.
nhiệm bắt đầu phát động chương trình Người Quảng Bình góp cá gửi ân tình đến TP.HCM. Theo đó, CLB nhận quyên góp cá tươi hoặc tiền mặt để mua cá tươi từ ngư dân. Chỉ sau hai ngày, CLB đã nhận được 120 triệu. Ngày 30/6, CLB mua được 3 tấn cá nục đầu tiên. Những con cá tươi ngon được mua từ tinh sương khi thuyền vừa cập bến, được sơ chế rồi cấp đông ngay, được bảo quản lạnh suốt chặng đường 1.000km đến các Tủ lạnh yêu thương 0 đồng, Hội phụ nữ các quận, Hội chữ thập đỏ… tại TP.HCM. Rồi từ đó, những túi cá đong đầy yêu thương đã đến với nhiều bà con lao động nghèo ở nhiều hang cùng ngõ hẻm đang bị phong tỏa…
Sau hơn 1 tháng thực hiện chương trình, cùng với những hoạt động phụ trợ như đấu giá ảnh đẹp, CLB Du lịch Quảng Bình đã gom được hơn 1 tỷ đồng và mua được gần 40 tấn cá tươi với chi phí bằng 1/4 so với mua tại các siêu thị TP.HCM lúc bấy giờ.
Đó là những ngày TP.HCM bắt đầu cao điểm giãn cách, phong tỏa vì Covid-19. Những ngày đó, Quảng Bình nắng như đổ lửa. Một số đồng nghiệp cũ của Dung không khỏi ngạc nhiên và khâm phục khi thấy thấp thoáng bóng cô tất tả giữa cảng cá, chạy thoăn thoắt giữa các xe hàng để kiểm cá gửi đi. Rất nhiều lời yêu thương, trìu mến trên truyền thông và mạng xã hội dành cho Thùy Dung - cô gái Quảng Bình tặng cá.
- Khi bắt đầu làm chương trình Người Quảng Bình góp cá gửi ân tình đến TP.HCM này, Thùy Dung có nghĩ mình trở nên nổi tiếng như vậy không?
- Không, lúc ban đầu cũng không nghĩ gì nhiều. Chỉ là mình đã từng sống ở TP.HCM mấy năm nên mình hiểu tình hình lúc đó. Ở đó, có nhiều bà con lao động nghèo, họ không có tích trữ, khi mất việc làm và lại bị phong tỏa, giãn cách như thế, việc thiếu lương thực, thực phẩm là chuyện dễ dàng hình dung được. Nếu mình đứng ra kêu gọi mỗi người góp vài chục ngàn thì không khó. Nhiều người chung tay cộng thêm chịu khó mua tận thuyền của bà con ngư dân thì giá rẻ, gom góp lại giúp bữa ăn của bà con nghèo bớt cực. Điều không ngờ là hiệu ứng của chương trình quá tốt, tốt hơn cả kỳ vọng.
Có lẽ thành công của ‘Thùy Dung tặng cá’ là sự tận tâm, tận tụy, có trách nhiệm đến cùng với chương trình do mình khởi xướng. Điều đó đã chạm đến trái tim của những bạn đồng hành và cộng đồng. Một thành viên trong CLB Du lịch Quảng Bình kể rằng, trong những ngày ‘Gom yêu thương’ đó, có những lúc Dung không có thời gian ăn, ngủ. Có những tuần, tinh mơ nào cũng thấy Dung đã ở ngoài những thuyền cá.
Ở thành phố Đồng Hới và cả tỉnh Quảng Bình, nhiều người biết gia đình Dung, “cả nhà đều đẹp, các con ngoan, học giỏi’. Dung kể, từ bé, hầu như mình làm gì đều nhất nhất nghe theo lời ba mẹ. ‘Nếu mặc 1 cái quần bò rách cho nó phá cách mà ba không bằng lòng thì mình cũng bỏ luôn’.
Việc bỏ phố về quê đã khiến người ta ngạc nhiên, nhưng bỏ công việc Nhà nước nhẹ tênh rồi ra làm ngoài ở cái đất Quảng Bình là chuyện gì đó rất không bình thường. Chuyện Dung bỏ việc ở cơ quan báo chí to đùng đó cũng ly kỳ lắm. Lúc đầu cũng chỉ tưởng là định ‘bỏ phố về quê’ - về làm cơ quan thường trú ở miền Trung cho gần nhà. Đùng cái, sếp to nhất cơ quan nhận được đơn xin nghỉ việc của Dung, lúc đó cũng là đầu tháng 12. Ông nói: “Suy nghĩ cho kỹ nhé! Sao lại nghỉ, công việc đang tốt thế này?”. Trưởng cơ quan thường trú cũng ngạc nhiên không kém: “Làm thủ tục chuyển vùng về cơ quan thường trú xong hết rồi tại sao lại xin nghỉ?”. Thuyết phục mãi không được, sếp trưởng gọi điện cho bạn mình là ông bác họ của Dung, vốn là cán bộ cao cấp trong ngành đã nghỉ hưu: “Dung bị làm sao ấy anh ạ? Tự dưng xin nghỉ, mà đang làm tốt, chỗ làm như thế bao người mong không được…”. Không dè ông bác rất hiểu cô cháu, bảo: “Nó không muốn làm nữa thì anh ký cho nó nghỉ đi. Nó nghỉ bây giờ để khởi nghiệp việc mà nó thích cũng hợp lý. Chứ sau này lớn tuổi rồi làm sao đủ xông xáo để làm phóng viên thường trú. Lúc đó cơ quan muốn cho nghỉ việc cũng khó xử mà nó muốn khởi nghiệp cũng muộn rồi. Nghỉ việc bây giờ là đúng”.
Đến lúc Dung gọi điện thông báo nghỉ việc, ông cười cười: “Sếp cháu nói với bác rồi. Nghỉ thì nghỉ thôi”.
- Thế không sợ ba mẹ buồn, la sao? Ở Quảng Bình, nghỉ việc Nhà nước hình như là… tày trời lắm?
- Ba mẹ Dung nghiêm khắc, sống nghiêm ngắn nhưng lại rất tâm lý, sâu sắc nên chia sẻ được với con cái nhiều điều. Sự thấu hiểu nhau, quan niệm về giá trị sống của người lớn đôi khi phải trải qua 1 biến cố nào đấy mình mới hiểu được. Chuyện là thế này: Lúc gia đình riêng bắt đầu có dấu hiệu trục trặc, Dung ướm lời với ba: “Nếu con ly hôn thì ba có thấy xấu hổ với mọi người không?”. Hỏi vậy mà trong lòng đã định, nếu ba kiên quyết phản đối thì mình sẽ cố gắng chịu đựng. Không ngờ ông nói: “Nếu chồng con làm cho con vui và hạnh phúc thì con phải ráng giữ bằng được. Còn nếu sống chung mà khiến con mệt mỏi, con buồn thì ba mẹ cũng chấp nhận để con chia tay. Đời người chỉ sống có 1 lần thôi, mình phải sống thật hạnh phúc, thật vui’.
Dung rất bất ngờ về câu nói đó của ba. “Lúc đó, mình càng nhìn ra 1 cách rõ ràng rằng, giá trị sống của con người là ở chỗ phải vui, phải hạnh phúc thực sự. Cuộc đời ba là minh chứng cho điều đó, mình như được tiếp sức để bình tâm và mạnh mẽ hơn trong chặng đường sắp tới. Cũng từ đó, mình tự tin hơn, quyết làm những việc mình thấy thích và cho là đúng.
Những việc ‘Dung thích thì làm’ cũng nhiều lắm, ví như là cái thời đương công chức ở Sài Gòn, tranh thủ thời gian mua sỉ cua từ Cà Mau, bán lẻ ra Hà Nội. Làm lụng chịu khó đến mức nhiều cư dân mạng tưởng khó khăn quá phải thức khuya, dậy sớm bán hàng online. Ngày đó, phải dậy từ 2-3 giờ sáng, làm quần quật đến 6 giờ 30 sáng rồi tất tả chở con đi học. Rồi đến quán Ngan Phố Cổ hay An Fruit & Flower sau này, mô hình nào cũng đòi hỏi tỉ mỉ, nhiều lao động chân tay, thức khuya dậy sớm…
- Thế còn thiên hạ thì sao? Có vẻ Dung đã đủ từng trải để vui với việc mình làm và không để ý những lời đàm tiếu tào lao lắm thì phải?
Nghe câu hỏi này, Dung trầm ngâm chút xíu rồi phá lên cười. Cười rất vui. Vui như thể đang ngắm nghía lại những ngày tháng chưa xa với những trải nghiệm mà có lẽ nội lực kém 1 chút thôi cũng không dễ vượt qua. Tôi nhớ 1 chuyện Dung từng kể trên facebook rằng, có 1 đồng nghiệp cũ của ba, đến quán Ngan phố cổ, thấy Dung đứng cạnh nồi nước ngan chan bún cho khách thì ớ ra ngạc nhiên, rồi hỏi búa xua. Đại loại là: “Tại sau cháu học hành tử tế, xinh xắn thế mà sao lại thế?! “Sao lại thế” theo ý ông là con gái tầm tuổi này vừa độc thân, công việc lộn xộn không ổn định.
Rồi thì là cũng không ít người xót xa: ‘Ba mẹ hắn ăn ở tử tế thế mà sao hắn hồng nhan bạc phận’.
“Cũng có 1 người nói thẳng: ‘Sao mà điên vậy?”, Dung lại phá lên cười. Hình như cô cũng phóng đại lên chút chút khi tự giễu mình.
Nghe chuyện, ngắm Dung cười vui ngoài đời và trên facebook, được tiếp nhận năng lượng an lành và hạnh phúc tỏa ra từ cô, tôi tin rằng: ở Quảng Bình có 1 Thùy Dung làm du lịch, làm truyền thông đang không ngừng sáng tạo. Cô ấy đang thực sự vui và hạnh phúc với những việc mình làm.
Đi xa về ngỡ ngàng vì quê mình đẹp quá….
- Ba mô hình đang làm là ý định riêng lẻ hay nằm trong hệ sinh thái du lịch của Quảng Bình mà Dung hướng tới?
- Phải nói trước hết đó là những việc mà mình thực sự yêu thích, đam mê. Nhà hàng, quán nước, homestay… cái gì cũng đòi hỏi tỉ mỉ, chu đáo đến từng chi tiết nhỏ… Phải thực sự đam mê, chú tâm thì mới có thể làm tốt các dịch vụ đó được. Nhưng cũng đúng là những việc làm khi quay trở về đây đều liên quan đến tính thích trải nghiệm, thích đi du lịch của mình.
Quảng Bình rất có tiềm năng về du lịch, khách sạn, resort nghỉ dưỡng cao cấp đã có, địa chỉ cư trú tầm tầm bình dân cũng rất nhiều. Nhưng, dịch vụ cao cấp mà gần gũi với khách du lịch và người dân có đời sống trung bình khá trở lên thì còn ít. Các mô hình còn na ná giống nhau, rất ít mô hình có sự khác biệt để tạo nên những điểm đến độc đáo, đáng yêu, điểm check-in cho du khách và người dân địa phương. Thế rồi, chắt lọc những điểm đáng yêu nhất ở hai thành phố lớn đã sống nhiều năm là Hà Nội và TP.HCM, mình tìm ra được điểm khác biệt cốt lõi cho An Fruit & Flower, Ngan phố cổ,và An Homestay.
Đó là sự kết hợp giữa cái tinh tế, sâu lắng của Hà Nội và sự sôi nổi, niềm nở của Sài Gòn. Còn gì hơn nữa thì… mọi người hãy đến và trải nghiệm. Với xuất phát từ cách nghĩ của người đam mê du lịch và làm du lịch, mình đã xây dựng các mô hình dịch vụ thành điểm đến trải nghiệm không chỉ khách du lịch mà còn phục vụ cho người dân nơi đây. Ví dụ như đến An Fruit &Flower, khách hàng có thể ngồi thư giãn, chụp ảnh giữa không gian tràn ngập hoa, đến Ngan phố cổ để có khoảnh khắc sống trong không gian Bắc bộ. Nhất là những ngày tháng Chạp, tháng Giêng, quán còn có hoa đào và một số vật dụng gắn với văn hóa Hà Nội…
Thực ra, cách làm này không có gì lạ nhưng lại mới mẻ, độc đáo ở Quảng Bình. Mình thấy vui vì đã làm được vài thứ, như là sự mở đầu cho 1 trào lưu sáng tạo về dịch vụ trong hệ sinh thái du lịch.
- Khi nhắc đến Quảng Bình, người ta thường nghĩ đến du lịch hang động. Theo bạn, hang động là thế mạnh lớn nhất hay duy nhất của Quảng Bình?
- Mình cho rằng du lịch hang động là đặc trưng của Quảng Bình. Sẽ có những người vô cùng đam mê nét đặc trưng này nhưng sẽ có những nhóm người không thể tiếp cận và tiếp nhận. Ví dụ như người lớn tuổi, du lịch gia đình, hội, nhóm… thì khó có thể tham gia tour du lịch mạo hiểm, khám phá hang động. Với Quảng Bình, nếu đã coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì nên phát triển toàn diện. Du lịch biển, du lịch ẩm thực cũng là thế mạnh của Quảng Bình. Tất nhiên, cũng phải nói lại là: dù Quảng Bình rất nhiều đặc sản, hải sản ngon đặc biệt nhưng cách làm quán đang còn na ná nhau, chưa tạo ra được những mô hình độc đáo, khác biệt.
- Vậy cuối cùng, theo bạn, điều gì ở Quảng Bình tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt?
- Vẻ đẹp thiên nhiên của Quảng Bình rất đặc sắc. Quảng Bình có rừng, sông, suối, biển, hang động… đủ hết mà đẹp hiếm có. Khi đi xa trở về thì càng ngỡ ngàng vì không nghĩ quê mình đẹp đến vậy.