Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của áo dài Huế
Sở VH&TT Thừa Thiên Huế đang lập Hồ sơ Nghề may áo dài truyền thống Huế để đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia… làm cơ sở để các cấp, các ngành xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của áo dài Huế.
Hình ảnh chiếc áo dài gần đây xuất hiện nhiều hơn trong các chương trình, hoạt động ở Thừa Thiên Huế. Thời gian qua, Huế đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, từ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền quảng bá, đến việc xây dựng tổ chức các hoạt động sự kiện văn hóa nghệ thuật, trưng bày triển lãm không chỉ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, mà còn được tổ chức tại một số thành phố lớn trong cả nước và một số quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản với quy mô, hình thức khác nhau.
Đó là các hoạt động quảng diễn, giới thiệu áo dài truyền thống Huế tại Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam, Tết Việt tại TP. Hồ Chí Minh, Ngày hội Áo dài Huế 2020, 2021; Áo dài và điện ảnh tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 tổ chức tại Huế.
Đáng chú ý, mở đầu Tuần lễ Festival Huế năm 2022 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Cụ thể như lễ hành hương, tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát, Áo dài và âm nhạc, Áo dài xưa, Áo dài đương đại, Áo dài học đường… hướng tới cộng đồng, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, tạo cơ hội để người dân trở thành chủ thể của tuần lễ áo dài.
Đến nay, UBND TP Huế đã đăng ký bảo hộ thành công Chứng nhận nhãn hiệu "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam"; Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang lập Hồ sơ Nghề may áo dài truyền thống Huế để đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia… làm cơ sở để các cấp, các ngành xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của áo dài Huế.
Duyên dáng tà áo dài dạo phố. Ảnh: Festival Huế
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam" đã và đang được Sở, UBND TP Huế, các ngành triển khai từng bước có tính toán, đảm bảo phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của tỉnh, tiến tới hình thành những sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của Huế, thu hút du khách đến với Huế tham quan, trải nghiệm và mua sắm, tạo điều kiện để các ngành nghề truyền thống may áo dài Huế, làm nón lá… ngày càng phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đang cụ thể hóa các nội dung của Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam".
Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế. Ảnh: Festival Huế
Sắp tới, sau khi được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, địa phương sẽ xây dựng các sản phẩm văn hóa du lịch từ áo dài truyền thống Huế thông qua các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, show trình diễn thời trang áo dài định kỳ theo hướng Tuần lễ áo dài theo mùa, theo quý, để hình thành các sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch.
Tà áo dài tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ. Ảnh: Festival Huế
Bên cạnh đó, tỉnh này sẽ sớm hình thành Bảo tàng Áo dài, Trung tâm đào tạo nghề may đo, trưng bày và trình diễn Áo dài Huế - làm nơi gặp gỡ của các nghệ nhân, người yêu thích áo dài; tổ chức các hoạt động tọa đàm, trưng bày, thao diễn, giới thiệu và mua bán các sản phẩm áo dài và các ngành phụ trợ...
Được biết, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam".
Trưng bày “Áo dài Huế - xưa và nay” giúp mọi người hiểu rõ hơn sự biến chuyển của văn hóa mặc và đặc biệt là sự...