4 quốc gia duy nhất trên thế giới sản xuất được đầu bút bi
Bút bi là món đồ quen thuộc, thông dụng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Thế nhưng tính đến nay, chỉ có duy nhất 4 đất nước có thể sản xuất đầu bút bi, thậm chí Mỹ còn không nằm trong số đó.
Nhiều người sử dụng bút bi hàng ngày nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc cái tên của nó. Gọi là bút bi vì ở đầu ngòi bút có một viên bi siêu nhỏ dùng để đẩy phần mực trong ruột bút ra ngoài.
Tuy quốc gia nào cũng có những thương hiệu bút bi của riêng mình, chỉ có 4 quốc gia trên thế giới sản xuất được viên bi ở đầu bút.
Tuy nhỏ, đầu bút bi có chức năng cực kỳ quan trọng. Ảnh: The Quint.
Tại sao viên bi này khó sản xuất đến vậy?
Viên bi nhỏ trông vậy mà đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp chiếc bút có thể hoạt động trơn tru, bằng cách xoay tròn tự do khiến mực ra đều theo từng nét bút.
Để sản xuất một viên bi sắt có thể viết được thoải mái trong thời gian dài đòi hỏi kỹ thuật rất cao và phức tạp. Độ chính xác là 1/1000 mm và sai số không được phép vượt quá 0,003 mm.
Quy trình sản xuất đầu bút bi tốn khá nhiều thời gian. Ảnh: Hightec Amazing.
Bên cạnh khó khăn ở cách làm viên bi nhỏ, vật liệu sản xuất cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Không phải thép bình thường mà thép sản xuất đầu bút có tên là Tungsten carbide, loại này có độ cứng gấp đôi thép thường.
Từng đó phức tạp đã đủ để chi tiết này được mệnh danh là một trong những thứ khó làm ra nhất trên thế giới. Hiện nay, chỉ có Thụy Sĩ, Nhật Bản, Đức và gần đây nhất là Trung Quốc là những nước sở hữu công nghệ sản xuất đầu bút bi.
4 quốc gia nắm giữ công nghệ sản xuất bút bi
Đức và Thụy Sĩ là hai quốc gia có nền kinh tế phát triển, giàu có. Đồng thời, họ cũng là những thợ sản xuất có tay nghề xuất sắc, có thể làm ra vật dụng, máy móc chất lượng và tinh xảo.
Trong số 4 quốc gia, Thụy Sĩ là nơi sản xuất đầu bút bi "lành nghề" nhất. Họ phải mất tổng cộng hơn 20 công đoạn chi để sản xuất viên bi nhỏ với một loạt yêu cầu khắt khe như: Đầu bút có 5 rãnh dẫn mực; sự ăn khớp giữa viên bi, đầu bút và vị trí rãnh sai số không được quá 3 micron; độ dày ở đỉnh đầu bút là 0,3-0,4 mm…
Tuy là đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ bên ngoài, ngành sản xuất của Nhật Bản lại đứng hàng top thế giới. Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đầu bút bi Nhật Bản sản xuất trở nên độc quyền ở toàn châu Á.
Những chiếc bút bi chất lượng "made in Japan". Ảnh: JP.
Trung Quốc gia nhập vào số ít quốc gia có thể sản xuất bộ phận này vào năm 2017. Trước khi nắm giữ công nghệ sản xuất tinh vi, đất nước tỷ dân đã sản xuất tới 38 tỷ chiếc bút bi mỗi năm, theo tờ China Daily. Con số khổng lồ này chiếm khoản 80% số lượng bút bi trên thế giới. Tuy nhiên, dù sản xuất ồ ạt nhưng hơn 3.000 công ty sản xuất bút "made in China" đều chưa có công nghệ hiện đại để sản xuất viên bi ở đầu bút.
Vậy nên thành phần quan trọng đó Trung Quốc từng phải nhập khẩu từ Thụy Điển, Đức và Nhật Bản. Theo thông tin của Hội đồng Công nghiệp nhẹ Trung Quốc, số lượng nhập khẩu này khiến ngành công nghiệp tốn đến 17,3 triệu USD hàng năm. Sau thời gian dài nghiên cứu, Trung Quốc đã có thể sản xuất đầu bút bi tiêu chuẩn, nâng số lượng sản xuất mỗi năm tới hơn 40 tỷ chiếc.
Bên cạnh các yếu tố về khoa học công nghệ, lợi nhuận cũng là vấn đề khiến nhiều quốc gia e ngại đầu tư máy móc vào sản xuất chi tiết này. Lượng thép tiêu thụ của ngành sản xuất bút trong một năm có thể chỉ bằng sản lượng một ngày của nhà máy gang thép.
Tuy nhiên, một cây bút bi trên thị trường lợi nhuận thu về không cao, chỉ bán được vài USD. Vậy nên các nhà máy luyện thép không phải không có khả năng sản xuất đầu bút bi mà có thể do vấn đề lợi nhuận nên họ không đầu tư vào nghiên cứu, phát triển bộ phận này.
Những đám mây có hình dáng khác lạ, nhiều màu sắc thu hút sự tò mò của mọi người. Tuy nhiên, đa số chúng đều báo hiệu...