TP.HCM "bắt tay" Đồng Tháp xây tour hấp dẫn, an toàn để hút khách
Việc phát triển các sản phẩm liên kết giữa TP.HCM và Đồng Tháp là giải pháp quan trọng để kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân mà vẫn đảm bảo thành quả phòng chống dịch.
Ngày 5/11, UBND TP.HCM cùng Sở Du lịch TP.HCM phối hợp UBND Đồng Tháp và Sở VHTTDL tỉnh đã tổ chức hội nghị liên kết du lịch liên kết du lịch giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Tháp.
Hội nghị nhằm thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển trên cơ sở đẩy mạnh kết nối du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19.
Đoàn TP.HCM có sự tham gia của đại diện lãnh đạo thành phố, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đại diện các Sở ngành TP cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành TP.HCM. Về phía đoàn Đồng Tháp gồm đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở VHTTDL, một số doanh nghiệp lữ hành và vận chuyển.
Hội nghị liên kết du lịch liên kết du lịch giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Tháp chiều 5/11
Đại điện UBND tỉnh, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch Đồng Tháp cho biết, hiện tỉnh đang ở mức độ 2 (nguy cơ trung bình, các cơ sở, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch được hoạt động trở lại. Đồng Tháp xác định “Mở cửa phải an toàn, an toàn mới mở của”, tiếp tục chủ động ứng phó linh hoạt, thích nghi, an toàn với các ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, thông qua việc đánh giá toàn diện thực trạng và đề ra các giải pháp khôi phục lại hoạt động du lịch; tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, truyền thông quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch với các sản phẩm đặc thù, hấp dẫn.
Bên cạnh đó, tỉnh còn huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm xây dựng các chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn thu hút được du khách. Đồng thời phát huy liên kết giữa TPHCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL với phương châm “Liên kết - Hành động - Phát triển”.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch Đồng Tháp phát biểu
“Đồng Tháp đề ra các giải pháp mở cửa thích ứng, an toàn, linh hoạt bao gồm: đảm bảo an toàn tại điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch và khách du lịch; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nhu cầu du lịch nội địa nhân dịp các kỳ nghỉ, ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch; chính sách hỗ trợ khôi phục lại hoạt động du lịch; xây dựng tour, tuyến kết nối các điểm mở cửa hoạt động”, ông Bửu nói.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch TP.HCM nhận định, Đồng Tháp có trên 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp và những năm gần đây phát triển mạnh du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề. Loại hình du lịch này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế bền vững, mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản địa. Đặc biệt, trong bối cảnh “bình thường mới” thì loại hình này càng có nhiều cơ hội phát triển mạnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, TP.HCM là một trung tâm du lịch của cả nước. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên hoạt động du lịch cũng tạm gián đoạn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2021, thành phố tổ chức các tour du lịch nội vùng theo các tiêu chí an toàn thích ứng với COVID-19 và tổ chức các tour thí điểm đến Tây Ninh cũng như hội nghị liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Nam Trung Bộ gồm Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, và các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp. Bên cạnh đó, với gần 5.000 cơ sở lưu trú, khoảng 1.300 doanh nghiệp lữ hành và gần 150.000 nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch, TP.HCM là trung tâm du lịch và cũng là thị trường khách du lịch lớn nhất cả nước.
Đoàn dâng hương tại khu di tích lịch sử Nguyễn Sinh Sắc tại Đồng Tháp
Phó Chủ tịch TP.HCM cùng Giám đốc Sở du lịch TP.HCM ghi lưu niệm tại khu di tích
Để các sản phẩm liên tuyến trở nên hấp dẫn với khách du lịch, hai địa phương cần khẩn trương phối hợp thống nhất các tiêu chí an toàn trong lĩnh vực du lịch để làm cơ sở tổ chức các chương trình du lịch liên tỉnh. TP.HCM đề nghị tỉnh Đồng Tháp chú trọng khai thác Di tích lịch sử và Khảo cổ Gò Tháp xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử và về nguồn trong chương trình du lịch liên tuyến; cần nghiên cứu khai thác cửa khẩu quốc tế Dinh Bà với nước bạn Campuchia cũng là một trong những cơ hội có thể khai thác để đưa khách quốc tế đến Đồng Tháp và các vùng lân cận trong liên kết.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp nâng cấp hạ tầng giao thông của quốc lộ N2, quốc lộ 30 và quốc lộ 80 trên địa phận Đồng Tháp để tạo thuận lợi cho việc lưu thông của các phương tiện vận chuyển khách du lịch. Ngoài ra, 2 địa phương cùng cần quan tâm đến việc kêu gọi các dự án đầu tư cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống và mua sắm đặc sản địa phương đạt chuẩn phục vụ khách du lịch góp phần tăng chi tiêu của du khách.
“Với những thế mạnh khác biệt nhau, việc phát triển các sản phẩm liên kết giữa TP.HCM và Đồng Tháp là giải pháp quan trọng để kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân mà vẫn đảm bảo thành quả phòng chống dịch của hai địa phương, đảm bảo tiêu chí du lịch phải an toàn, an toàn trong du lịch và tận dụng lợi thế của từng địa phương để phát triển kinh tế du lịch”, Phó Chủ tịch TP.HCM nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhận định Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, phù hợp với thị trường khách du lịch TP.HCM như sản phẩm du lịch gắn với mùa nước nổi, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử, sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống nổi tiếng, làng hoa Sa Đéc nổi tiếng, sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực vùng đất sen hồng…
TP.HCM cũng xác định Đồng Tháp cũng là thị trường khách du lịch đến TP.HCM với các sản phẩm du lịch chủ lực như: du lịch đô thị, du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa – lịch sử… và kết nối đến các tỉnh lân cận vùng Đông Nam Bộ hoặc các vùng khác.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhận định Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Tuy nhiên, chương trình liên kết du lịch cũng còn một số hạn chế tồn tại như liên kết xây dựng tour du lịch gắn kết 2 địa phương chưa tạo ra các chương trình, sản phẩm mới thật sự hấp dẫn; đặc biệt là các chương trình du lịch thu hút khách từ Đồng Tháp đến TP.HCM chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên báo đài, website du lịch, các trung tâm thông tin du lịch của hai địa phương chưa hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu về giá và dịch vụ chưa cụ thể nên chưa tạo được sức hấp dẫn cho doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình du lịch đến Đồng Tháp.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đề xuất phương hướng hợp tác bằng cách tăng cường công tác quản lý Nhà nước; phát triển sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao nhận thức và định hướng phát triển du lịch cho đội ngũ cán bộ ngành và doanh nghiệp tại Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Đoàn đã đến tham quan và khảo sát khu du lịch Tràm Chim, đồng thời trải nghiệm các hoạt động gắn liền với mùa nước...