Hộ chiếu sức khỏe điện tử: Chìa khóa mở lại đường bay giữa các nước
Hộ chiếu sức khỏe điện tử đang được xem là một trong những giải pháp giúp nối lại các chuyến bay quốc tế, khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các nền kinh tế trên thế giới.
Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass có thể coi là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia. Ảnh: Vietnam Airlines cung cấp
Theo đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia, hộ chiếu sức khỏe điện tử là một trong những giải pháp được kỳ vọng nhất để Việt Nam nhanh chóng, an toàn mở cửa biên giới, cứu ngành du lịch, hàng không sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.
Khơi thông du lịch, thương mại
Ngày 1/7 tới đây, “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID” của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực và được kỳ vọng giúp mở lại biên giới trong khối và các nước thành viên. Đây là công cụ được ban hành và chấp nhận ở mọi quốc gia thành viên, cho phép công dân châu Âu đi lại an toàn và không có bất kỳ sự phân biệt nào.
Tại Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo các cấp có thẩm quyền triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” để đẩy nhanh việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam.
Là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam ký thỏa thuận với Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) và sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA Travel Pass vào tháng 6/2021, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh đây có thể coi là chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia đồng thời đáp ứng mọi yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến.
“IATA sẽ hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Vietnam Airlines xuyên suốt quá trình chạy thử nghiệm. Các Chính phủ nên công nhận và cho phép ứng dụng rộng rãi Giải pháp hộ chiếu sức khỏe điện tử như IATA Travel Pass, giúp nhanh chóng khôi phục vận tải hành khách quốc tế thường lệ. Mục tiêu quan trọng nhất là khôi phục niềm tin của hành khách khi đi máy bay và đảm bảo trải nghiệm du lịch an toàn và liền mạch cho tất cả mọi người,” ông Hà khẳng định.
Theo ông Vinoop Goel, Giám đốc khu vực Phụ trách Cảng hàng không và Đối ngoại truyền thông, IATA châu Á-Thái Bình Dương, IATA Travel Pass giúp các hãng hàng không kiểm tra được chứng nhận sức khỏe của hành khách có đáp ứng được quy định của chính phủ tại điểm đến hay không. Việc xử lý nhiều loại giấy tờ như hiện nay sẽ tốn rất nhiều thời gian cho các hãng hàng không khi du lịch mở cửa.
Đối với hành khách, IATA Travel Pass cung cấp cho họ thông tin về quy định của từng quốc gia, cơ sở xét nghiệm được chỉ định để tới tiêm chủng, xét nghiệm loại cần có. Thông tin cá nhân đều có thể được xem và quản lý trên điện thoại di động. Các Chính phủ cũng được hưởng lợi từ IATA Travel Pass vì nó giúp tránh được hiện tượng tắc nghẽn cửa khẩu tại sân bay.
“IATA Travel Pass tích hợp một số giải pháp số hàng đầu như du lịch không tiếp xúc, giấy chứng nhận điện tử và sinh trắc học. Bằng cách triển khai và thử nghiệm ứng dụng này, Vietnam Airlines sẽ tạo đà áp dụng những giải pháp này cho việc đi lại trong tương lai. Đây là yếu tố cần thiết để chuẩn bị cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường hàng không tại Việt Nam” ông Vinoop Goel nhìn nhận.
Cần chuẩn bị tốt để triển khai
Để “hộ chiếu vaccine” có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, giữa các quốc gia cần có sự công nhận lẫn nhau cũng như liên kết hệ thống một cách toàn diện, thống nhất về ngôn ngữ, dữ liệu cũng như các quy định về bảo mật thông tin.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nước ta chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai “hộ chiếu vaccine” cũng như những thỏa thuận liên quan ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh Việt Nam.
Ông Trần Tuấn Linh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học và công nghệ Hàng không Việt Nam cho biết trong thời điểm dịch COVID-19, nếu một hệ thống như “hộ chiếu sức khỏe điện tử” được các quốc gia công nhận chung thì việc di chuyển và đi lại của hành khách sẽ trở nên cực kỳ thuận lợi, giúp các cơ quan chức năng dễ dàng xác minh, quản lý thông tin du lịch của hành khách.
“Ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao gần như toàn dân, một số chuyến bay quốc tế đã thực hiện chuyên chở doanh nhân, khách du lịch, cầu thủ đá bóng, cổ động viên… đã khởi động lại quá trình giao thương, du lịch,” ông Linh nói.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) đưa ra gợi mở Chính phủ nên từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài vào Việt Nam khi có hồ sơ điện tử chứng nhận tiêm vaccine, đặc biệt là khách từ các quốc gia có lượng hành khách lớn hoặc có tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như một số nước ở châu Âu...
Hình ảnh biểu tượng hộ chiếu vaccine. Nguồn: Forbes.com
Để bất kỳ một ứng dụng “hộ chiếu vaccine” nào được sử dụng rộng rãi, các doanh nghiệp hàng không mong muốn các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh cho người dân.
Trước đó, phát biểu tại buổi lễ khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sẽ liên thông với quốc tế, sau này là "hộ chiếu vaccine," quản lý toàn bộ bằng QR code. Người tiêm ngừa vaccine tại Việt Nam sẽ được cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng, đồng thời cập nhật thông tin trên hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử.
Tại họp báo chính phủ đầu tháng Năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai “hộ chiếu vaccine.”
“Hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng. Do đó khi áp dụng hộ chiếu vaccine, Việt Nam phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn,” ông Thuấn nhấn mạnh.
IATA Travel Pass hiện đã nhận được phản hồi tích cực từ Chính phủ của hơn 70 quốc gia và đang được hơn 20 hãng hàng không thử nghiệm, trong đó có các hãng hàng không 5 sao như Singapore Airlines, Qatar Airways, All Nippon Airways, Etihad, Emirates, Korean Air, Virgin Atlantic, Ethiopian... Gần đây, ngày 17/3 vừa qua đã đánh dấu chuyến bay đầu tiên của Singapore Airlines áp dụng thành công IATA Travel Pass để vận chuyển hành khách từ Singapore đến London (Anh). |
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có kế hoạch chào đón sự trở lại của du khách quốc tế đã tiêm vaccine ngừa COVID-19...