Sở Du lịch TP.HCM đề xuất áp dụng hộ chiếu vaccine
Sở Du lịch TP.HCM đề xuất áp dụng hộ chiếu vaccine, tạo điều kiện đón khách quốc tế từ các nước đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Khách quốc tế đến TP.HCM. Ảnh: SGGP
Ngành du lịch đang khủng hoảng nặng nề
Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình ngành du lịch trên địa bàn TP và đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong năm 2021. Theo đó, ngành du lịch đang khủng hoảng nặng nề vì Covid-19. Quý I/2021, khách du lịch nội địa đến TP.HCM đạt 4,9 triệu lượt, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 23.103 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2020, lượng khách quốc tế đến TP hơn 1,3 triệu lượt, giảm 85% so với năm 2019. Từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch bệnh nên không có khách quốc tế nào đến TP.HCM.
Tình hình đang có dấu hiệu phục hồi thì đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trở lại và có dấu hiệu nặng hơn đã khiến các doanh nghiệp trong ngành lao đao hơn.
Hiện có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam) đã tạm ngưng hoạt động. Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại để hoạt động.
Còn hướng dẫn viên du lịch, chỉ lực lượng hướng dẫn viên chính thức của các công ty lữ hành còn hoạt động. Tuy nhiên tỷ lệ này cũng còn rất thấp, khoảng 10% hướng dẫn viên quốc tế và 40-50% hướng dẫn viên du lịch nội địa.
Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết thêm, qua thống kê, hơn 50% khách sạn 3 sao đã tạm ngưng hoạt động, nhóm khách sạn 4-5 sao đang hoạt động cầm chừng, doanh thu giảm 70-80%.
Tạo điều kiện cho ngành du lịch sớm phục hồi
Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM xem xét, trình Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của dịch bệnh Covid-19 để bổ sung một số chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển.
Cụ thể, ngành du lịch TP.HCM đề xuất xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống còn 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch; xem xét kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất năm 2021; tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành.
Sở Du lịch TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm để giúp tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động.
Về giá điện, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất trong năm 2021 và các năm tiếp theo, trước tình hình dịch bệnh.
Đáng chú ý, Sở Du lịch TP cũng đề xuất UBND TP.HCM xem xét trình Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành áp dụng hộ chiếu vaccine tạo điều kiện đón khách quốc tế từ các nước đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Được biết, hiện một số địa phương khác, như Quảng Nam, Phú Quốc đang đề xuất cho thí điểm áp dụng hộ chiếu vaccine với khách lưu trú ngắn ngày, chỉ chơi golf, nghỉ dưỡng không di chuyển.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gần đây, Bộ Y tế đưa ra ba phương án thực hiện hộ chiếu vaccine.
Nhóm đối tượng thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong điều kiện đã tiêm vaccine thì về nước. Nhóm đối tượng thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh.
Nhóm đối tượng thứ ba là khách du lịch quốc tế. Hướng ban đầu là du khách từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng và nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng quản lý, kiểm soát được người vào đã an toàn, có quy định kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.
Các nước áp dụng hộ chiếu vaccine thế nào? Hàn Quốc là nước mới nhất chính thức cho biết sẽ cấp “hộ chiếu vaccine” theo hình thức kỹ thuật số, thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, trên đó tích hợp các thông tin về tình trạng tiêm chủng vaccine Covid-19 của người dân. Trước Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đã thông qua kế hoạch này. Đặc biệt, sau rất nhiều bất đồng giữa những nước thành viên, EU cũng đã đi tới nhất trí về việc phát hành “hộ chiếu vaccine”. Dự kiến Nghị viện châu Âu (EP) sẽ phê chuẩn đề xuất về áp dụng “hộ chiếu vaccine” trong phiên họp toàn thể vào tháng 6. Trước khi EU đạt được sự thống nhất này, một số quốc gia thành viên đã cấp các giấy chứng nhận kỹ thuật số chứng nhận chủng ngừa, do nôn nóng hồi phục ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung sau thời gian dài lao đao vì đại dịch. Trên thế giới, một số nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, như Israel, nơi 50% dân số đã được chủng ngừa, người dân đã dần có cuộc sống bình thường trở lại vì có thể tới nhà hàng, rạp hát, phòng tập thể dục khi xuất trình “thẻ xanh” chứng minh đã tiêm vaccine. Dự kiến sẽ tiếp tục có thêm nhiều nước áp dụng thử nghiệm mô hình “hộ chiếu vaccine” vì nếu thành công sẽ giúp thúc đẩy ngành du dịch và dịch vụ, mở cửa lại đường hàng không, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch Covid-19. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính sụt giảm đi lại bằng đường không vì đại dịch đã khiến GDP toàn cầu tổn hại khoảng 1.800 tỷ USD. Trong bối cảnh đại dịch chưa được kiểm soát khiến nền kinh tế thế giới và các quốc gia trải qua một thời kỳ tồi tệ chưa từng có tiền lệ, “hộ chiếu vaccine” trở thành niềm hy vọng cho sự hồi phục trong tương lai không xa. |
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng...