Hộ chiếu vaccine sẽ cứu ngành du lịch thế giới
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có kế hoạch chào đón sự trở lại của du khách quốc tế đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 6. Đồng thời, các hãng du lịch tàu biển và hàng không cũng áp dụng yêu cầu tiêm chủng vaccine đối với du khách.
Tại Mỹ, sau hơn một năm thực hiện giãn cách xã hội và phong tỏa, người dân luôn phải ở nhà và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống COVID-19 thì giờ đây, dường như ngành du lịch tại xứ cờ hoa đang dần khởi sắc.
Các điểm du lịch nổi tiếng được phép mở cửa cho du khách đến tham quan và các chuyến bay không còn phải chịu cảnh đắp chiếu nằm chờ. Tuy nhiên, để được trải nghiệm những chuyến du lịch quốc tế vào mùa hè này bắt buộc người dân Mỹ phải chứng minh bản thân đã tiêm vaccine, hoặc chí ít, là âm tính với COVID-19.
Du khách Mỹ sẽ phải chứng minh bản thân đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus để được đi du lịch nước ngoài vào hè này.
Hiện tại, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và các quốc gia khác có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch đang thúc đẩy kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine hoặc cấp phép cho những du khách đã tiêm vaccine được miễn cách ly khi nhập cảnh. Đặc biệt, các hãng du lịch tàu biển và hàng không tư nhân cũng rất háo hức với hộ chiếu vaccine, dù rằng có không ít ý kiến tranh cãi xung quanh vấn đề này.
Việc chứng minh bản thân đã được tiêm vaccine phòng bệnh khi đi du lịch nước ngoài không phải là một khái niệm mới. Trước khi đại dịch xuất hiện, nhiều quốc gia đã yêu cầu bắt buộc du khách khi nhập cảnh phải tiêm vaccine ngừa bệnh sốt vàng, một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thường xuất hiện ở Nam Mỹ và châu Phi. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả với COVID-19 đòi hỏi các nhà chức trách xây dựng phương án triển khai với quy mô lớn chưa từng có, đặt ra những thách thức không nhỏ về hậu cần.
Những người hoài nghi về hộ chiếu vaccine dự đoán phương thức này có thể dẫn đến hành vi phân biệt đối xử và gian lận xét nghiệm khi nhập cảnh. Đồng thời, nó cũng có khả năng đẩy các quốc gia vào tình thế nguy hiểm khi ngày càng có nhiều biến chủng mới của COVID-19 xuất hiện.
Có lẽ, các nhà chức trách sẽ cần nhiều thời gian nữa để cân nhắc về tính khả dụng của hộ chiếu vaccine. Đến thời điểm này, đây là những gì chúng ta biết về nó:
Hộ chiếu vaccine hoạt động như thế nào?
Bất chấp tên gọi của nó, hộ chiếu vaccine (hay giấy chứng nhận tiêm vaccine) có thể sẽ không giống như một quyển sổ tay nhỏ mà bạn xuất trình trước nhân viên an ninh xuất nhập cảnh. Thay vào đó, hộ chiếu vaccine có thể được triển khai dưới dạng một ứng dụng di động thông minh có mã vạch. Mã vạch này sẽ cung cấp đầy đủ và chi tiết tình trạng tiêm ngừa vaccine của bạn khi được quét.
Ứng dụng cũng có thể cho phép bạn biết được các yêu cầu nhập cảnh tại quốc gia bạn muốn đến. Đồng thời, nó còn lưu trữ kết quả xét nghiệm COVID-19 gần đây nhất của bạn cũng như một vài thông tin sức khỏe khác.
Hộ chiếu vaccine sẽ là một ứng dụng di động thông minh có mã vạch, chứa các thông tin về việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và các thông tin sức khỏe khác của người dùng.
Đối với các trường hợp không sử dụng điện thoại thông minh, giới chuyên gia đề xuất sử dụng hình thức khai báo giấy để thay thế.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đang nghiên cứu, phát triển nhiều ứng dụng di động khác có thể xác minh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 của bạn bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn như bạn có thể chụp lại ảnh giấy chứng nhận đã tiêm vaccine. Tuy vậy, cách làm này có thể dẫn đến việc giả mạo giấy chứng nhận.
Mặt khác, một vài chuyên gia đề xuất nên liên kết các ứng dụng này với cơ sở dữ liệu tiêm chủng quốc gia. Ở Mỹ, cơ sở dữ liệu này được lưu trữ tại từng tiểu bang.
Hộ chiếu vaccine đã được các nước áp dụng chưa?
Câu trả lời là vẫn chưa. Tuy nhiên, Israel, quốc gia đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19, đã đưa ra khái niệm “hộ chiếu xanh” cho phép người sở hữu có thể tiếp cận các địa điểm như phòng tập thể dục, nhà hát, khách sạn, tham dự buổi hòa nhạc và hành lễ tại giáo đường.
Tại bang New York (Mỹ), một ứng dụng có tên gọi Excelsior Pass có thể hiển thị chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 của mỗi công dân.
Có bao nhiêu phiên bản hộ chiếu vaccine đang được phát triển?
Hiện tại, một số doanh nghiệp và tổ chức đang tiến hành phát triển hộ chiếu vaccine, điển hình như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association – IATA), có trụ sở tại Montreal (Canada), đại diện cho 290 hãng hàng không trên toàn thế giới. IATA đang phát triển một ứng dụng có tên là Travel Pass (tạm dịch: “Thẻ thông hành”) cho phép người dùng tải lên tài liệu để chứng minh tình trạng tiêm chủng.
Ứng dụng cũng cho phép người dùng kiểm tra các yêu cầu về sức khỏe trước khi nhập cảnh tại quốc gia muốn đến, cũng như địa chỉ các cơ sở y tế được phép xét nghiệm COVID-19 tại quốc gia đó. Ngoài ra, ứng dụng Travel Pass còn kết hợp các thông tin sinh trắc học, chẳng hạn như dấu vân tay hay nhận diện khuôn mặt để chứng minh danh tính của một người.
IATA đang nghiên cứu phát triển ứng dụng hộ chiếu vaccine Travel Pass.
Đại diện IATA cho biết, hiện có khoảng 23 hãng hàng không, bao gồm Qantas, Singapore Airlines, Virgin Atlantic và công ty mẹ của British Airways, đang thử nghiệm Travel Pass. Tổ chức này cho biết các hãng hàng không sẽ có tùy chọn tích hợp dữ liệu vào ứng dụng của riêng họ.
IBM có Digital Health Pass, cho phép “các tổ chức xác minh thông tin xác thực về sức khỏe cho nhân viên, khách hàng và khách truy cập vào trang web của họ dựa trên các tiêu chí do tổ chức chỉ định”.
Clear, một chương trình số hóa cho phép du khách đã đăng ký tham gia có thể đẩy nhanh tốc độ kiểm duyệt tại các sân bay Mỹ, hiện đang tích cực đẩy mạnh tính năng Health Pass này trong ứng dụng di động riêng. Gần đây, Clear đã hợp tác với tổ chức Commons Project để thu thập và quản lý các hồ sơ tiêm chủng vaccine COVID-19 của du khách.
Ngay bản thân của tổ chức Commons Project cũng sở hữu một ứng dụng riêng của mình, có tên gọi là CommonPass. Ứng dụng này có thể liên kết với các ứng dụng chăm sóc sức khỏe khác của hệ điều hành di động iOS và Android.
Ngoài những ứng dụng kể trên, vẫn còn một số ứng dụng khác đang được phát triển như AOKpass, Passport for COVID và Corona Pass.
Nhiều ứng dụng hộ chiếu vaccine ra đời sẽ gây khó cho người dùng?
Việc thiếu tiêu chuẩn hóa ứng dụng được các chuyên gia ví như một gánh nặng có thể khiến người dùng cảm thấy không thoải mái khi sử dụng ứng dụng. Ví dụ, một số ứng dụng có thể yêu cầu nhiều thông tin hơn những ứng dụng khác hoặc có thể hoạt động theo những cách khác nhau, có thể khiến người dùng cảm thấy bất an về nguy cơ lộ thông tin cá nhân.
Mặt khác, các quốc gia và hãng hàng không sẽ có khuynh hướng chỉ chấp nhận một số ứng dụng hộ chiếu vaccine nhất định, buộc bạn phải cài và tải lên ứng dụng hồ sơ tiêm chủng của mình nhiều lần.
Để tránh những vấn đề này có thể xảy ra trong tương lai, ngay bây giờ, chính phủ các nước cần phải nhanh chóng thực hiện bộ tiêu chuẩn hóa ứng dụng hộ chiếu vaccine.
Những quốc gia nào sẽ sử dụng hộ chiếu vaccine?
Ở thời điểm hiện tại, đa phần các quốc gia châu Âu, đặc biệt là các quốc gia có ngành du lịch phát triển như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Croatia, Tây Ban Nha và Cộng hòa Síp đều háo hức muốn áp dụng hộ chiếu vaccine.
Các quốc gia nổi tiếng về du lịch tại châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Croatia, Tây Ban Nha và Cộng hòa Síp đều mong chờ triển khai hộ chiếu vaccine để mở cửa du lịch quốc tế.
Vào ngày 1/3, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đã thông báo rằng EU sẽ trình bày đề xuất công nhận tính pháp lý đối với Digital Green Pass, một loại giấy thông hành cho phép chứng thực việc hoàn thành tiêm vaccine, hoặc xét nghiệm âm tính COVID-19 hoặc đã hồi phục hoàn toàn khỏi COVID-19 của du khách sở hữu.
Hai tuần sau đó, vào ngày 17/3, Ủy ban châu Âu đề xuất việc nối lại hoạt động du lịch giữa các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu, cho phép các công dân sở hữu Digital Green Pass được tự do đi du lịch các nước trong khối. Được biết, đề xuất này sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 6 tới.
Không lâu sau, vào ngày 3/5, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Adalbert Jahnz đã công bố kế hoạch cho phép du khách từ Mỹ và các nước khác đến thăm EU vào đầu tháng 6, miễn là họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, ông Adalbert Jahnz không đề cập đến việc làm thế nào để xác thực việc du khách đã tiêm vaccine hay chưa.
Bên ngoài EU, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết chính phủ của ông đang xem xét việc sử dụng hộ chiếu vaccine. Canada có thể yêu cầu du khách trình hộ chiếu vaccine khi nhập cảnh. Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang ủng hộ việc cấp hộ chiếu vaccine, cũng như các quốc gia phụ thuộc vào du lịch khác như Thái Lan và Aruba.
Chỉ hai ngày sau khi khẳng định quy định hiện hành về khẩu trang phù hợp, CDC bất ngờ thay đổi hướng dẫn, gây làn sóng...