Thương nhớ tô mì xứ Quảng ngon trứ danh
Phải được thử, được nếm, được ăn tô mì Quảng ngay trên mảnh đất sinh ra nó, ta mới cảm nhận đủ đầy vị ngon chan chứa chân tình hương quê.
“Ai đi cách trở sơn khê - Nhớ tô mì Quảng tình quê mặn nồng”
Mì Quảng được ví như cái “hồn” ẩm thực xứ Quảng. Bao người con xa quê, hễ bắt gặp quán mì Quảng nơi xứ người cứ phải ghé vào ăn cho bằng được. Khách thập phương có dịp ghé Quảng Nam, Đà Nẵng, du lịch hay làm ăn vẫn thường bảo nhau “về đất Quảng mà chưa ăn mì Quảng, khác nào chưa về!”.
“Về đất Quảng mà chưa ăn mì Quảng, khác nào chưa về!”. Ảnh: Minh Vi
Quán mì Quảng gia truyền nhiều không đếm xuể ở Quảng Nam. Mỗi quán có một bí truyền cho món ăn hấp dẫn hơn, nhưng tựu chung vẫn là vị ngon đậm đà, thơm lừng đặc trưng của tô mì Quảng.
Mì Quảng được chế biến từ gạo, nguyên liệu truyền thống như bao món ăn lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, chất gạo trong tô mì Quảng lại có sắc thái riêng. Người xứ Quảng chọn gạo làm mì phải là loại không dẻo, nhưng vẫn phải có độ kết dính. Gạo được ngâm khoảng 1 tiếng, rồi mới cho vào cối xay mịn, tráng mỏng, xếp chồng lên nhau và thái ra từng sợi mì.
Mì Quảng được ăn kèm với rau sống, bánh tráng mè. Ảnh: Minh Vi
Để làm ra sợi mì Quảng trứ danh không thể thiếu dầu phụng (dầu lạc). Dầu phụng phi với củ nén đập dập thơm phức và thoa lên từng lá mì. Muốn sợi mì có màu vàng hấp dẫn thì cho thêm bột nghệ.
Mì Quảng thì có mì Quảng cá lóc, mì Quảng gà, mì Quảng lòng gà, mì Quảng gà trứng non, mì Quảng tôm thịt, mì Quảng sườn, mì Quảng ếch, mì Quảng thập cẩm… nên nước dùng cũng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu, tuỳ thuộc vào loại mì thực khách yêu cầu.
Nhiều loại mì Quảng là vậy, nhưng hương vị của nó thì vẫn đặc trưng, được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon, nêm nếm đẫm gia vị, gây thương nhớ cho thực khách.
Rau dùng cho mì Quảng phải là cải vừa nhú mầm (rau cải con), rau húng lủi, rau quế xanh, xà lách và không thể thiếu hoa chuối thái mỏng. Ngoài ra, còn có ớt xanh, chanh, hành lá, bánh tráng gạo mè, nước mắm ớt được làm từ cá cơm.
Mì Quảng cũng có nhiều loại mì cho thực khách lựa chọn. Ảnh: Minh Vi
Cách trình bày cũng theo các bước chứ không phải “bỏ đại” vào tô cho xong! Người đầu bếp sẽ khéo léo cho rau sống vào trước, sau mới đến sợi mì, thịt, chan nước, tiếp đến là hành, ngò, rắc lên đậu phụng đã được rang giã nhỏ.
Nhiều thực khách lần đầu ăn tô mì Quảng không khỏi ngạc nhiên, tô mì chỉ có chút xíu nước dùng. Đấy là dụng tâm của người nấu. Không giống như phở, bún, hủ tiếu nước dùng được đổ gần ngập tô. Mì Quảng dùng rất ít nước, không bao giờ nước đổ ngập sợi mì mà chỉ xấp xấp giữa tô.
Tô mì Quảng đúng điệu trên xứ Quảng. Ảnh: Minh Vi
Trải qua bao dâu bể, tô mì Quảng vẫn thể hiện nét thân thương, hồn hậu của người dân xứ Quảng. Tô mì Quảng không sơn hào hải vị, với sợi mì vàng sóng sánh, khi ăn ta cảm nhận vị ngọt mà thanh chứ không gây ngán, thêm chút beo béo của tôm thịt, bùi bùi của bánh tráng mè.
Ngày nay, mì Quảng xuất hiện trải dài từ Bắc chí Nam, có nhiều phiên bản mì Quảng, vả chăng ít nhiều cũng đã địa phương hoá. Nhưng có hề chi, bởi sao nó vẫn mang âm hưởng xứ Quảng.
Ta cũng không thể phủ nhận, phải một lần được nếm hương vị bát mì ngay tại xứ Quảng mới cảm nhận trọn vẹn cái hương, cái vị thấm đượm tình quê.
Sau gần 2 năm “khép cửa” phòng chống dịch Covid-19, dự kiến tháng 7 tới, tỉnh Quảng Nam sẽ là địa phương đầu tiên...