Thương hoài bánh cuốn
Chắc hẳn những ai tha phương cũng từng cồn cào nhớ một món ăn thân thuộc mà chẳng cách nào tìm thấy mùi vị ở tại nơi khác. Và sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến món ăn ghim chặt mùi hoài niệm ấy trong tim tôi mỗi độ Tết về: bánh cuốn.
Xa nhà nhiều năm, cảm giác cồn cào nhớ món ăn quê với tôi mãnh liệt như cái cách người ta trông chờ vào một điều tốt đẹp trong kí ức. Từ bánh xèo vỏ, chả ram, tới bánh ít lá gai, nem chua, bánh bèo. Tất cả in hằn trong trí nhớ một thứ mùi vị gọi là hoài niệm. Và sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến món ăn ghim chặt mùi hoài niệm ấy trong tim tôi mỗi độ Tết về: bánh cuốn.
Bánh cuốn có đủ loại nhân hấp dẫn với đủ loại món ăn kèm, nhưng tựu chung thường có rau sống, thịt nướng, chả ram, trứng luộc, đậu phụ chiên.
Bánh cuốn là món ăn đặc trưng ở địa phương. Sau này vì nhiều người tha hương đem đi bán mà định danh là bánh cuốn Bình Định, để tránh nhầm lẫn với các loại bánh cuốn nóng hay gỏi cuốn trong thành phố.
Khởi nguồn của món này là bánh tráng làm bằng bột gạo, ai thích bánh dai thì có thể pha thêm bột mì. Bánh có hình tròn hoặc vuông, to bằng cái mâm, phơi khô mấy nắng, khi ăn thì nhúng vào nước cho mềm.
Bánh tráng có thể nói là thứ đồ ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình ở quê tôi. Nhiều hôm làm đồng về, chẳng kịp cắm cơm, chỉ cần nhúng cái bánh lên, chấm ăn với nước mắm, cũng đã tròn một bữa. Vì vậy ngày trước, đa số nhà nào cũng có vài ràng bánh tráng trong bếp.
Mỗi đợt giữa chạp, dân quê tôi lại lục tục tráng bánh để dành ăn Tết. Nhà nào cũng phơi phóng mấy ràng bánh trước sân cho khô, đặng đuổi kịp con nắng sót lại của tháng chạp trước khi cái lạnh tiết đầu xuân ập về. Ngoại và mẹ cũng lúi húi pha bột, tự tay tráng bánh, rải thêm mè đen, đặt lên mấy khung nứa hình chữ nhật dài rồi đem ra sân trước phơi.
Bánh cuốn với các loại nhân tùy theo sở thích và cả điều kiện của từng người, được xếp lên bánh tráng nhúng sơ nước, rồi cuốn lại
Cái nắng Bình Định hanh hao, hong khô những giọt mồ hôi nhễ nhại của ngoại và mẹ trên lưng áo. Kỉ niệm về những ngày phơi bánh, chói chang lúc nắng, tất bật thu dọn lúc mưa bất thình lình, làm tuổi thơ của tôi trở nên nhiều màu sắc.
Từ món bánh tráng đặc biệt này, người ta làm ra nhiều món cuốn đa dạng, trong đó có món bánh cuốn gắn liền với tuổi thơ tôi. Bánh cuốn có đủ loại nhân hấp dẫn với đủ loại món ăn kèm, tùy sở thích mà vô cùng đa dạng, nhưng tựu chung thường có rau sống, thịt nướng, chả ram, trứng luộc, đậu phụ chiên.
Chả ram trong bánh cuốn ở quê tôi cũng không giống với nơi khác. Nhìn thì tưởng chả giò, nhưng bánh gói là loại bánh mặn, cắt hình tam giác, chỉ bán ở địa phương, nhân là giá búp (giá vừa mọc mầm chưa lâu, ngắn tầm 1 cm), cùng hành tím băm nhỏ và tiêu đen. Nhà nào “sang” hơn thì có thêm tôm đất, nấm mèo cắt sợi. Riêng những năm chín mấy bữa no lo bữa đói, thì chỉ cần giá búp tự ươm từ hạt đậu xanh, đã đủ khiến mọi người trong nhà tranh nhau từng cuốn.
Món bánh cuốn đơn giản của mẹ trở thành nỗi nhớ, là món "tủ" mang theo của tôi trên nẻo đường trưởng thành...
Xếp tất cả nguyên liệu chế biến sẵn lên bánh tráng đã nhúng sơ nước, cuộn lại như gỏi cuốn, chấm kèm với nước mắm đậu phộng thì ngon miễn bàn.
Cuốn bánh to bằng bắp tay trẻ con, dài hơn gang tay người lớn, đủ loại hương vị hòa trộn, ăn vừa no lại dễ chế biến, lâu dần trở thành thứ đồ ăn sáng thân thuộc mẹ hay chuẩn bị cho chị em tôi. Tôi ăn bánh cuốn từ ngày chưa biết chữ, tới khi đã là cô cử nhân, vẫn cứ mãi thòm thèm chẳng bao giờ chán.
Có những hôm mệt nhoài về tới gác trọ, đặt lưng xuống giường, chỉ ước được nhúng cái bánh tráng, quấn thêm mớ rau, quả trứng luộc, chấm đầy tràn nước mắm đậu phộng, là đủ thổi bay những lo toan được mất. Nhưng chỉ là chẳng hiểu sao lần nào tôi làm món này cũng không giống hương vị mẹ chế biến. Cảm giác thiếu thiếu gì đó cứ cồn cào trong dạ, nhớ da nhớ diết. Thế nên, chỉ cần có dịp về quê ngày Tết là tôi lại năn nỉ mẹ làm lại món bánh cuốn cho thỏa cơn thèm.
Lâu dần, bánh cuốn trở thành món Tết “đặc biệt” ở nhà tôi, chuyên để dành cho đứa con út xa quê được nếm lại vị gia đình thân thuộc. Tôi hay tếu táo, nhắc mẹ cuốn sẵn mấy cái một lần để ăn “cho đã”, bởi còn phải ăn bù tích trữ cho cả một năm đằng đẵng sắp tới. Mẹ nghe thế chỉ biết mắng yêu, rồi lại lọ mọ chuẩn bị.
Nhìn lưng mẹ trĩu còng mà mắt tôi chợt nóng hổi. Vừa ăn bánh cuốn, tôi vừa xót xa nghĩ, chẳng biết còn được ăn nó bao nhiêu cái Tết nữa? Mấy cuốn bánh cứ như que tính đếm ngược của bọn nhỏ tiểu học, rút ngắn thời gian bên mẹ mỗi độ xuân về của tôi.
Giữa tháng Chạp quê tôi, nhà nhà lại tráng bánh để dành ăn Tết. Ảnh: TNMT
Nhớ năm 2021, khi thành phố trải qua biến cố nặng nề từ dịch COVID-19, tôi lại âm ỉ thương mẹ, thương hoài những cuốn bánh. Ngày ấy, trước giờ giăng rào phong tỏa, mẹ gửi cho tôi một thùng xốp đựng cơ man là đồ ăn. Tôi lầm lũi ra bến xe miền Đông, nhọc nhằn chở về tới phòng trọ. Mở ra, thấy chen chúc là mớ bánh gói chả ram và ràng bánh tráng phơi sương để làm bánh cuốn.
Mẹ nói mẹ gửi mỗi thứ một ít, có bao nhiêu đâu. Vẫn những câu nói cho qua chuyện của mẹ, mà lần nào cũng làm tôi chảy nước mắt vì thương. Món bánh cuốn được mẹ gửi nguyên liệu từ quê vào, đồng hành cùng tôi qua mấy tháng cách ly đầy sợ hãi khi nghe tiếng còi y tế, trở thành một thức ăn chứa kỉ niệm và tình thương vô bờ của mẹ từ vùng núi xa xôi.
Có lẽ bởi vì gắn liền với những lần sum họp ngày Tết, mà bánh cuốn trở thành một hương vị yên bình trong tim, giúp tôi thêm vững tin về một ngày mai tươi sáng..
Có lẽ trong đời ai cũng có thứ gì để nhớ. Một kỉ niệm, một cái tên, một điểm đến,..
Riêng tôi, trong những ngày dài cố chen một chỗ đứng tại mảnh đất Sài thành, lòng lại đau đáu nhớ món bánh cuốn mẹ làm dịp Tết - thứ đồ ăn cuộn trong mình bao loại nguyên liệu, thân thuộc nhất là gia vị của sự yêu thương.
Và cũng có lẽ, giờ này, nó đã chẳng đơn giản là một món ăn nữa rồi.
Tết, má tôi ít khi làm mứt. Má tôi làm bánh dẻo. Bánh dẻo của má tôi có hai loại, cả hai đều trong trong nhưng một loại...