Tìm về tuổi thơ trên ốc đảo bình yên
Ở cái chốn mà con vàng, con vện gặp khách lạ chẳng thèm sủa, cứ le te chạy ra ve vẩy “bắt chiện mần quen” thì quả thật, gọi “Ốc đảo bình yên” cũng không ngoa chút nào.
Chuyến phà ngược xuôi đưa bà con qua lại giữa đôi bờ Phước Vinh – Long Hưng, bà con gọi quen là đò Bà Trầm.
Lần này, chúng tôi gửi xe lại trên bờ rồi bắt chuyến đò ngang chạy thẳng một mạch sang sông, nhanh gọn lẹ.
Chỉ khoảng mươi – mười lăm phút tùy con nước là đò cặp bến, biết chúng tôi lại sang chơi, dì Tư niềm nở ra tận cầu tàu đón tiếp ân cần.
Giữa dòng Cổ Chiên tự bao đời, nổi lên cái doi đất thuôn thuôn, dài chưa tới 3 cây số, chỗ rộng nhất chừng hơn 500m, bà con gọi là Cồn Chim. Nơi 6 tháng mặn – 6 tháng ngọt theo con nước đó thuộc ấp Cù lao Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Tôi lại thích gọi “Ốc đảo bình yên” hơn bởi cái cách làm du lịch miệt vườn mộc mạc, chân tình của bà con.
Cồn Chim chỉ cách trung tâm TP Trà Vinh hơn chục cây. Đường đi rất dễ, bạn cứ nhắm hướng sông Cổ Chiên, hỏi đường ra bến đò Bà Trầm hay phà Phước Vinh – Long Hưng. Đến bến phà, bạn có thể gửi xe lại rồi lên đò nhỏ băng qua Cồn.
Hoặc nếu thích đem xe qua cồn luôn thì cứ phi thẳng xe lên phà; cách này phải lụy phà 2 chuyến sang sông. Qua tới bờ Long Hưng, chỉ cần quẹo phải, chạy thêm chừng cây số rưỡi, có đường nhánh rẽ vào cái phà nhỏ nữa để băng qua Cồn Chim.
Sau đó cứ thong thả trên con đường tráng bê tông sạch đẹp, hai bên muôn hoa đua nở là tha hồ bon bon vãng cảnh quê sông nước hữu tình.
Bảng sơ đồ với các điểm tham quan trên Cồn rõ ràng, rành mạch; tại điểm này bạn cũng có thể thuê xe đạp rất tiện lợi.
Thong thả đạp xe băng qua những đám ruộng mơn man mạ non, con đường sạch sẽ muôn hoa đua sắc thì còn gì thú vị bằng.
Theo tôi, di chuyển trên Cồn bằng xe đạp thú vị hơn nhiều, đoạn đường sẽ kéo dài thêm vài chục phút, tha hồ ngắm cảnh. Ngay tại đầu bến, qua khỏi cổng chào có chỗ cho bạn thuê xe đạp với giá vô cùng hợp lý. Xong bạn cứ tà tà trên con đường độc đạo thẳng tuột, vài đoạn chẻ nhánh xương cá, khi thì băng qua vuông tôm, đầm cá, ao cua, lúc thì mênh mang ruộng lúa thoang thoảng hương đồng cỏ nội.
"Về Cồn Chim - Người quê chỉ có tấm lòng", câu slogan mộc mạc đón chào du khách
Cũng hơi tiếc, nhằm lúc mùa lúa chưa vào vụ nên thời điểm này chỉ lác đác vài mảnh ruộng bà con đang cấy mạ non. Thay vào đó, khung cảnh lại nổi bật bởi những hàng dừa nước, dừa lửa đong đưa tàu lá gọi mời. Thế nên, chỉ cần thả nhẹ vài vòng pedal đã giáp vòng, cuộc dạo chơi vừa dứt, cuộc vui khác lại ào ào “rượt” đến.
"Dzui dễ sợ anh ơi, bao kỷ niệm tuổi thơ ùa về", gia đình anh Thông - chị Thủy chưa kịp dứt hơi sau màn rượt đuổi của trò chơi u, chơi keng chuyển liền qua nhảy cò cò, hồ hởi chia sẻ.
Các bạn nhỏ thôi thì khỏi nói, buông liền điện thoại, Ipad ùa vào thử sức ngay và luôn.
Một vé trở về tuổi thơ mà giờ đây chốn thị thành hiếm nơi nào còn bắt gặp.
Hòa vào cuộc vui trẻ thơ thuở nhỏ khiến các vị khách nồng nhiệt hưởng ứng.
Trò ném lon cũng hấp dẫn các bạn nhỏ thử sức. Được mọi người cổ vũ, bạn nữ vung tay ném không trượt lưới phát nào.
Cả khoảnh sân rộng huyên náo, hò reo. Tốp bên này “cá sấu lên bờ”, rượt nhau rôm rả, chỗ kia thì lò cò, nhảy dây hào hứng không kém. Góc khác, các anh lớn đang thi nhau ném lon; bất phân thắng bại, lại chuyển qua phóng phi tiêu thi đấu tiếp. Các bạn nhỏ hơn thì “tù xì” chia đội, bắt cặp nhau chơi keng, chơi u, “vật” nhau vã hết mồ hôi mãi vẫn chưa chán.
Tại trường đua sát bên, mọi người rộn ràng “chiêng trống” cổ vũ các VĐV "thể hình" cắp càng lách cách, lạch cạch chạy đua khí thế.
Tại đây còn dựng sẳn một sân đua dành cho các vận động viên "thể hình" thi đấu. Cách thức đăng kí tham dự từ dễ đến khó, sát sao từng lạng một. Phải qua các vòng Sơ tuyển, sát hạch kỹ càng, tỉ như: các VĐV phải đủ 8 cẳng 2 càng, càng bên to bên nhỏ cũng đều bị loại v.v..
Vận động viên trong các tư thế sẳn sàng vô cùng khác nhau cho cuộc nước rút sắp sửa diễn ra.
Tại đường đua số 2, VĐV với cặp càng khủng như Lý Đức (VĐV thể hình) sau màn vượt lên "nhanh như chớp" bỗng dưng tấp sát vào biên nhất định không chịu chạy tiếp. Thật đáng tiếc cho vị chủ nài với thùng bia tưởng chừng đã cầm chắc trong tay.
Và tất nhiên VĐV "thể hình" số 2 với cỡ size khoảng 1/4 đáy thùng sơn nước sẽ được tuyển chọn lên dĩa trước tiên, trông thật hấp dẫn.
Cuộc đua diễn ra xôm tụ, các chủ nài đặt cược hò reo, khán giả bên ngoài cũng ủng hộ không kém. Tiếng đập thùng, gõ lon tưng bừng, khí thế. Kết cục, sau màn cắp càng đua đến xệ cẳng từ vòng loại, bán kết, rồi chung kết; các đấu sĩ đều được vinh dự tuyển chọn lên mâm cho bữa trưa thịnh soạn tại không gian Bếp Xưa gần sát bên.
Được chú mực niềm nở chào đón như đã quen nhau tự lâu lắm như vầy thì chắc chắn rằng, du khách sẽ ghé lại không chỉ một lần.
Ngang Bếp xưa nhà chị Vân, bầy cún thấy khách lạ đến chơi, kéo ra ve vẫy đuôi chào đón thân thiện. “Mắc cưng ghê nơi”, Nguyệt Cầm vừa nựng vừa ve vuốt cậu vàng, tí tởn khen.
Thế nên, ở cái chốn mà con vàng, con mực gặp khách lạ chả thèm sủa, cứ le te sán tới mần quen thì quả thật, gọi “Ốc đảo bình yên” không ngoa chút nào.
Món bánh lá do chính tay các vị khách tự làm, trông hấp dẫn không kém mâm bánh ngoài chợ.
“Muốn ăn phải lăn vào bếp, vừa thực hành làm bánh vừa thưởng thức món ngon do chính tay mình làm thì còn gì thú vị bằng. Mâm bánh lá rộn rã sắc màu hấp dẫn, chấm với sốt nước dừa mỡ hành, ôi chao ngon tuyệt”, Hùng Khoa tấm tắc khen mãi.
Bánh lá được khéo léo dàn đều trên lá dừa chờ đưa vào nồi hấp là xong.
Nguyên liệu làm đơn giản và dễ; bột gạo hòa với lá dứa cho ra màu xanh, hoa đậu biếc cho màu hồng phớt, vàng của bột nghệ, đen của lá gai... trông vô cùng ngon mắt.
Món bánh lá trông vậy mà thực hành cũng không dễ ngay được, em phải trầy trật vài đợt mới được gọn gàng, vừa ý, Xuân Dung chia sẻ.
Bà con trên “Ốc đảo” có cách làm du lịch khá hay; mỗi nhà nấu một món, xong gom lại mâm chung đãi khách. Tất cả đều là cây nhà lá vườn tại chỗ, rau hái sau hè, ốc ngoài bãi bồi, tôm cua vớt dưới ao, cá thì thả câu, giăng lưới ngoài bến sông, heo gà cũng tự cung tự cấp nốt.
Đặc biệt, bạn không thể bỏ qua lớp ngắn hạn thực hành tại chỗ các món bánh miền quê dân dã tại đây. Nhất là món bánh lá vô cùng hấp dẫn và ngon khó cưỡng, hiếm khi có dịp thưởng thức tại chốn thị thành.
Ở một miền quê mộc mạc chân tình, bên mái lá đơn sơ tí tách ngọn lửa reo vui, quyện hương gạo mới, những nhọc nhằn đời thường dường như tan biến.
Đi để đến Ốc đảo Cồn Chim và chia tay để ngày khác quay trở lại, nhất định thế.
Dịp cuối tuần, tạm gác lại nhộn nhịp đời thường, từ Sài Gòn bắt xe “đò” hoặc thong thả hơn, bạn cứ phom phom xe máy chỉ khoảng 130 cây số; chợt nghĩ thôi đã thấy quảng đường rời phố thị ồn ào đến ốc đảo bình yên chỉ trong thoáng chốc.
Đến ốc đảo Cồn Chim để sống chậm vào dịp cuối tuần, để hòa vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành thì còn gì tuyệt thú bằng, phải không ạ?
Hẹn bạn đọc chuyến tiếp theo sẽ đi “Đốt đuốc lá dừa xem tuồng cổ” nhé!