Món "trứng cá muối" lâu đời của Mexico có nguy cơ thất truyền

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những cư dân Aztec từng “cuồng” món "trứng cá muối Mexico" đến mức chọn là đặc sản dâng lên nhà vua và thánh thần, thậm chí lấy luôn tên làm vương hiệu cho hoàng đế thứ 6 ở kinh đô Tenochtitlán.

Được mệnh danh là “món trứng cá muối (caviar) phiên bản Mexico” với hương vị đậm đà và tinh tế, món trứng của loài bọ nước có tên “ahuautle” từng là món ăn quan trọng của cư dân ở Thung lũng Mexico. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại đang đe dọa truyền thống ẩm thực đã tồn tại ít nhất từ thời đế chế Aztec này.

Thông thường trứng cá muối được làm từ cá tầm ở biển Caspi, nhưng món này của Mexico bắt nguồn từ một loài côn trùng thủy sinh thuộc họ Corixidae, còn được gọi là “bọ thợ thuyền” vì thân hình dài và dẹt, với 4 chân sau lớn hình mái chèo.

Món "trứng cá muối" lâu đời của Mexico có nguy cơ thất truyền - 1

Ahuautle, được gọi là "trứng cá muối Mexico", được thu hoạch từ lá thông ở hồ Texcoco, gần thành phố Mexico. Ảnh: Suntimes.

Những cư dân Aztec (thế kỷ 14 đến thế kỷ 16) từng “cuồng” món này đến mức chọn là đặc sản dâng lên nhà vua và thánh thần, thậm chí lấy luôn tên làm vương hiệu cho hoàng đế thứ 6 ở kinh đô Tenochtitlán.

Quanh một hồ nước nông ở thị trấn Texcoco thuộc vùng ngoại ô thủ đô Mexico City vẫn còn một số ít nông dân nuôi cấy trứng của loài bọ này làm thức ăn, trong đó có ông Juan Hernández.

Người nông dân 59 tuổi là một trong 6 người được ghi nhận là vẫn còn nuôi trồng ahuautle, ít nhất là ở khu vực miền Trung Mexico. Với phương châm giữ gìn truyền thống, ông Hernández cho biết nuôi trồng ahuautle là một công việc vất vả và bẩn thỉu mà ít ai dám làm.

Suốt mùa mưa kéo dài từ tháng Sáu đến tháng Chín, ông Hernández đội mũ, mặc áo dài tay, quần cộc và đi ủng cao su lội xuống Nabor Carrillo - một hồ nước nông nhân tạo được tạo ra ở vùng khô hạn của Texcoco - để thu gom những cành thông đã được chôn xuống đáy hồ từ một tuần trước và cho lên một chiếc bè tạm.

Bọ nước thường bám vào cành cây và đẻ trứng ở đó. Dưới cái nắng gay gắt và tiếng của hàng trăm con chim di cư đến hồ Nabor Carrillo, người nông dân tập trung ở những vùng bờ hồ nhiều muỗi nhất, đó là mẹo vặt ông đã học được từ khi còn trẻ, tham gia cùng hơn 50 cư dân thị trấn nuôi cấy ahuautle.

Sau gần 2 giờ thu hoạch, ông Hernández đem những cành thông với hàng nghìn quả trứng côn trùng lên bờ hồ phơi khô. Quá trình này có thể mất vài giờ hoặc vài ngày tùy vào thời tiết. Sau đó người nông dân sẽ dùng tay vò cành thông để trứng rơi xuống một tấm vải, tiếp đó sàng trứng thật kỹ để làm sạch và cho vào túi đem bán.

Món "trứng cá muối" lâu đời của Mexico có nguy cơ thất truyền - 2

Một bát ahuautle tại một nhà hàng ở Iztapalapa, gần Mexico City. Ảnh: Suntimes.

Tuy nhiên, truyền thống này đang bị đe dọa mai một dần. Theo Tiến sỹ Jorge Ocampo, điều phối viên về lịch sử nông nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Công nghệ, nguyên nhân chính là do hạn hán khiến hồ Texcoco, một hồ nước mặn, nông từng bao phủ hầu hết nửa phía Đông Mexico City khô cạn, cũng như hiện tượng di dân.

Sở hữu một nhà hàng ở thành phố Iztapalapa ở phía Đông thủ đô, ông Gustavo Guerrero cố gắng bảo tồn truyền thống ẩm thực của tổ tiên bằng cách sáng tạo món bánh rán tortita với trứng côn trùng trộn cùng trứng và vụn bánh mì, dùng với nước sốt màu xanh lá làm từ cà chua tomatillo, xương rồng và hoa bí.

Ông chủ nhà hàng 61 tuổi cho biết món ăn này gợi nhớ tuổi thơ với hương vị được kế thừa từ nhiều thế hệ trong gia đình.

Tuy nhiên, ông Guerrero thừa nhận món “trứng cá muối Mexico” có nguy cơ mai một vì thế hệ trẻ không biết nhiều về món ăn này và ngày càng ít người nuôi cấy côn trùng. Ahuautle cũng có nguy cơ trở thành món ăn đắt đỏ chỉ ít người tiếp cận được, vì giá 1 kg trứng hiện đã lên tới 50 USD.

Món "trứng cá muối" lâu đời của Mexico có nguy cơ thất truyền - 3

Một người đàn ông gom nhặt ahuautle - trứng của một loại bọ nước - trên hồ Texcoco gần thành phố Mexico. Ảnh: Suntimes.

Từ nhiều thế kỷ nay, côn trùng đã là một phần trong thực đơn của người Mexico. Theo ông Edday Farfán, nhà côn trùng học, giảng viên tại trường Đại học Tự trị Quốc gia (UNAM), Mexico đã ghi nhận hơn 430 loài côn trùng ăn được.

Những cư dân cổ xưa ưa chuộng côn trùng vì đây là nguồn chất đạm dễ kiếm hơn so với các loài động vật có vú lớn. Ông Farfán nhận định, mặc dù được ghi lại trong lịch sử và sách dạy nấu ăn, nhưng không có gì đảm bảo món ahuautle sẽ tiếp tục tồn tại.

Theo chuyên gia này, thức ăn từ côn trùng vẫn mang tiếng là món “nhà quê,” đôi khi là “món con nhà nghèo”, khiến người dân, đặc biệt là giới trẻ, không có hứng thú với các món ăn này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.