Hai món lạ miệng tại quán Biệt động Sài Gòn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đến quán cà phê từng là nơi hoạt động của Biệt động Sài Gòn, thực khách có thể thử bánh quẩy chấm cà phê và cơm tấm kim chi.

Bánh quẩy chấm cà phê, món ăn sáng quen thuộc của nhiều người dân Sài Gòn cách đây mấy chục năm, nay xuất hiện tại Đỗ Phủ, quán cà phê nằm cuối đường Đặng Dung (Quận 1).

Bánh quẩy sử dụng trong món ăn đặc ruột, gần giống với loại bánh mà người Hoa khi xưa hay dùng với cháo trắng. Còn cà pha đen khi pha sẽ quét lớp bơ Pháp vào phin. Khi nước sôi nhỏ xuống ly, mang theo hương vị thơm ngậy của bơ hòa vào cà phê nguyên chất. Đây cũng là cách làm của người Sài Gòn xưa, ngoài ra có thể thêm sữa đặc.

Anh Trần Vũ Bình, chủ quán chia sẻ, mỗi khi nhâm nhi cà phê cùng bánh quẩy dân dã thì những tiếng rao "Ai bánh quẩy đây" lại hiện về trong anh. Bánh quẩy gắn liền với cuộc sống mưu sinh tất bật của người lao động và giới trí thức Sài Gòn một thời chuộng quẩy chấm cà phê. "Tôi trân trọng. giữ gìn kỷ niệm này. Mỗi khi có khách đến quán, tôi đều gợi ý họ dùng thử và giới thiệu về lịch sử của món ăn", anh nói.

Hai món lạ miệng tại quán Biệt động Sài Gòn - 1

Cà phê được pha phin truyền thống thêm một lớp bơ mỏng. Loại thìa nhôm quán sử dụng được chủ quán sưu tầm vì nay không còn sản xuất mới.

Cà phê được pha phin truyền thống thêm một lớp bơ mỏng. Loại thìa nhôm quán sử dụng được chủ quán sưu tầm vì nay không còn sản xuất mới.

Món ăn gợi ý cho bữa trưa là cơm tấm "Đại Hàn", gồm sườn non, trứng, bì chả như thông thường nhưng có thêm kim chi. Chủ quán hướng dẫn, thực khách dùng đũa ép cho nước kim chi chảy ra ngoài, sau đó rưới lên cơm tấm, ăn cùng rau muống bóp thấu chứ không nên trộn lẫn vào nhau. Đây được cho là cách ăn của những người lính ở tại cư xá công binh Đại Hàn, trước kia ở đối diện cửa quán. Tên của món ăn cũng bắt nguồn từ đây.

Cà phê bánh quẩy có giá 40.000 đồng, cơm tấm kim chi 45.000 đồng, các thức uống khác có giá trung bình 35.000 đồng. Nếu thực khách gọi món thêm như sườn, bì, kim chi thì thêm 5.000 - 35.000 đồng. Quán mở cửa từ 7h đến 22h mỗi ngày.

Hai món lạ miệng tại quán Biệt động Sài Gòn - 2

Cơm tấm với kim chi và rau muống thấu có vị chua chua, cay cay khác biệt so với cơm tấm thường ngày ở Sài Gòn.

Cơm tấm với kim chi và rau muống thấu có vị chua chua, cay cay khác biệt so với cơm tấm thường ngày ở Sài Gòn.

Quán cà phê nằm trong ngôi nhà cổ, do vợ chồng ông Đỗ Miễn xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Thời kỳ ấy, bên ngoài vợ chồng ông bán cơm tấm cho những người lính Đại Hàn (Hàn Quốc) sang tham chiến, ở cuộc chiến tranh Việt Nam. Thực chất bên trong là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn, dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai, để trú ẩn, giao liên, hội họp, giao nhận tài liệu, thư từ giữa lãnh đạo với cán bộ nằm vùng trong thời chiến.

Sau này, vợ chồng ông Đỗ Miễn giao quyền quản lý cho anh Trần Vũ Bình, con trai ông Trần Văn Lai. Tên Đỗ Phủ hiện nay được lấy từ họ của ông Đỗ Miễn và "phủ" nghĩa là nhà, tức nhà của ông chủ họ Đỗ. Ngoài việc gìn giữ và kinh doanh, anh Bình âm thầm tìm kiếm, sưu tầm thêm những kỷ vật của biệt động Sài Gòn năm xưa.

Hai món lạ miệng tại quán Biệt động Sài Gòn - 3

Quán cà phê kiêm quán ăn tên Đỗ Phủ thu hút thực khách bởi lối kiến trúc nhà gỗ khác biệt, có treo cờ giải phóng. Ảnh: Tâm Linh

Quán cà phê kiêm quán ăn tên Đỗ Phủ thu hút thực khách bởi lối kiến trúc nhà gỗ khác biệt, có treo cờ giải phóng. Ảnh: Tâm Linh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo Thanh Thu (Vnexpress)

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.