Độc đáo món ngon làm từ trám nếp đen xứ Nghệ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những cây trám nếp xanh tốt mỡ màng trên khắp xứ Nghệ cho quả chín đen no tròn, ú múp. Khi kết hợp chúng với các nguyên liệu khác sẽ tạo thành món ngon không thể chối từ.

Khu vườn của ông Lê Văn Hải tại xóm Châu Nam, xã Tân Hương (huyện Tân Kỳ) có trồng 15 cây trám nếp đen liên tiếp ra quả 3 năm nay. Hiện mới vào mùa chỉ được một tháng nhưng các cây trám nếp đen đã cho sản lượng gần 2 tạ với giá khoảng 70.000-80.000 đồng/kg, giúp gia đình ông thu về gần 12 triệu đồng.

Độc đáo món ngon làm từ trám nếp đen xứ Nghệ - 1

Ông Lê Văn Hải giới thiệu những cây trám nếp đen trong vườn nhà mình.

Trám nếp đen là loại cây dễ trồng thích hợp với vùng đồi núi. Do quả trám nếp rất khó hái nên thông thường, chủ vườn sẽ dùng khâu liêm tra vào đầu sào rồi đứng dưới gốc thọc lên nhánh cây và rung sào cho quả rụng xuống lưới hay tấm bạt bên dưới.

Độc đáo món ngon làm từ trám nếp đen xứ Nghệ - 2

Những quả trám nếp đen ngon mắt được thu hoạch từ vườn nhà ông Hải.

Lão nông Đặng Thanh Long, nay đã 89 tuổi, trú xóm Kỳ Nam, xã Kỳ Sơn (huyện Tân Kỳ) cho hay, cây trám nếp đen được trồng nhiều trên địa bàn các xã Nghĩa Hành, Kỳ Sơn, Nghĩa Dũng, Kỳ Tân, Phú Sơn, Tân Hương… của huyện Tân Kỳ.

Trước đây, trám nếp đen là loại cây mọc tự nhiên, thường chỉ được trồng ở vùng đồi núi để lấy gỗ hoặc quả làm thực phẩm dân dã cho bữa ăn hàng ngày. Tùy theo đất tốt xấu, khoảng 6 đến 8 năm, cây trám nếp đen sẽ cho thu hoạch. Khi chín, quả trám nếp có màu đen, vị bùi, thơm xen lẫn chát nhẹ, được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như om thịt, kho cá, đồ xôi… Người dân thường thu hoạch quả trám vào các tháng 7 và 8 Âm lịch.

"Để chế biến các món ăn từ quả trám nếp thì khâu lựa chọn quả cũng rất quan trọng. Thông thường, người ta chọn những quả thon dài hai đầu, dày thịt, sờ thấy cứng, da phấn và mịn, không bị nhăn nheo hay bị rộp", cụ Long cho hay.

Độc đáo món ngon làm từ trám nếp đen xứ Nghệ - 3

Tại chợ Sa Nam (thị trấn Nam Đàn), người dân bán quả trám nếp đen với giá 80.000 đồng/kg.

Trong các món ăn được chế biến từ quả trám nếp, đầu tiên phải nói đến món trám nếp đen om. Chỉ cần đun sôi nước 60-70 độ C rồi cho thêm chút muối và quả trám nếp vào đậy kín. 30 phút sau, bóp thấy quả mềm thì vớt ra, để ráo, bổ dọc lấy hạt.

Khi ăn, có thể chấm "trám om" cùng chẻo - món ăn được chế biến từ đậu phộng (lạc) giã nhỏ, thêm đầy đủ các gia vị như sả, tỏi, tiêu, bột canh, đường và mật mía cùng với nước đun sôi nhỏ lửa.

Trám nếp đen chấm chẻo là món ăn vừa bùi, vừa béo. Ngoài ra, món trám nếp đen om còn có thể chấm cùng nước tương gạo, nước thịt kho tàu, tương Nam Đàn… Nếu muốn giữ trám được lâu, lúc om có thể thêm vào nhiều muối. Khi nguội, đem trám cất vào tủ mát để dành ăn dần.

Bà Trần Thị Nga (trú tại thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) - chuyên gia chế biến các món ăn từ quả trám - chia sẻ, món trám nếp đen khi om với thịt ba chỉ cũng làm nên một thứ mỹ vị khó cưỡng.

Thịt lợn ba chỉ đem rửa sạch, cắt vừa ăn rồi ướp gia vị khoảng 30 phút. Sau đó, cho thịt vào chảo nóng, xào cùng chút hành khô băm nhỏ đã phi thơm khoảng 30 phút. Khi thịt săn, cho khoảng một lít nước dùng vào chảo rồi đậy nắp đun lửa vừa khoảng 10 phút. Riêng quả trám nếp đen đem ngâm vào nước ấm (70 độ C) khoảng 30 phút, sau đó vớt ra, cho vào kho cùng thịt khoảng 30 phút rồi tắt bếp.

Khi thưởng thức, nhớ thêm chút hạt tiêu lên trên món ăn để hương vị thêm đậm đà, thơm nức mũi. Miếng thịt nâu bóng. Quả trám nếp đen mềm, bùi, béo mang hương đặc trưng của núi rừng Tân Kỳ. Món ăn được phủ trong phần nước xốt sền sệt, khi ăn cùng cơm nóng thì còn gì bằng.

Độc đáo món ngon làm từ trám nếp đen xứ Nghệ - 4

Tô trám nếp đen om thịt với nhiều màu sắc bắt mắt.

Ông Lữ Đức Hòa - chuyên gia ẩm thực 68 tuổi tại thị trấn Nam Đàn - cho biết thêm, người dân địa phương cũng rất ưa chuộng món trám muối. Sau khi rửa sạch, quả trám nếp được ngâm trong nước muối khoảng hai giờ rồi vớt ra để ráo nước. Cho ít muối vào nồi nước đun sôi ở nhiệt độ 70 độ C rồi cho quả trám vào, đậy kín vung trong vòng 30 phút.

Tiếp đó, đổ quả trám ra rổ cho ráo rồi lại cho quả vào một chiếc bình có nắp. Sau cùng, đổ nước muối đã đun sôi để nguội tầm 80 độ C ngập trám và đậy kín nắp. Vậy là xong món trám muối có thể dùng để ăn với cơm cả năm.

"Hiện nay, quả trám nếp đen trở thành món đặc sản hấp dẫn, được nhiều người dân từ khắp các địa phương tìm mua. Mùa trám nếp đến và đi vội vàng. Hãy tranh thủ cùng nhau thưởng thức các món ăn được chế biến từ quả trám nếp thơm ngon, hoặc mua về làm thức quà biếu đặc sắc cho những người thân xa quê", ông Hòa chia sẻ.

Ngày nay, các món ăn chế biến từ quả trám nếp không chỉ bó hẹp trong bữa ăn gia đình của cư dân vùng cao Nghệ An. Tất cả đã trở thành những món ăn "thương hiệu" phục vụ du khách trên bước đường tìm hiểu, khám phá văn hóa ẩm thực đặc sắc của miền hoang sơ phía Tây xứ Nghệ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tiên Sa

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.