Đậu hũ nhớ thương

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trên đời này, thứ gì tượng trưng cho sống chậm chỉ có thể là ăn đậu hũ. Vừa thong thả mà lại thanh cảnh, chậm rãi từ người bán cho đến khách ăn.

1. Một lần, bạn bè hai thứ tóc có dịp ngồi với nhau, chuyện lan man quay về ngày thơ ấu, trong đó chén đậu hũ và cục đường tán một thời là nỗi thèm thuồng của tuổi thơ, tuổi mới lớn, khi cơ thể cần chất ngọt và thường trực nỗi thèm ngọt.

Nhắc lại để nhớ, cái thời, cục đường tán là món quà quê nghèo khi mẹ đi chợ về, lục giỏ, thấy có gói đường, mở ra, nhón một cục nhưng chỉ dám bẻ một góc bỏ vô miệng. Mẹ mua về với nhiều mục đích chứ đâu phải để… phung phí “ăn sống”.

Có bạn kể, hồi đó, thức khuya học bài thèm ngọt, xuống bếp mở chạn lấy cục đường tán không dám cắn vì sợ ngoại biết mà chỉ… mút một chút cho qua cơn buồn ngủ. Mỗi đêm như thế, cục đường tiêu tán dần dần, tất nhiên ngoại biết nhưng chẳng bao giờ nói. Cục đường tán hồi đó dạng như hột xoài nhỏ, có hai màu đậm và nhạt, ngoài nhiệm vụ làm nguyên liệu kho cá, thắng màu, nấu chè… còn là cục kẹo của trẻ con.

Trong giỏ của mẹ, có hôm còn là cái bánh tráng nướng. Lại thêm một món quà quê đặc biệt mà phải chờ thắp nhang ông Địa xong mới được ăn. Hai món này đi kèm với nhau là bởi trước đó, trong nhà có ai làm mất món gì như: chìa khóa, những thứ vặt vãnh tìm mãi không ra  thì mẹ sẽ cầu cứu ông Địa. Hay làm sao, món đồ tìm thấy và cái bánh tráng kèm tán đường là món quà “trả ơn”. Đừng nói chuyện tâm linh nghe to tát, chỉ là một “luật chơi”, bất thành văn, vui vui mà thôi!

Từ tán đường, câu chuyện chuyển sang chén đậu hũ, món ăn vặt giấc xế. Thật khó quên từ tiếng rao cho đến cảm xúc khi bưng chén đậu trên tay và hít hà mùi gừng của nước đường, mùi đậu non, thơm nhẹ nhàng, ấm áp.

Đậu hũ nhớ thương - 1

Một đầu gánh là cái khạp sành đựng đậu hũ, được bao một lớp vải dày, đặt trong cái giỏ tre; ngoài nắp đậy, còn một lớp vải để giữ nóng. Một đầu gánh là cái “kệ gỗ”, bên trên úp chén, ngăn giữa có xoong đường, dưới cùng là thau nước và các thứ linh tinh khác… Theo thời gian, gánh đậu hũ nhẹ dần, khạp sành được thay bằng bình nhựa giữ ấm, đầu kia là cái rổ, thau nước, bên trên có cái mâm…

Trên đời này, thứ gì tượng trưng cho sống chậm chỉ có thể là ăn đậu hũ. Vừa thong thả mà lại thanh cảnh, chậm rãi từ người bán cho đến khách ăn.

Thả đòn gánh xuống đất, bà bán hàng không vội, lấy cái nón trên đầu xuống quạt vài cái cho mát, không chỉ là thói quen mà còn là “để thở” chút xíu mới bắt tay múc chén đậu cho khách. Giở cái nắp, bà cũng chưa múc đậu nếu thấy có lớp nước bên trên. Lấy cái chén, bà gạt nước cho vào chén. Nước này sẽ bỏ đi, nhưng có thể ai đó thích dùng. Nước trong, không vị nhưng thơm dậy mùi đậu non, lá dứa…

Vài ba gạt đậu hủ là đầy chén, cho dù sẽ múc tiếp chén nữa vì có nhiều khách đang chờ, thế nhưng quen tay bà bán hàng phủ tấm vải lại. Một muỗng đường thắng màu vàng trong, huyền phù những sợi gừng giã nhỏ thành một chén đậu hũ thơm nồng. Sống chậm là đây, không phải vì đậu nóng mà bởi nó mỏng mảnh, thanh tao, cảnh vẻ quá, khiến cho khách phải nhẹ nhàng, chậm rãi tận hưởng chút một cho bằng hết vị ngon.

2. Hồi mới vào Sài Gòn, ăn chén đậu hũ, có nước cốt dừa và hỗn hợp nước đường có gừng, lợn cợn những hạt bột lọc, tôi không quen, thấy nó nhàn nhạt, beo béo không như chén đậu hũ quê mùa ngày còn bé.

Buổi sáng, đi bộ ra công viên Gia Định, lúc quay về, tôi thường ngần ngừ, không biết nên bước đi hay dừng lại bên xe đậu hũ, kéo cái ghế, ngồi chờ chén đậu đưa đến tận tay. Nếu không thích cốt dừa và bột lọc tôi có thể yêu cầu bà hàng gạn cho tôi phần nước đường với gừng thôi, nhưng cái ngần ngừ còn bởi, thứ nhất, ngày nào cũng ăn một chén đậu hũ có đường chưa chắc đã tốt với lứa tuổi của tôi, mà không đường hay ít đường thì còn gì hương vị chén đậu hũ!

Đậu hũ nhớ thương - 2

Thứ nữa, tôi cảm giác nước đường có bột lọc đã làm giảm đi ít nhiều vị ngon và không thanh như nước đường chỉ có gừng. Nhưng tôi đâu còn chọn lựa nào khác khi bà bán hàng nói: “Ở đây khách thích ăn kiểu vậy, chén đậu hũ quê người ta chê”. Một người khách tiếp lời: “Đậu hũ có nước dừa, bột lọc mới ngon”. Đất lề, quê thói. Tôi không thể phản biện được gì khi cái gu nhà quê của tôi hoàn toàn không phù hợp với người thành phố.

Đậu hũ mang vô thành phố không còn gánh mà bày hết trên một chiếc xe đẩy hai tầng. Khạp đậu hũ thay bằng cái xoong nhôm lớn, may ra chút xưa còn lại là mớ chén sành, kiểu cũ.

Tôi kêu một chén đậu hũ có đầy đủ “lệ bộ”: đậu hũ, nước dừa và đường vừa có gừng, có cả bột lọc. Vị béo của nước dừa “ăn hiếp” vị béo và lấy luôn mùi thơm của đậu non. Những hạt bột lọc nhỏ dai dai, sựt sựt lấn át hết cái mềm, tan nhanh của đậu hũ.

Tôi nhớ chén đậu hũ ngày xưa. Có lần bà bán hàng nói: “Làm bột lọc rất mất công, không có thì khách lại hỏi. Ráng chìu khách mà nuôi con. Mười năm xa quê, xe đậu hũ đưa lần lượt ba con vào đại học, ra trường. Giờ không còn nuôi ai nữa thì mình tích lũy”.

Một ông khách vui tính hỏi cắc cớ: “Đi xa vầy bỏ ổng cho ai?”. Bà bán hàng cười ỏn ẻn: “Vợ chồng già rồi mà!”

Tôi đứng lên, trả tiền chén đậu hũ năm ngàn đồng rồi bước đi.  Bà bán hàng với theo, mai ra ăn nữa, cô nghe. Giọng miền Trung, lạc lõng giữa phố người. Tôi không biết khi bán chén đậu hũ chiều khách như vậy, chén đậu hũ nhớ thương ngày xưa của bà còn hay mất theo năm tháng dài mưu sinh xa xứ!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đào Thị Thanh Tuyền (Trích sách Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ)

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.