Sài Gòn - Tiểu Paris ở Phương Đông qua ảnh tư liệu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, dưới chính sách xâm chiếm và khai thác thuộc địa, Sài Gòn – Nam Kỳ từng bước trở thành thuộc địa của Pháp. Trong quá trình ấy, Sài Gòn từ thị tứ phong kiến dần chuyển mình, mang dáng dấp một thành phố phương Tây – tiểu Paris ở phương Đông.

Gần một thế kỷ (1858-1945) chuyển mình dưới chính sách thực dân hóa của Pháp, Sài Gòn thừa hưởng những di sản kiến trúc độc đáo. Đó là những con đường được kiến thiết vuông góc với hàng cây cổ thụ rợp bóng, những công trình kiến trúc, những địa danh,… mà nay vẫn trường tồn như là chứng tích của lịch sử hình thành, phát triển thành phố Sài Gòn và trở thành một trong những nét tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh.

Sài Gòn - Tiểu Paris ở Phương Đông qua ảnh tư liệu - 1

Dinh Toàn quyền Đông Dương tại Sài Gòn – Dinh Norodom – Dinh Độc lập (nay là Hội trường Thống nhất).

Khởi công xây dựng ngày 23/3/1868, bởi Thống đốc La Grandière, với mục tiêu trở thành một công trình biểu thị cho vị thế của đế quốc Pháp ở Viễn Đông. Dinh được xây dựng ở đầu Đại lộ Norodom – đại lộ trung tâm của thành phố Sài Gòn, nên có tên là Dinh Norodom (giả thuyết khác cho rằng, tên của Dinh được đặt theo tên của Quốc vương Campuchia Norodom).

Năm 1887, Liên bang Đông Dương được thành lập, Toàn quyền Đông Dương quyết định lấy Dinh làm trụ sở văn phòng phía Nam của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Dinh mang tên Dinh Toàn quyến Đông Dương từ đó cho đến năm 1945. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II. Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Ký hiệu 49.086.

Sài Gòn - Tiểu Paris ở Phương Đông qua ảnh tư liệu - 2

Dinh Xã Tây (nay là Ủy ban Nhân dân TP.HCM).

Sau khi hoàn thành chinh phục Nam Kỳ, Pháp cho thành lập Hội đồng thành phố Sài Gòn để quản lý công việc hành chính. Từ năm 1870, kế hoạch xây dựng trụ sở cho Hội đồng thành phố Sài Gòn được đề ra, nhưng phải đến năm 1898, công trình được khởi công mô phỏng kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp, theo đồ án thiết kế của Gardès.

Năm 1909, tòa nhà được khánh thành với tên gọi Hôtel de Ville (người Sài Gòn thường gọi là Dinh xã Tây). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Dinh xã Tây trở thành cơ quan của Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ cho đến ngày Pháp tái chiếm Việt Nam -  ngày 23/9/1945. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Sài Gòn - Tiểu Paris ở Phương Đông qua ảnh tư liệu - 3

Dinh Thống đốc Nam Kỳ (nay là Bảo tàng TPHCM).

Khởi công xây dựng năm 1885 với công năng là tòa nhà Bảo tàng Thương mại trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Nhưng năm 1887, Liên bang Đông Dương thành lập, Toàn quyền Đông Dương lấy Dinh Norodom làm trụ sở phía Nam của Phủ Toàn quyến và chuyển Phủ Thống đốc Nam Kỳ sang tòa nhà Bảo tàng Thương Mại. Do đó, năm 1890, tòa nhà được khánh thành, trở thành trụ sở của Phủ Thống đốc Nam Kỳ nên được gọi là Dinh Thống đốc Nam Kỳ (còn gọi Dinh Phó soái). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Sài Gòn - Tiểu Paris ở Phương Đông qua ảnh tư liệu - 4

Nhà hát Lớn.

Sau khi chiếm được Nam Kỳ, năm 1863, chính quyền Pháp đã mời một đoàn hát sang biểu diễn tại Sài Gòn để giải trí cho lính viễn chinh Pháp. Lúc đầu, đoàn biểu diễn tạm tại nhà gỗ của dinh Thủy sư đề đốc tại Công trường Đồng Hồ (Place de l'Horloge) (góc Nguyễn Du - Đồng Khởi hiện nay). Sau đó, một nhà hát tạm được lập ở vị trí khách sạn Caravelle ngày nay. Năm 1898, Nhà hát lớn được khởi công ngay cạnh nhà hát cũ và đến ngày 1/1/1900 thì khánh thành.Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Sài Gòn - Tiểu Paris ở Phương Đông qua ảnh tư liệu - 5

Nhà thờ Đức Bà

Nhà thờ Đức Bà tên chính thức là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vỗ nhiễm Nguyên tội, nhà thờ lớn nhất và đặc sắc nhất Sài Gòn với hai tháp chuông cao gần 60 mét. Tháng 8/1876, trong mục đích xây dựng một Vương cung thánh đường lớn cho người Công giáo và phô diễn văn minh đại Pháp ở Viễn Đông, Thống đốc Nam Kỳ Duperré tổ chức một cuộc thi vẽ đồ án kiến trúc Nhà thờ lớn.

Đồ án thiết kế của Kiến trúc sư J. Bourad với sự pha trộn giữa phong cách Roma và nét Gotic, được chọn làm đồ án xây dựng Nhà thờ. Ngày 7/10/1877, Giám mục Isidore Colombert làm lễ đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng Nhà thờ Đức Bà. Sau 3 năm xây dựng với kinh phí 2.500.000 franc do Soái phủ Nam Kỳ đài thọ, ngày 11-4-1880, cố đạo Colombert long trọng tổ chức lễ cung hiến và khánh thành Nhà thờ dưới sự chứng kiến của Thống đốc Le Myre de Vilers. Nhà thờ ban đầu có tên gọi Nhà thờ Nhà nước. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Sài Gòn - Tiểu Paris ở Phương Đông qua ảnh tư liệu - 6

Bưu điện Sài Gòn (nay là Bưu điện TP.HCM).

Ngay khi chiếm thành Gia Định, Pháp ưu tiên ngay việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Vì thế, năm 1860, Pháp thiết lập “Sở dây thép” Sài Gòn. Năm 1860, tòa nhà của “Sở dây thép” Sài Gòn chính thức khánh thành trên đường Catinat và phát hành con tem đầu tiên. Năm 1886, Bưu điện Sài Gòn được xây cất lại với qui mô hiện đại thay thế cho trụ sở và khu nhà ở cũ. Tòa nhà bưu điện thành phố được xây dựng lại theo đề án của kiến trúc sư Henri Villedieu và cộng sự Foulhoux và khánh thành vào năm 1881.  Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Sài Gòn - Tiểu Paris ở Phương Đông qua ảnh tư liệu - 7

Xưởng đóng tàu Sài Gòn (Xưởng Ba Son).

Cảng Sài Gòn được xây dựng năm 1862 bởi hãng Messageriesies Imperiales, theo quyết định ngày 22-2-1860 của chính quyền thuộc địa Pháp. Năm 1863, Cảng chính thức thông thương, trở thành hải cảng quốc tế lớn ở thuộc địa Việt Nam với tên gọi Port de Commerce de Saigon – Thương cảng Sài Gòn. Năm 1939, Cảng Sài Gòn xếp thứ 7 trong số các thương cảng lớn của Pháp với khả năng vận chuyển 3.000.000 tấn.

Sài Gòn - Tiểu Paris ở Phương Đông qua ảnh tư liệu - 8

Sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước năm 1919, địa danh Tân Sơn Nhứt là tên ngôi làng nằm trên gò đất cao thuộc tỉnh Gia Định. Năm 1920, phi đội Nam kỳ được thành lập, chính quyền thuộc địa Pháp lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhứt để xây dựng sân bay. Ban đầu sân bay Tân Sơn Nhứt có một đường băng, đất đỏ, xung quanh trồng cỏ chỉ sử dụng cho mục đích quân sự.

Năm 1921, chặng bay Hà Nội – Sài Gòn đầu tiên được khai trương với thời gian một lượt bay lên tới 8 giờ 30 phút. Từ năm 1930, người Pháp tiến hành mở rộng sân bay phục vụ cho mục đích dân sự. Năm 1933, chuyến bay quốc tế đầu tiên của Hãng hàng không Pháp (Air France) bay tuyến Paris – Sài Gòn kéo dài 18 ngày. Sau đó, nhiều tuyến bay quốc tế khác được mở. Năm 1937, toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập Sở hàng không dân dụng Đông Dương thay thế cho Sở Hàng không dân sự, để lo việc khai thác các chuyến bay. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Minh Châu

CLIP HOT