Cá linh non đầu mùa nhúng giấm
Những con cá linh non đầu mùa nước nổi tươi rói cùng với bông điên điển nhúng giấm mang đến hương vị đậm đà đặc trưng miền Tây.
"Tháng 7 (Âm lịch) nước nhảy lên bờ" là cách gọi của người dân miền Tây khi mùa nước nổi từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Người miền Tây không giống dân vùng khác, họ sẽ cảm thấy buồn nếu đến mùa mà không thấy lũ về. Thực ra đây không phải là thiên tai mà là mùa làm ăn mới, mưu sinh nhờ con nước của bà con vùng nước nổi sau khi gặt lúa xong.
An Giang, Đồng Tháp là những nơi đón lũ sớm nhất. Dòng nước mang theo phù sa và các sản vật cá tôm. Vợ chồng anh chị Cao Văn Tùng, Nguyễn Thị Kim Cương gắn bó với sông nước từ lâu và mỗi mùa nước lại đặt dớn bắt cá tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Từ năm 2016, anh Tùng còn mở thêm kênh Youtube Thương lắm miền Tây để đăng các video giới thiệu món ăn dân dã, đời sống và du lịch miền sông nước theo mùa.
Cá linh non đầu mùa tươi rói.
Anh Tùng cho biết năm nay lũ về muộn nên đặc sản cá linh cũng có chậm hơn. Cuối tháng 7 Âm lịch, khi thấy cá linh non về, gia đình anh Tùng chèo xuồng dọc theo kênh Cần Đăng, một nhánh của sông Hậu để đặt dớn thu hoạch cá linh. Trên đoạn kênh Cần Đăng, anh đặt 12 dây dớn. Dớn có hai phần chính là đuôi và hai cánh, dễ lắp đặt, sử dụng đơn giản bắt các loại cá, tép. Ngoài cá linh non, trong dớn còn bắt được cua, cá rô phi, ếch, cá chạch và tép, đều có thể làm món ăn ngon.
Đầu mùa nước nổi, cá linh non ít, đổ dớn chỉ được 2-4 kg/ngày nhưng bán được giá 150.000 đồng/kg. Tầm khoảng nửa tháng sau cá linh về nhiều, thu hoạch cũng nhiều hơn thì giá bán giảm còn khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.
Chèo xuồng thăm dớn, chị Cương còn ghé bờ hái bông điên điển về làm món cá linh non và bông điên điển nhúng giấm. Điên điển thuộc họ đậu, mọc tự nhiên nên dễ dàng thích nghi môi trường sống ven bờ. Cây trưởng thành mọc thành bụi cao trên dưới 5 m, ra hoa mọc thành chùm màu vàng, với mỗi chùm có 8-10 hoa.
Chị Cương hướng dẫn làm cá linh non nhúng giấm ăn kèm bông điên điển.
Cá linh ăn đúng điệu phải ngay mùa nước nổi, cá còn bé như cá cơm nên có thể nhai hết cả xương. Cá linh có thể chế biến được nhiều món ăn như nấu canh chua, chiên bột hay kho lạt nhưng muốn ăn kiểu nhúng giấm thì phải tới An Giang, Đồng Tháp mới có thể cảm nhận được độ ngon, tươi của món này.
Chị Cương chia sẻ làm cá linh đơn giản bằng cách ngắt bụng, kéo bộ ruột ra rồi chà cá trong rổ và rửa sạch vảy. Kế đến là ướp cá với các loại gia vị như muối, ớt băm, ít nước mắm, hành lá, tiêu và đường. Còn phần nước giấm là giấm chua nhà tự làm, pha với nước, đường, tiêu, muối cho vị chua ngọt vừa miệng. Ngoài ra, nước mắm nhĩ, ớt hiểm tươi và các loại rau ăn kèm như bông điên điển, rau muống, chuối ghém cũng không thể thiếu khi thưởng thức món cá linh nhúng giấm. Để thêm phần hấp dẫn, có thể cho vào nước giấm một ít tỏi băm đã phi vàng và tỏi sống băm.
Cá linh cho vào nồi nước giấm đang sôi, sau đó cho thêm rau. Cá vừa chín thì ăn kèm cơm trắng. Vị ngọt thơm của cá, bông điên điển cùng vị chua thanh của giấm hòa cùng vị cay nồng của nước mắm ớt làm tê đầu lưỡi. Ăn đến đâu thả cá và rau thưởng thức đến đó.
"Cá linh nhúng giấm ngoài vị ngọt của cá, còn mang hương vị ấm áp của quê hương và cả ký ức tuổi thơ khi nhớ lại từng mùa lũ miền Tây mang theo sản vật trù phú tràn về", anh Tùng chia sẻ.
Món lẩu lắm công phu, không chỉ ngon về hương vị mà còn đẹp về hình thức, từng là món ăn không thể thiếu trong các...