Bánh phồng nếp đón Tết
Ở huyện Ðầm Dơi, vẫn còn một vài hộ dân duy trì nghề làm bánh phồng nếp truyền thống, quết bằng chày cây và cối đá.
Thông qua trang Faebook bán bánh phồng nếp, chúng tôi hỏi thăm và tìm được nhà bà Huỳnh Thị Thiêu, ấp Tân Lợi B, xã Tạ An Khương Nam, người duy trì nghề quết bánh phồng nếp truyền thống đã gần 50 năm qua.
Mỗi sáng, bà Huỳnh Thị Thiêu cùng con trai quết bánh phồng bằng chày cây và cối đá.
Bà Thiêu kể lại: "Khi còn thiếu nữ, tôi được mẹ dạy làm các loại bánh, trong đó có món bánh phồng nếp, rồi bưng ra chợ bán. Ðến khi lập gia đình riêng, tôi vẫn duy trì nghề này đến nay”.
Ðể ra lò những cối bánh mới, ngon, bà Thiêu chỉ quết theo đơn đặt hàng của khách. Mỗi chiều tối, bà Thiêu rút nếp ngâm, đến 3-4 giờ khuya bà cùng con dâu thức xay bột, bồng bột cho ráo, rồi bắt viên bột vừa tay luộc chín, vớt ra để ráo. Khi bột còn âm ấm thì cho ra cối đá quết, người con trai có sức nên dùng chày quết. Còn bà Thiêu vừa nhào, trộn bột vừa thêm nước đường thắng, sao cho bánh có vị ngọt vừa, đến khi vừa tay không quá khô, cũng không quá nhão thì thực hiện công đoạn cán bánh.
Từ những cục bột tròn như viên chè trôi nước, với đôi tay quen, nhanh nhẹn, chỉ phút chốc bà Thiêu cán thành những chiếc bánh phồng nếp mỏng, tròn, thoang thoảng hương thơm, rồi nhanh chóng xếp đều lên chiếu manh, đưa lên giàn phơi, kịp đón nắng sớm. Bánh phơi càng được nắng, mặt chiếc bánh phồng càng căng, bóng đẹp và khi nướng độ phồng càng nhiều…
Theo lời bà Thiêu, ngày xưa khi còn làm ruộng, cứ mỗi dịp Tết đến, nếp vừa chín ngoài đồng, gặt vô chà rồi ngâm quết bánh phồng liền, hương vị đặc biệt lắm. Giờ đây, tuy hương vị không được như xưa, nhưng bà cố gắng mua nếp dẻo ngon và thực hiện theo bí quyết làm bánh được ông bà truyền lại để làm nên chiếc bánh phồng ngon, giúp mọi người cảm nhận được hương vị quen thuộc, nhất là những ngày Tết.
"Hiện nay, tôi cũng truyền nghề lại cho các con, cháu với mong muốn duy trì nghề truyền thống và cũng góp phần có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Mỗi ngày, tôi làm ra từ 200-500 bánh, thu nhập từ 150.000-250.000 đồng", bà Thiêu cho biết thêm.
Nắng gắt, phơi bánh phồng đạt chất lượng nhất, giúp bánh căng bóng và phồng nhiều khi nướng.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Việt, ấp Tân Ðức A, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, cũng đã “nối nghề” làm bánh phồng nếp của gia đình trên 30 năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Việt cùng gia đình duy trì nghề làm bánh phồng trên 30 năm nay.
Ông Việt cho biết, ngoài làm vuông, nhiều năm qua, nghề bánh phồng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, nhất là vào dịp Tết thì lượng bánh tăng lên gấp hai, gấp ba so với ngày thường. Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng dịch bệnh, gia đình chỉ nhận đơn bánh theo nhu cầu.
Theo những người làm bánh phồng nếp tại huyện Ðầm Dơi, để tạo đầu ra bánh phồng nếp, thời gian qua, ngoài kênh người quen, hội viên chi hội phụ nữ giới thiệu, bà con còn chủ động tìm đầu ra bằng hình thức đăng bán trên các trang mạng Zalo, Facebook… Nhờ đó, món bánh phồng quê được nhiều người biết đến, đặt hàng, giúp bà con duy trì nghề.
Chị Nguyễn Thị Màu, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Hiện nay, nghề làm bánh phồng tôm khá phổ biến trong hội viên trên địa bàn huyện. Riêng với nghề quết bánh phồng nếp truyền thống khá vất vả, phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng để nấu nếp, quết ra bánh cho kịp nắng sáng và làm theo mùa nên số hộ duy trì nghề không nhiều, chỉ còn tầm 3-4 hộ. Thời gian tới, hội sẽ có những hoạt động cụ thể, tác động đến hội viên gìn giữ và phát triển nghề quết bánh phồng nếp cùng với một số nghề truyền thống khác, kết hợp giới thiệu đầu ra, giúp chị em tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần gắn kết tình chị em trong chi hội”.
Bộ LĐ-TB-XH vừa chính thức đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ Quốc khánh...