Tiệm bánh pía Triệu Minh Hiệp nức tiếng khu Chợ Lớn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cứ đến Tết Trung thu, người dân khắp nơi lại đổ xô đến tiệm bánh pía ở khu Chợ Lớn, TP.HCM. Nghe cứ ngồ ngộ nhưng thói quen này của nhiều người đã diễn ra mấy chục năm qua. Tiệm bánh được nhắc đến không đâu khác chính là Triệu Minh Hiệp ở Chợ Lớn.

Không chỉ cộng đồng người Hoa mà người dân Sài Gòn và du khách cũng tìm đến Triệu Minh Hiệp để thưởng thức món bánh pía nức tiếng. Giai đoạn cao điểm Tết Trung thu, khách từ khắp TP.HCM, thậm chí các tỉnh cũng đổ về tìm mua. Tò mò, chúng tôi quyết định đến tận lò ở quận 6, TP.HCM để tìm hiểu.

Tiệm bánh pía Triệu Minh Hiệp nức tiếng khu Chợ Lớn - 1

Đông đảo khách hàng và shipper đứng chờ mua bánh pía tại tiệm Triệu Minh Hiệp (quận 6) từ sáng sớm.

Tiệm bánh Triệu Minh Hiệp - Tiệm bánh "chờ"

Ngay lần đầu tiên đến, chúng tôi không mất nhiều thời gian để tìm kiếm địa chỉ. Tấm bảng trắng ngả màu đề tên "Triệu Minh Hiệp" treo lơ lửng đầu hẻm. Hẻm dẫn vào tiệm đầy tiếng xe máy nổ, cứ thế ồn ã liên hồi.

Rẽ vào hẻm và chạy một đoạn ngắn, chúng tôi đã thấy một hàng xe máy xếp gọn bên trái, ngay dưới tấm bảng hiệu mang đặc trưng phong cách người Hoa. Chủ nhân của những chiếc xe đang thay phiên vào ra cửa tiệm để xếp hàng mua bánh.

Những ngày cận kề Tết Trung thu, tiệm mở cửa từ 7h nhưng phải chờ tận 8h30 mới có những mẻ bánh pía đầu tiên để bán cho khách. Theo ghi nhận, đến tầm 9h, khách tìm đến mua bánh rất đông,  càng gần trưa càng có nhiều khách lũ lượt kéo tới.

Chị Nguyễn Minh Tuệ, ngụ quận Bình Thạnh, vừa mới vào trong tiệm chưa đầy 5 phút đã ra xe với hai hộp bánh nóng hổi trên tay. Theo quan sát, tuy đông và khách phải xếp hàng chờ nhưng quá trình mua lại diễn ra nhanh chóng.

"Tiệm chỉ bán bánh khi vừa ra lò nên mình phải chờ từng mẻ bánh. Bánh cũng đựng sẵn trong hộp, khi đến tôi chỉ cần nói loại muốn mua thì họ đưa bánh lẹ lắm, không mất nhiều thời gian", chị Tuệ nói.

Tiệm bánh pía Triệu Minh Hiệp nức tiếng khu Chợ Lớn - 2

Bánh pía nóng hổi, tươi mới vừa ra lò, được đặt trong chiếc hộp giấy long phụng đặc trưng của người Hoa.

Chủ quán cũng chia sẻ, tiệm chỉ bán bánh tươi, nóng nên không bao giờ làm trước. Khách đến phải chờ, có khi nhanh, nhưng cũng có khi lên đến cả chục phút mới đến lượt.

Diện tích bên trong tiệm - nơi khách đứng chờ mua bánh tương đối nhỏ. Theo quan sát của chúng tôi, một lượt 6-7 khách sẽ cùng lúc chờ tới lượt mình. Những hộp bánh pía long phụng in hoa văn sặc sỡ xếp chồng trên bàn, thay phiên nhau hết trong tích tắc.  

Bánh pía là món bánh truyền thống của người Hoa gốc Triều Châu (hay còn gọi là người Tiều). Loại bánh này thường được người Tiều dùng để báo hỷ hay tặng nhau vào dịp rằm tháng tám. Không chỉ người Hoa mà cứ đến Tết Trung thu, dân Sài Gòn và du khách đều đổ xô đến đây mua bánh.

Ông Gia Nghiêm, ngụ quận Tân Bình cho biết, ông và gia đình đã quen thuộc với hương vị bánh pía Minh Hiệp. Những năm gần đây, thay vì mua bánh Trung thu phổ biến trên thị trường, ông thường chọn mua bánh pía để thưởng thức.

Rất nhiều khách lựa chọn đặt bánh qua ứng dụng giao hàng. Các shipper thay phiên nhau tới. Người ít nhất lấy đơn 1-2 hộp, nhiều thì xếp từng chồng rồi dùng dây ràng phía sau yên xe để chở đi.

Nhân viên đứng bán cũng là thành viên trong gia đình. Từ khâu kiểm đơn, tư vấn khách hàng đến đóng gói không phút nào ngơi tay.

"Những ngày này, nhân lực từ 7-8 người nhưng cũng phải tăng thêm 4-5 người mới kịp phục vụ bánh tươi, nóng cho khách", ông Triệu An - chủ lò bánh Triệu Minh Hiệp nói với chúng tôi.

Tiệm bánh pía Triệu Minh Hiệp nức tiếng khu Chợ Lớn - 3

Những ngày cận Tết Trung thu, tiệm phải tăng cường thêm nhân lực mới kịp phục vụ bánh pía cho khách hàng.

Ba đời nặn tay món bánh "cha truyền con nối" 

Lò bánh pía Triệu Minh Hiệp có từ năm 1948. Con hẻm Bình Tây suốt 76 năm qua là "nhân chứng" cho món bánh pía ba đời nặn bằng tay. Hiện tại, ông Triệu An đang là người tiếp quản.

Ông An cho biết gia đình là người Việt gốc Triều Châu. Trước khi di cư sang Việt Nam, ông nội ông An là ông Triệu Minh Hiệp cũng có một tiệm bánh pía lấy tên mình ở quê hương. Lập nghiệp từ gánh bánh pía nướng bán ở Chợ Lớn, năm 1948, ông Hiệp mở tiệm bánh nhỏ ở chính địa chỉ ngày nay.

Tiệm bánh pía Triệu Minh Hiệp nức tiếng khu Chợ Lớn - 4

Ông Triệu An, đời thứ ba của tiệm Triệu Minh Hiệp, người lưu giữ cách làm bánh pía truyền thống của người Hoa gốc Triều Châu.

Tiệm bán theo hộp chứ không bán lẻ. Một hộp có bốn cái, giá dao động từ 219.000-279.000 đồng/hộp tùy số lượng trứng trong mỗi bánh.

Mở hộp bánh ra, cảm giác đầu tiên chính là mùi thơm của bánh, xộc thẳng vào mũi, nhẹ nhàng, thoang thoảng vị beo béo. Bốn chiếc bánh pía to tròn, nóng hổi và vàng đều vì được phủ một lớp mỡ heo óng ả.

Nhìn bằng mắt cũng cảm nhận được độ giòn của vỏ. Phía trên tô điểm vài hạt mè đen càng làm dậy mùi thơm. Cắn một miếng, phần vỏ vỡ tan trong khoang miệng hòa quyện cùng nhân bánh mềm, dẻo. Tổng thể độ ngọt vừa phải. Ngon nhất vẫn là lúc ăn khi bánh còn nóng hổi.

Bánh có hai loại nhân gồm đậu xanh và khoai môn tươi, không pha bột, bọc trứng muối tươi bên trong. Bánh không chất bảo quản nên chỉ có thể sử dụng trong vòng 10 ngày. Một hộp như vậy ước chừng 7-8 người ăn mới hết. Nếu ăn không hết, khách có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, trước khi ăn nhớ hâm nóng bằng lò vi sóng hoặc nồi chiên không dầu.

Bánh đến tay khách lúc nào cũng nóng hổi. "Người tiêu dùng bây giờ họ không chỉ muốn được ăn ngon mà còn phải đảm bảo sức khỏe nên chúng tôi đặt chữ 'chất' lên hàng đầu: không chất bảo quản, không phụ gia, không phẩm màu, không hương liệu", ông An chia sẻ.

Những chiếc bánh pía tươi nóng đựng trong hộp giấy long phụng, chiếc bảng tên cửa hiệu thấm đượm vết thời gian... tất cả bao năm qua vẫn lưu giữ vẹn tròn nét văn hóa của người Triều Châu, để rồi từ một gánh bánh pía ngoài chợ giờ đây đã trở thành tiệm bánh người Hoa nức tiếng Sài Gòn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thúy Liên

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.