9 món ăn nhất định phải thử khi đến Miền Tây mùa nước nổi
Đến với miền Tây, thực khách sẽ được thưởng thức những món ngon độc đáo, mang đậm dấu ấn vùng sông nước mà khó tìm thấy ở nơi nào khác.
Mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ thường kéo dài từ tháng 7 - tháng 10 Âm lịch (tức tháng 8 - tháng 11 Dương lịch) tầm tháng 9 hoặc 10 dương lịch). Đây là khoảng thời gian nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về đồng bằng Sông Cửu Long, tạo thành biển nước, gây ngập các cánh đồng và kênh rạch.
Vào thời điểm này, cảnh vật miền Tây như khoác lên mình chiếc áo mới. Những cánh đồng xanh mướt trải dài, những con kênh, con rạch chằng chịt, lấp lánh dưới ánh nắng mMặt trời tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, miền Tây mùa nước nổi còn nổi tiếng với những món đặc sản hấp dẫn. Du khách đến đây sẽ được tận hưởng những món ăn tươi ngon, đặc trưng của người bản địa.
Lẩu cá linh
Ảnh: Hà Lâm (Vnexpress)
Lẩu cá linh là món ăn đậm chất miền Tây, đặc biệt nổi bật vào mùa nước nổi khi cá linh tươi ngon được thu hoạch nhiều. Chỉ cần ngồi quanh nồi lẩu nghi ngút khói, du khách đã cảm nhận được hương vị đặc trưng của miền sông nước, từ vị chua nhẹ của me, vị ngọt thanh của cá linh cho đến hương thơm dịu của các loại rau đồng.
Điểm nhấn của món ăn này chính là cá linh tươi, thịt ngọt và mềm, không cần quá nhiều gia vị cầu kỳ mà vẫn giữ được vị tự nhiên, nguyên sơ. Khi nhúng từng miếng cá vào nồi lẩu, hương thơm thoảng lên từ bông điên điển, bông súng, rau nhút – những loại rau chỉ có vào mùa nước nổi khiến cho món ăn thêm phần tinh tế.
Cá lóc nướng trui
Ảnh: Đặng Tài Giỏi
Cá lóc nướng trui là một món ăn đặc sản nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ, được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon và cách chế biến độc đáo. Món này được chế biến từ cá lóc tươi ngon, vừa đánh bắt về, giúp giữ được độ ngọt tự nhiên của thịt cá.
Để làm món cá lóc nướng trui, người ta thường dùng cách nướng trực tiếp trên lửa than. Cá lóc được làm sạch, để nguyên con hoặc có thể được cắt làm đôi, sau đó ướp gia vị như: muối, tiêu, hành, tỏi, và chút tiêu xanh để tăng thêm hương vị.
Sau khi cá chín, phần da cá sẽ trở nên giòn rụm, còn thịt bên trong thì mềm, thơm ngon. Món cá lóc nướng trui thường được ăn kèm với rau sống, bánh tráng và nước mắm chua ngọt.
Lẩu mắm
Ảnh: Bếp của vợ
Lẩu mắm là món ăn đặc trưng và tự hào của ẩm thực miền Tây Nam Bộ, với hương vị đậm đà, phong phú mà khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Nguyên liệu chính của món lẩu này là mắm cá linh hoặc mắm cá sặc – những loại mắm dân dã, phổ biến tại vùng sông nước. Khi nấu, mắm được hòa tan vào nước dùng, kết hợp cùng các loại gia vị, tạo nên mùi thơm nồng đặc trưng.
Sự hấp dẫn của lẩu mắm không chỉ ở nước dùng mà còn nằm ở sự đa dạng của các loại nguyên liệu đi kèm. Món lẩu thường được ăn cùng các loại hải sản như tôm, mực, cá lóc và thịt ba chỉ, cùng các loại rau đồng xanh mướt như: bông súng, điên điển, rau nhút, rau muống.
Bánh xèo
Ảnh: Cô Ba Bình Dương
Bánh xèo là món ăn nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ. Món bánh này chinh phục thực khách bởi lớp vỏ vàng giòn rụm, thơm lừng, ôm lấy phần nhân tôm, thịt, giá đỗ và đôi khi là đậu xanh. Bánh xèo miền Tây thường có kích thước lớn hơn so với các vùng khác, mang lại sự thỏa mãn cho cả thị giác và vị giác.
Khi ăn, từng miếng bánh được cuộn với rau sống như: xà lách, rau diếp cá, rau thơm, thêm chút khế chua và chuối chát, rồi chấm với nước mắm chua ngọt. Tất cả hòa quyện tạo nên hương vị tươi mát, chua ngọt hài hòa, từ vị béo giòn của vỏ bánh, vị ngọt của tôm, thịt cùng vị thơm nồng của rau sống.
Điên điển xào tôm
Ảnh: Lẩu mắm Cần Thơ
Điên điển xào tôm là món ăn đặc biệt phổ biến vào mùa nước nổi khi bông điên điển nở rộ. Loại bông vàng rực rỡ này có hương vị bùi bùi, thanh mát, rất phù hợp khi kết hợp với tôm tươi.
Món điên điển xào tôm mang đến sự hòa quyện tuyệt vời giữa vị ngọt của tôm và vị thanh nhẹ, hơi đắng nhẹ của bông điên điển. Khi xào, tôm giữ được độ săn chắc và thấm đều gia vị, trong khi bông điên điển vẫn giữ được màu sắc vàng tươi và độ giòn tự nhiên, làm món ăn thêm phần hấp dẫn.
Bánh tằm bì Cần Thơ
Ảnh: Thanh Bùi - Vnexpress
Bánh tằm bì nổi tiếng tại các tỉnh như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ. Món này kết hợp giữa sợi bánh tằm trắng mịn, bì heo giòn bùi và nước cốt dừa béo ngậy. Sợi bánh tằm mềm dẻo, thấm đẫm trong nước cốt dừa sánh mịn, tạo cảm giác thơm ngon, hấp dẫn.
Bánh thường được ăn kèm với rau sống như xà lách, giá đỗ, thêm chút đậu phộng giã nhuyễn và mỡ hành.
Ốc bươu nướng tiêu xanh
Ảnh: Giáp Thị Kiều
Ốc bươu nướng tiêu là món ăn được ưa chuộng ở các tỉnh miền Tây. Món này nổi bật nhờ hương vị cay nồng của tiêu, hòa quyện với vị ngọt dai tự nhiên của thịt ốc bươu.
Sau khi sơ chế sạch, ốc được ướp với bột canh, tiêu, tỏi, nước mắm, rồi nướng trên bếp than hồng. Khi chín, ốc tỏa ra mùi thơm lừng, thấm đẫm gia vị cay cay, đậm đà. Món ốc bươu nướng tiêu thường được ăn kèm với rau răm và chấm muối tiêu chanh.
Cua đồng rang me
Ảnh: Chang Ăn Gì
Cua đồng được chiên giòn, sau đó áo một lớp sốt me chua thanh, kết hợp cùng chút đường, tỏi phi, và ớt để tạo vị đậm đà, hấp dẫn.
Khi thưởng thức, cua giòn rụm bên ngoài, thấm đẫm vị sốt me chua cay ngọt khiến ai ăn cũng khó lòng quên được. Món này thường được ăn kèm với rau sống hoặc cơm nóng, mang lại cảm giác ngon miệng và gợi nhớ đến những bữa ăn thôn quê bình dị, dân dã.
Canh chua bông so đũa
Ảnh Song Nghi (Người lao động)
Canh chua bông so đũa có hương vị thanh mát và chua nhẹ. Bông so đũa - loài hoa trắng ngần, có vị đắng nhẹ và giòn mềm, khi nấu canh mang lại hương vị đặc biệt hấp dẫn.
Món canh thường được nấu với cá lóc, tôm hoặc tép, thêm vị chua từ me hoặc trái bần, kết hợp cùng các loại rau như giá, đậu bắp, cà chua. Nước canh trong veo, ngọt thanh, pha chút chua dịu giúp cân bằng vị đắng nhẹ của bông so đũa, tạo nên hương vị hài hòa.