Chuyện nhà rông Tây Nguyên: Những 'kiến trúc sư' mù chữ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chỉ một tay nghệ nhân mù chữ, dụng cụ thô sơ, toàn ước lượng bằng mắt và bằng một lời dẫn nào đó từ một cõi nào đó, ngôi nhà rông cao vút trở thành biểu tượng của sức mạnh Tây Nguyên và là biểu trưng của văn hóa Tây Nguyên.

Xem thêm các kỳ:

Tôi nhớ hồi nhỏ có đọc đâu đấy một truyện rằng, xưa kia Việt Nam chỉ có một dân tộc. Nó là một nhà gồm bố mẹ và những đứa con, ở trong một ngôi nhà thuần Việt.

Nhà thuần Việt là nhà gỗ mít 3 gian 2 chái, cửa tuồng, nền đất thịt, lợp tranh. Xung quanh có ao có vườn có sân. Cái nền nhà ấy lũ trẻ con ăn trám xong, lấy cái hạt chặt đôi ra khều lấy nhân ăn, ngon vô cùng, còn 2 nửa hạt quả trám thì đóng xuống nền nhà. Vừa đẹp vừa chắc chắn. Lâu dần, sinh con đẻ cái, lứa này tiếp lứa kia, nhà chật, phải nới ra. Nới chiều rộng rồi nới chiều cao.

Cứ mỗi lứa con lại nối cái nhà cao thêm một ít, lâu dần cái nhà cao mãi, cao mãi, người ở dưới nói người ở trên nóc không nghe được nữa. Cái nhà ấy gọi là nhà rông, và những người ở phía trên ấy là những tộc người Trường Sơn Tây Nguyên bây giờ, còn người ở dưới đất là người Việt mà lâu nay ta hay gọi sai là người Kinh.

Chuyện nhà rông Tây Nguyên: Những 'kiến trúc sư' mù chữ - 1

Nhà rông làng Kon Rơ Bàng

Tôi không nhớ đấy là truyện sáng tác hay là chuyện cổ tích, trẻ con đâu phân biệt được loại gì ra loại gì, nhưng đã đọc và rồi nhớ.

Rồi ra trường, đi làm ở cái xứ có nhiều nhà rông.

Ban đầu chả biết đầu cua tai ếch gì, nhưng mà cứ xuống làng là ngủ ở nhà rông, chỉ khác dân làng là họ nằm ngay sàn, bên bếp lửa, mình mắc võng. Họ ngủ họ thức họ trằn trọc còn mình nằm... ngắm và nghĩ về họ. Nhìn lên cái nóc nhà rông cao vời vợi mà hãi, mà nghĩ sao họ lại giỏi thế, làm cái nhà rông trong hoàn cảnh cả đời chưa ra khỏi làng, dụng cụ rất thô sơ, mà chắc chắn mà vững bền mà đẹp mà hợp lý. Hợp lý tới mức các nhà khoa học kiến trúc và xây dựng sau này phải công nhận nó đạt tỉ lệ vàng trong xây dựng.

Và từ đấy, dẫu hết sức lơ mơ nhưng tôi cũng đã viết hàng trăm bài báo về nhà rông, tới mức một ông kiến trúc sư, nguyên giám đốc sở xây dựng một tỉnh ở Tây Nguyên phải nói, tất nhiên là đùa: Những bài viết về nhà rông của ông Hùng có thể làm thành một luận văn... tiến sĩ.

Chuyện nhà rông Tây Nguyên: Những 'kiến trúc sư' mù chữ - 2

Những nghệ nhân mù chữ, cả đời chưa ra khỏi làng nhưng đã dựng lên những ngôi nhà rông chắc chắn, vững bền, đạt tỉ lệ vàng trong xây dựng.

Nhà rông, về công năng và ý nghĩa, nôm na thì nó na ná như cái đình của người Việt ở đồng bằng, nhất là đồng bằng Bắc Bộ. Nó là nơi dân làng tụ họp mỗi khi làng có việc. Là nơi cúng Yang, cúng trời đất. Là trung tâm của cộng đồng. Là nơi các vị thần trú ngụ, cả ở mái (nóc) nhà rông và cây nêu dưới sân. Là chỗ thanh niên trai tráng chưa vợ lên ngủ hàng đêm, để giữ làng, để sinh hoạt cộng đồng, nơi già làng xử phạt theo luật tục vân vân...

Cái khác đầu tiên là như thế này. Đình làng Việt là nó do những hiệp thợ chuyên nghiệp làm. Người Việt có những tỉnh rất giỏi nghề mộc. Mộc có nhiều loại, đóng giường tủ bàn ghế là một dạng, làm các loại tượng gỗ là một dạng, đóng cối xay cũng là một dạng. Làm đình thì thuộc loại thợ thượng thặng, là thợ của các loại thợ. Những hiệp thợ như thế không phải tỉnh nào cũng có.

Vì thế, có những ngôi đình, chỉ nhắc đến tên là hầu như ai ai cũng biết, ví dụ như đình Bảng, đình Mông Phụ, đình Chàng, đình Chèm, đình So, đình Tân Đông vân vân. Chuyện về những ngôi đình này thì hết sức thú vị và dài tập, tôi không phải chuyên gia, nhưng biết có những họa sĩ, những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ nhiếp ảnh... cả đời chỉ chuyên tâm nghiên cứu về đình làng Việt, và chưa bao giờ hết mới, dù các ngôi đình thì đã rất cũ và thành cổ vật...

Còn nhà rông, người Tây Nguyên chưa bao giờ có thợ chuyên nghiệp. Từ làm nhà tới đẽo tượng, từ làm rượu tới dệt vải... tất cả họ đều là nghiệp dư, khi cần thì làm, làm xong lại chơi chứ không như các hiệp thợ người Việt lại được mời đi làm tiếp, đi khắp nơi, có những hiệp thợ đi khắp nước, cuối năm giáp tết mới về, chưa xong nơi này đã có nơi khác tới đón, cơm gà cá gỡ, sướng như... thợ mộc...

Chuyện nhà rông Tây Nguyên: Những 'kiến trúc sư' mù chữ - 3

Được làm ở nơi cao nhất của làng, nơi gió Tây Nguyên thổi mạnh nhất, ngôi nhà rông với gỗ và tranh tồn tại ngạo nghễ như chiếc rìu lộn ngược giữa trời xanh.

Tất nhiên trong mỗi làng Tây Nguyên (có chừng 50 nóc nhà là nhiều) thì lại có những người khéo tay. Họ tài là thế này: Chưa bao giờ, hoặc rất ít, ra khỏi làng. Mù chữ, tất nhiên, nên không biết lịch sử kiến trúc cũng như các trường phái nó ra làm sao. Rất ít khi được làm cái việc mà họ sắp phải làm (làm nhà rông, đẽo tượng, chỉnh chiêng vân vân).

Thêm nữa, dụng cụ họ rất ít. Hầu như chỉ có cái rìu và con rựa là dấu ấn của văn minh, còn lại toàn bộ là từ rừng. Không xi măng gạch đá, không sắt thép vôi vữa, không ốc vít bù loong...

Các ông thợ mộc dưới xuôi khi được phong thợ cả là họ đã rất chuyên nghiệp, trải qua thực tiễn rất nhiều, còn nghệ nhân nhà rông, có khi cả đời họ chỉ được làm một cái. Thế mà nói theo ngôn ngữ của các kỹ sư xây dựng, các kiến trúc sư được học hành bài bản bây giờ, các ngôi nhà rông được làm xét về yếu tố kỹ thuật, chuẩn không cần chỉnh.

Chuyện nhà rông Tây Nguyên: Những 'kiến trúc sư' mù chữ - 4

Nhà rông Kon Kơ Lơ bên sông Đắk Bla

Nhà rông thường là được làm ở nơi cao nhất của làng, nơi gió Tây Nguyên thổi mạnh nhất, thường xuyên lồng lộng, thế mà không có các vật dụng hiện đại như sắt thép đinh bù loong... phương tiện chỉ là dao rựa và rìu, ngôi nhà rông với gỗ và tranh tồn tại ngạo nghễ như chiếc rìu lộn ngược giữa trời xanh bất chấp nắng mưa gió bão.

Các kỹ sư xây dựng còn tính rằng các tỉ lệ của nhà rông rất chuẩn chứ nếu không chả cần gió bão nó cũng sẽ tự sập vì chính trọng lượng của nó. Thế mà chỉ một tay nghệ nhân mù chữ, cả đời chưa bước qua giọt nước làng, toàn ước lượng bằng mắt và bằng một lời dẫn nào đó từ một cõi nào đó (là tôi đã nghe một ông già làng nói thế nhưng chắc gì đã đúng dưới "ánh sáng khoa học" của chúng ta) chứ như đã nói, họ làm gì có kinh nghiệm, ngôi nhà rông cao vút trở thành biểu tượng của sức mạnh Tây Nguyên và là biểu trưng của văn hóa Tây Nguyên.

Sau này chúng ta ồ ạt đưa các nhà rông văn hóa tôn bê tông xi măng vào thay thế, vừa làm hỏng toàn bộ bản sắc của ngôi làng Tây Nguyên, làm biến mất sự hài hòa, vừa làm lụt tay nghề của các nghệ nhân. Bởi như đã nói, nghệ nhân làm nhà rông rất hiếm, theo quan niệm, đấy phải là những người được Yang tin tưởng, ban cho bí quyết.

Bây giờ đưa mấy ông thợ xây hạng bét vào xây nhà rông văn hóa đồng loạt, sơn xanh đỏ tím vàng chả cần tỉ lệ kích thước, chả cần màu sắc tâm linh, yếu tố bí ẩn mất đi, nhà rông ấy phơi ra dưới nắng chả có ai lên, và nó tự hỏng. Tôi sẽ trở lại việc này vào các kỳ sau.

Chuyện nhà rông Tây Nguyên: Những 'kiến trúc sư' mù chữ - 5

Nhà thơ Văn Công Hùng với nhà rông của người Bahnar

Cũng chả phải tự nhiên mà trên nóc các nhà rông lại có các biểu tượng rau dớn, mặt trăng mặt trời... nó có lý của nó cả. Rồi trong nhà rông có gói vật thiêng, có cái thiêng liêng mà con người chỉ được công nhận chứ không thắc mắc, không giải thích. Nhà rông vì thế nó vừa gần gũi nhưng lại vừa thiêng liêng.

Tưởng chừng ai lên cũng được nhưng té ra không phải, nó có luật lệ của nó dù nó là nhà chung của làng. Và cũng bởi vì thế nên khi có việc làng người ta toàn cúng ở cây nêu trước sân nhà rông. Bởi cây nêu và cái nóc nhà rông kia chính là nơi "trung chuyển" giữa thế giới thần và người, mất đi yếu tố ấy nhà rông chỉ còn là cái xác không hồn.

(Còn nữa)

Hùng Tây Nguyên ‘vẽ’ mình
Hùng Tây Nguyên ‘vẽ’ mình

Từ chuyến công tác Tây Nguyên đầu tiên vào năm 1982, tới nay, ông đã chẵn 40 năm ở Tây Nguyên, thành người Tây Nguyên,...

Xem thêm các kỳ:

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh Văn Công Hùng

CLIP HOT