Đằng sau những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu của mỗi dịp Trung thu là cả một câu chuyện về tình yêu, sự kiên trì và tâm huyết của những người nghệ nhân. Trong số đó, anh Nguyễn Trọng Bình, một người con của làng nghề lồng đèn Phú Bình, đã dành trọn cuộc đời mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.
Người “giữ lửa” làng nghề lồng đèn truyền thống
Theo lời kể, ba của anh là cụ Nguyễn Trọng Văn một người thợ làm đồ chơi Trung thu tại làng Báo Đáp, Nam Định, sau này đã chuyển vào TP.HCM sinh sống. Từ nhỏ, khi chỉ mới 12-13 tuổi, anh Nguyễn Trọng Bình đã gắn bó với công việc làm đèn lồng, giúp cha tạo ra những chiếc đèn lồng bằng giấy kính. Sau nhiều năm, cả gia đình cùng chung tay kế thừa và phát triển nghề truyền thống này, và ngày nay đã trải qua tới thế hệ thứ ba.
Gia đình Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình cùng các thợ thủ công quây quần chuẩn bị đơn hàng lồng đèn thủ công cho dịp trung thu sắp tới.
Năm 2017, gia đình anh Nguyễn Trọng Bình có cơ duyên gặp gỡ và làm việc với Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách. Chính anh Bình là người trực tiếp làm việc với ông Trịnh Bách trong việc phục dựng các sản phẩm lồng đèn truyền thống.
Ông Trịnh Bách cho biết, anh Bình rất khéo tay, kiên nhẫn và không ngại đối mặt với những thách thức trong quá trình làm việc. Anh Bình có những kỹ thuật và mẹo uốn khung tre thành những hình dạng phức tạp một cách tự nhiên và hiệu quả. Chỉ sau 1-2 ngày gặp gỡ, chiếc đèn con thỏ thân thương từ thuở bé của ông Trịnh Bách đã được tái hiện hoàn hảo. Điều này đã khiến ông Trịnh Bách và cụ Văn vô cùng xúc động, khi những ký ức tuổi thơ được tái hiện một cách sống động qua từng sản phẩm.
Nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách (trái) và Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình cùng lồng đèn phục chế truyền thống. Ảnh: NVCC
Bên cạnh việc làm lồng đèn truyền thống, anh Bình cùng với Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách còn nổi tiếng với việc phục dựng thành công nhiều sản phẩm lồng đèn cổ xưa. Anh chia sẻ rằng Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách rất khó tính và đòi hỏi sự hoàn hảo, vì vậy mỗi năm anh chỉ phục dựng được một sản phẩm lồng đèn cổ.
Lồng đèn phục dựng “Cá hoá long năm 2019”. Ảnh: NVCC
Đèn con cua luộc mới được phục chế năm 2022. Ảnh: NVCC
Đèn con cua sống phục chế năm 2022. Ảnh: NVCC
Lồng đèn phục dựng “Một cặp kangaroo to nhỏ” được khách hàng đặt từ bên Úc. Ảnh: NVCC
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình chia sẻ đã tốn tới 2 tháng để hoàn thiện các tác phẩm lồng đèn phục chế này. Ảnh: NVCC
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Bình đã học được nhiều kỹ thuật tinh xảo từ cha mẹ mình khi còn rất nhỏ. Đối với anh, việc làm lồng đèn không chỉ là một nghề kiếm sống mà còn là niềm đam mê và tình yêu sâu sắc với nghề thủ công truyền thống. "Nghề này đã ăn sâu vào máu thịt tôi. Dù có vất vả đến đâu, tôi cũng không bao giờ muốn từ bỏ", anh Bình chia sẻ.
Gian nan “giữ lửa” làng nghề
Gắn bó với nghề hơn 30 năm, Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình không ít trải qua nhiều thăng trầm trong hành trình gìn giữ nghề thủ công của mình. Anh kể, vào những năm 1990-1995, khi lồng đèn điện tử bắt đầu xuất hiện và trở nên phổ biến, công việc của anh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Lượng tiêu thụ lồng đèn truyền thống giảm sút nghiêm trọng, khiến anh phải tạm ngừng nghề trong 8 năm.
Những chiếc đèn điện tử đầy đủ màu sắc, âm thanh thu hút thị hiếu người dùng.
Anh cho biết rằng, vào thời điểm đó, dù sản xuất ít nhất 5.000 chiếc lồng đèn nhưng chỉ bán được chưa đến một nửa, không đủ để bù đắp chi phí. Nhưng vì lòng yêu nghề, anh quyết định quay lại và tìm hiểu thêm về thị trường, nâng cấp sản phẩm của mình để "chạy đua" với lồng đèn điện tử.
Làng lồng đèn Phú Bình vẫn giữ riêng cho mình một giá trị đặc biệt với những chiếc lồng đèn truyền thống được chế tác tinh xảo.
Dưới sự tác động của cuộc sống hiện đại, nhiều hộ gia đình đã từ bỏ nghề truyền thống này, hiện nay chỉ còn khoảng 10 hộ dân kiên trì giữ gìn và phát triển nghề làm lồng đèn. Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình nhớ lại, hơn 30 năm trước, mỗi hộ dân chỉ cần làm một mùa trung thu là có thể sống được trên 6 tháng.
Tuy nhiên, kinh tế đã thay đổi, giá thành của những chiếc lồng đèn không còn cao, và dù làm việc cật lực, người dân cũng chỉ đủ ăn, chứ không có dư giả gì. Do đó, mỗi hộ dân trong xóm phải tìm một công việc chính nào đó để làm và chuyển việc làm lồng đèn từ công việc chính sang phụ.
Nhiều gia đình chuyển nghề làm lồng đèn từ chính thành phụ để trang trải cuộc sống.
Dù vậy, anh Bình vẫn kiên trì nhận thêm các bạn sinh viên và học sinh làm thêm để kiếm thu nhập, hy vọng rằng qua việc truyền nghề, thế hệ trẻ sẽ biết trân quý và giữ gìn truyền thống văn hóa. Anh cũng rất tự hào khi thấy các con mình dần nối nghiệp, dù còn nhỏ nhưng đã bắt đầu học nghề một cách nghiêm túc. Với sự ủng hộ từ vợ và gia đình, anh tin rằng tình yêu và sự cống hiến của mình sẽ truyền cảm hứng cho các con và duy trì truyền thống gia đình một cách bền vững.
Mong muốn truyền nghề cho thế hệ trẻ
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất và kinh doanh, anh Bình còn luôn ấp ủ hy vọng về việc làm đẹp và quảng bá làng nghề Phú Bình. Anh Bình chia sẻ: "Tôi hy vọng rằng, làng nghề lồng đèn Phú Bình sẽ ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến. Đặc biệt, là truyền tải được tình yêu và niềm đam mê với nghề truyền thống của ông cha ta đến với các bạn trẻ, đó cũng là mong ước lớn nhất của tôi.” Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình cho biết.
Em Nguyễn Đăng Khoa (sinh viên Trường Đại học Văn Hiến) được gia đình Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình hướng dẫn cách làm lồng đèn truyền thống.
Để thực hiện điều này, anh Bình dự định thiết lập một xưởng sản xuất, chiêu mộ các em học sinh, sinh viên có đam mê và muốn học nghề để đào tạo và truyền lại nghề làm lồng đèn thủ công cho các em. Anh cũng mong muốn có được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để có thể đầu tư và tân trang lại xóm lồng đèn Phú Bình từ đó phát triển làng nghề gắn liền với du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch đến tham quan và lan tỏa mạnh mẽ giá trị và văn hóa của làng nghề.
Nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách là người thầy giúp đỡ Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình nung nấu niềm tin yêu với những chiếc lồng đèn truyền thống.
Anh Bình tin rằng, với sự đồng lòng và hỗ trợ từ chính quyền cùng cộng đồng, làng nghề lồng đèn Phú Bình sẽ không ngừng phát triển và trở thành điểm đến hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo.
Anh Bình mong muốn làng lồng đèn Phú Bình cũng được lên đèn rực rỡ, được nhiều người đến tham quan như những phố đèn lồng hiện nay.
Những chiếc lồng đèn sáng rực rỡ không chỉ thắp sáng những con đường, mà còn thắp sáng cả những tâm hồn yêu nghệ thuật và văn hóa truyền thống. Làng nghề Phú Bình sẽ mãi là niềm tự hào, là ánh sáng dẫn lối cho các thế hệ mai sau.
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình - người “giữ lửa” làng nghề lồng đèn truyền thống.