Sự tích nhà rông văn hóa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhà rông là của làng, do dân làng làm và sử dụng. Nó mang yếu tố tâm linh, và cả vật chất. Thế mà một ngày đẹp trời nào đó, ngành văn hóa đẻ ra một thiết chế từ nhà rông, là nhà rông văn hóa.

Xem thêm các kỳ:

Sự tích nhà rông văn hóa - 1

Nhà thơ Văn Công Hùng ở nhà rông làng Kon Mahar, Đăk Đoa, Gia Lai

Chưa thấy ai giải thích rằng thì là tại sao những tộc người ở Trường Sơn Tây Nguyên lại làm cái nhà rông to và cao thế, trong khi cái đình người Việt lại bề thế chiều ngang chứ không chú trọng chiều cao. Không chỉ thế, những mái đao cong vút mềm mại còn làm cảm giác chiều cao, vốn dĩ đã không cao trong thực tế, trở nên gần gụi rất nhiều. Nhiều lúc tôi có so sánh, cái nhà rông nó như cái nhà thờ của Thiên chúa giáo còn cái đình nó như cái chùa của Phật giáo. Là nói về hình dáng chứ không dám đi sâu vào triết lý tôn giáo.

Ngay ở các tộc người Trường Sơn Tây Nguyên thì hình dáng nói chung, chiều cao nói riêng của nhà rông cũng khác nhau.

Lần đầu tiên vào khu du lịch "Một thoáng Việt Nam", tới chỗ có cái nhà rông rất đẹp do chính người Bahnar được mời xuống để dựng, rất công phu, tôi có nhận xét, nó hơi lai nhà rông Sê Đăng. Sau hỏi ra thì đúng là tốp nghệ nhân Bahnar ở Kon Tum được mời xuống làm cái nhà rông này ở gần vùng người Sê Đăng. Sau này, khi tiếp xúc với 2 nghệ nhân là Yoan và Yai người Jrai ở Plei Choet, Pleiku, tôi có hỏi ý này thì cả 2 ông đều bảo tôi nhận xét đúng.

Sự tích nhà rông văn hóa - 2

Nhà rông ở Khu du lịch Một thoáng Việt Nam

Các tộc người Trường Sơn Tây Nguyên kéo từ Quảng Bình vào tới Lâm Đồng, thực chất chỉ có một số tộc người phía Bắc Tây Nguyên là có nhà rông. Có thể trước đó tất cả mọi tộc người Tây Nguyên đều có nhà rông, nhưng hiện tại từ người Jrai Đăk Lăk trở vào người ta không thấy nhà rông nữa, mà thay thế bằng nhà dài, dù nhà dài và nhà rông công năng rất khác nhau, một bên là nhà ở gia đình, một bên nhà chung của làng.

Sự tích nhà rông văn hóa - 3

Nhà rông của người Jẻ Triêng Kon Tum

Có tộc người ở phía thấp của dãy Trường Sơn như Kơ Tu vùng Quảng Nam thì nhà rông thường nhỏ và thấp. Tên gọi cũng khác, họ gọi là nhà Gươl. Nhà rông của người Jẻ Triêng Kon Tum cũng nhỏ và thấp gần như Kơ Tu, trong khi sát đấy, nhà rông người Sê Đăng rất cao và hùng dũng. Người Sê Đăng cũng thường ở rất cao, đường lên rất hiểm trở.

Tôi từng có một chiều mưa sâm sẩm tối, trèo lên được cái làng Sê Đăng mà mướt mồ hôi và mỏi nhừ gối. Tất nhiên người làng thì họ đi thoăn thoắt, lại còn đeo gùi nữa. Một tiền bối đi cùng giải thích, người Sê Đăng có thiên hướng làm làng như pháo đài, họ chọn thế đất cao ở một lưng núi, đường lên rất hiểm trở, và có ai lên làng là biết ngay. Đã cao thế, mà cái nhà rông lại rất cao nữa, cao nhất trong hệ thống nhà rông Tây Nguyên. Người ta thường ví cái nhà rông Tây Nguyên như lưỡi búa ngược găm vào trời xanh là chính từ cái nhà rông Sê Đăng này, chứ nhà rông Jẻ Triêng, Bahnar hay nhà Gươl Kơ Tu nó như con gà mẹ giữa đàn gà con là các nhà sàn lúp xúp xung quanh chứ không vút cao ngạo nghễ, phi thường như thế.

Tất nhiên vút cao nhưng vẫn hài hòa, mềm mại, cái tài của nhà rông là như thế. Cũng nhờ thế mà nó tồn tại được giữa những cơn gió Tây Nguyên cực kỳ hung hãn. Cái nhà rông đẹp nhất ở Tây Nguyên cho đến giờ mà những người từng sống từ thời ấy đều công nhận là nhà rông làng Kà Đừ của người Sê Đăng Sa Thầy. Bây giờ hình như làng Kà Đừ thuộc thị trấn Sa Thầy.

Sự tích nhà rông văn hóa - 4

Nhà rông của người Bahnar

Năm 1981, khi tôi lên Gia Lai Kon Tum nhận công tác thì nghe tin cái nhà rông làng này vừa bị sét đánh cháy. Hồi ấy giao thông khó khăn, từ Pleiku lên Sa Thầy nhanh thì trọn một ngày, không thì hai ngày, mà cái tin nhà rông làng Kà Đừ cháy về tận Pleiku thì chứng tỏ nó phải như thế nào, bởi như đã nói, nhà rông là của làng, do làng sở hữu. Hồi ấy nhà rông rất nhiều, các làng đều có nhà rông, vậy nên cái nhà rông của một làng cháy mà tới tận Pleiku biết thì nó phải hoành tráng tới cỡ nào.

Phải mấy năm sau tôi mới có dịp lên Sa Thầy, và vẫn thấy cái nhà rông cháy ở đấy. Nó gần như bị sét bổ làm đôi. Có người ví, nó như sét đánh sét thôi. Hai lưỡi sét chém nhau, một lưỡi sét của trời, một lưỡi sét của người.

Về số lượng nhà rông thì tỉnh Kon Tum nhiều nhất. Và ở đây cũng có một ông bí thư "cứu" nhà rông một cách thiết thực nhất.

Ông là Sô Lây Tăng, bác sĩ, người dân tộc Jẻ. Từ bác sĩ, ông làm giám đốc sở rồi chủ tịch rồi bí thư tỉnh Kon Tum. Ông là người từng... dọa Quốc hội là nếu không đồng ý cho quê ông (Hồi ấy đang là tỉnh chung Gia Lai Kon Tum, chưa tách ra như giờ để nghe đâu lại đang có đề án để... nhập lại) làm thủy điện Ia Ly thì ông sẽ... đóng khố đi họp quốc hội.

Hồi ấy, chuyện ấy nó động trời và ông nói là làm thật, chứ không như giờ, để hô hào bảo tồn bản sắc, có những người chả liên quan gì cũng chơi bộ quần áo dân tộc bản địa Tây Nguyên vào ngúng nguẩy đi lại trên... ti vi hoặc những chỗ hội họp đông người. Và có thể là... sợ ông làm thật nên cái thủy điện Ia Ly được khởi công và giờ mỗi năm nó cung cấp đâu chừng 4 tỷ KWh cho lưới điện quốc gia.

Trước đấy, nhà rông nó đương nhiên ở các buôn làng của các dân tộc có nhà rông. Tất nhiên, có những nhà rông đã cũ, đã cháy như nhà rông Kà Đừ chẳng hạn, không phải ngày một ngày hai làm lại được. Nhà rông là của làng, do dân làng làm và sử dụng. Nó mang yếu tố tâm linh, và cả vật chất. Nhà rông càng to càng đẹp thì làng ấy càng giàu càng hùng mạnh. Còn yếu tố tâm linh thì tất nhiên rồi. Nhà rông, nó rất văn hóa, rất nhân văn, rất truyền thống, rất bản sắc, rất dân tộc, rất... mọi nhẽ, để là một biểu tượng Tây Nguyên, để khi nhắc tới Tây Nguyên người ta phải bàn tới nó...

Thế mà một ngày đẹp trời nào đó, ngành văn hóa đẻ ra một thiết chế từ nhà rông, là nhà rông văn hóa (cứ như là trước đấy nhà rông không... văn hóa). Nhà rông văn hóa sẽ do nhà nước đầu tư xây dựng, đa phần làm bằng bê tông sắt thép, lợp tôn, sơn màu lòe loẹt, và quan trọng là, nó nằm ở xã, hoặc trung tâm hoặc sát trung tâm, nó không thuộc làng nào cả.

Sự tích nhà rông văn hóa - 5

Nhà rông văn hóa bằng bê tông, sắt thép ở xã Gào, Pleiku

Cách đây mấy chục năm mà giá thành một cái nhà rông đã 200 triệu, gồm 100 triệu vỏ nhà và 100 triệu ruột. Ruột gồm máy nổ, máy chiếu video, nhạc cụ dân tộc sách báo vân vân. Hồi ấy các xã làm xong nhà rông văn hóa là xoa tay hể hả, coi như là đã mang văn hóa về xã, khánh thành rộn ràng lắm, vác trâu về nhà rông... đâm, phong lên thành lễ hội.

Cả chục, thậm chí vài chục năm tưng bừng như thế, một ngày nhà rông văn hóa chết. Đơn giản một ví dụ rất nhỏ, là có máy nổ, có đầu chiếu video nhưng xăng ở đâu để chạy máy nổ, tiền đâu đi thuê băng về chiếu, tiền đâu mua bóng điện về thay nếu nó cháy, ai trực nhà rông (thời ấy chức danh văn hóa xã chưa có như bây giờ). Chưa kể, như đã nói, đời sống cư dân Tây Nguyên là trong phạm vi làng, cái gì ngoài làng là không phải của mình. Nhà rông đâu chỉ phải là chỗ xem phim, lên nghe... nghị quyết. Còn cúng Yang, còn họp làng, còn nhiều việc nữa, kể cả lên đấy nghe Hơ ri, khan, ngủ...

Vô lý nhất nữa là, cái nhà rông của người ta hàng vạn năm như thế, giờ nhà nước nhúng tay vào, đẻ ra một công đoạn là... thiết kế. Thiết kế nhà rông văn hóa. Không có bản thiết kế thì không được duyệt để đưa vào kế hoạch để cấp kinh phí. Mà ông thiết kế vào thì việc đầu tiên là ngoéo ngay 10% gọi là thiết kế phí.

Trong một hội thảo ở thành phố Kon Tum về nhà rông, tôi lên dự với tư cách phóng viên báo Văn Hóa, ông bí thư Sô Lây Tăng đến dự, phát biểu một câu sau tôi rút làm tít báo "Không chi thiết kế phí cho nhà rông, cương quyết không chi"...

(Còn tiếp)...

Xem thêm các kỳ:

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài và ảnh: Văn Công Hùng

CLIP HOT