Việt Nam nên làm gì để thu hút khách quốc tế?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng chương trình đón khách quốc tế trong năm 2022. Các đại sứ và đại diện cơ quan du lịch từ nhiều quốc gia đều kỳ vọng khôi phục kết nối và trao đổi khách với thị trường Việt Nam.

Du khách Thái Lan vẫn luôn yêu thích Việt Nam 

Việt Nam nên làm gì để thu hút khách quốc tế? - 1

"Việt Nam đã mở cửa tiếp nhận khách du lịch nước ngoài tại một số vùng thí điểm, bằng cách thiết lập các biện pháp an toàn theo điều kiện, tiêu chuẩn y tế. Đây là cơ hội để các công ty lữ hành trên thế giới quay lại mở dịch vụ bán tour Việt Nam; đặc biệt là những du khách Thái Lan đánh giá cao và thích đi du lịch Việt Nam từ trước khi có Covid-19" - bà Ratiwan Boonprakhong, Giám đốc Văn phòng TP.HCM, Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết.

Chính phủ cũng như doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần sử dụng công nghệ thông tin để giao tiếp với du khách, chú trọng thông điệp nhất quán. Đối với các sản phẩm và dịch vụ du lịch, cần tập trung trình bày những điểm độc đáo, nét tự nhiên, trải nghiệm bản địa, sự hiếu khách... vốn là thế mạnh của Việt Nam mà du khách Thái Lan đánh giá cao. Nhấn mạnh vào việc xây dựng niềm tin vào quản lý du lịch an toàn và các biện pháp sức khỏe cộng đồng, từ quy trình đầu tiên khi khách đến cho đến quy trình cuối cùng khi khách du lịch rời đi.

Để nối lại hoạt động du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan, bà Ratiwan Boonprakhong cho biết nếu có thể, nên nới lỏng một số biện pháp kiểm dịch của khách du lịch, cho phép du khách Việt Nam đi du lịch quốc tế, giảm bớt các quy định cũng như thời gian cách ly với điều kiện kiểm soát được tình hình dịch bệnh của cả 2 nước và thế giới. Việt Nam có thể bắt đầu nới lỏng ở cấp độ các nước ASEAN, bắt đầu từ các thành phố du lịch lớn của Việt Nam có cơ hội tiếp nhận khách du lịch nước ngoài, chẳng hạn như các nơi thí điểm mà Việt Nam đang thực hiện.

Du lịch cưới là cơ hội mới cho Việt Nam và Ấn Độ

Việt Nam nên làm gì để thu hút khách quốc tế? - 2

Cả Việt Nam và Ấn Độ đều có những điểm đến du lịch đầy tiềm năng. Ấn Độ đã triển khai nhiều sáng kiến để tạo thuận lợi cho khách du lịch, trong đó mở cửa đón khách quốc tế từ 15/11/2021. Ấn Độ cũng đang thúc đẩy quảng bá du lịch trong quá trình phục hồi đất nước và hoạt động đi lại trên thế giới dần bình thường, bao gồm đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ. 

Mới đây, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM và UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội thảo trực tuyến "Du lịch cưới tại Ấn Độ & Việt Nam". Ngài Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết du lịch cưới sẽ mang đến cơ hội mới, và du lịch tiếp thêm sức mạnh để mối quan hệ giữa hai nước phát triển hơn. Càng nhiều người dân từ Ấn Độ đến Việt Nam, để thấy những bước phát triển của Việt Nam hoặc ngược lại thì càng xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Kerala (Ấn Độ) và Kiên Giang (Việt Nam) có tiềm năng hợp tác về du lịch cưới, cũng mở ra cơ hội lớn hơn cho cả hai nước. "Sự khởi đầu của đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ vào 2019 là bước tiến tích cực, nhưng đã bị gián đoạn vì Covid-19. Chúng tôi hi vọng rằng khi tình hình bình thường trở lại thì đường bay được phục hồi, tạo chất xúc tác để thúc đẩy du lịch giữa hai quốc gia" – Đại sứ Pranay Verma nói.

Theo bà Jyoti Mayal - Chủ tịch Hiệp hội các Đại lý du lịch Ấn Độ (TAAI), Việt Nam là quốc gia gần gũi với Ấn Độ và sở hữu cơ sở hạ tầng du lịch phát triển, các bãi biển đẹp và điểm đến mới lạ. Vì vậy TAAI rất muốn quảng bá Việt Nam là nơi tổ chức đám cưới nổi tiếng ra thế giới và tại Ấn Độ.

Với mỗi người Ấn Độ, đám cưới là cột mốc lớn trong cuộc đời nên thường được tổ chức trong nhiều ngày và rất đông khách. Theo TAAI, dù trong bối cảnh Covid-19 nhưng người Ấn Độ đã tổ chức 1,2 triệu đám cưới năm 2020, so với 2,1 triệu đám cưới vào năm 2019. Trong thời gian tới, người Ấn Độ sẽ tiếp tục tổ chức đám cưới ở nước ngoài.

Du lịch cưới có thể là nhân tố quyết định, giúp Việt Nam nổi lên thành điểm đến quốc tế. Loại hình này cũng mang đến hiệu quả lớn về kinh tế và cộng đồng địa phương, do nhu cầu đa dạng về mặt tổ chức đòi hỏi rất nhiều bên tham gia cung ứng, từ việc nhảy múa, biểu diễn, quà tặng, ẩm thực, trang trí, địa điểm hay thậm chí cả máy bay trực thăng và du thuyền….

Hãy đặt khách du lịch là trung tâm

Việt Nam nên làm gì để thu hút khách quốc tế? - 3

"Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch nên chọn cách tiếp cận 'lấy khách hàng là trung tâm'. Trước khi làm trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam, tôi đã từng là người đứng đầu bộ phận Digital Marketing (Tiếp thị số - PV) ở JNTO tổng bộ tại Nhật Bản. Ở đó chúng tôi cũng tập trung vào việc nắm bắt nhu cầu khách hàng thông qua việc vận dụng những hình thức truyền thông kỹ thuật số" – ông Yoshida Kenji, Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, dù nắm bắt được nhu cầu của khách hàng mà không có sản phẩm du lịch có thể đáp ứng được những kỳ vọng đó thì cũng không có ý nghĩa gì. Vì vậy, cần thiết phải kết hợp xem xét nhiều cách tiếp cận. Việt Nam có rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn, vì thế việc tích cực quảng bá trên những nền tảng mạng xã hội (SNS) hay bằng các video sẽ là cách hiệu quả.

Theo khảo sát của JNTO, đối với khách du lịch Việt Nam, những cảnh quan thiên nhiên (như hoa anh đào, lá đỏ, những cánh đồng hoa…), suối nước nóng, hoạt động mua sắm đặc biệt được ưa chuộng, cũng như rất nhiều người dành lời khen ngợi cho sự nghiêm túc, tận tụy và tử tế của con người Nhật Bản.

Cũng trong khảo sát này, Hokkaido đã được lựa chọn là điểm đến được nhiều người Việt yêu thích nhất. Ở Hokkaido, du khách không những có thể tận hưởng những món ăn ngon, những cánh đồng hoa đẹp, suối nước nóng mà còn có thể trải nghiệm văn hóa thủ công truyền thống, chơi các môn thể thao tuyết, tìm hiểu về văn hóa dân tộc, chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ….

"Dù còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở cả Việt Nam lẫn Nhật Bản nhưng JNTO hy vọng rằng quan hệ trao đổi khách hai chiều sẽ phục hồi sớm nhất có thể về con số trước khi dịch Covid-19 diễn ra" - ông Yoshida Kenji nói.

Mong khách quốc tế có thể tới thăm cả Singapore và Việt Nam

Việt Nam nên làm gì để thu hút khách quốc tế? - 4

Bà Sherleen Seah - Trưởng đại diện, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tại Việt Nam cho biết trong cuộc khảo sát gần đây của STB về nguyện vọng du lịch với hơn 2.000 người Việt Nam trên toàn quốc, hầu hết cho biết họ chú trọng hơn về an toàn cũng như trải nghiệm chân thực và phong phú tại một điểm đến, đặc biệt là ở nhóm tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Rất nhiều người thực sự muốn đi du lịch nước ngoài, nhưng chỉ cần đến một điểm đến gần là đã đáp ứng được nhu cầu của họ.

Hiện tại, Singapore mở hành lang du lịch dành cho người có "hộ chiếu vaccine" cho 24 quốc gia, và đa số đều được áp dụng hai chiều. Điều này không chỉ giúp hồi sinh ngành hàng không và du lịch khỏi ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, mà còn giúp hồi sinh cả nền kinh tế. Đây là một bước gần hơn đến quá trình hồi phục chậm rãi nhưng an toàn. Phía STB cũng rất vui khi thấy Việt Nam đã bắt đầu quá trình hồi phục.

Theo bà Sherleen Seah, điều thực sự quan trọng là phải có sự công nhận lẫn nhau của các chứng chỉ vaccine để việc đi lại hai chiều được tiếp tục. Hiện tại chỉ có một chiều, là sự công nhận tạm thời của chính phủ Việt Nam để tiếp nhận khách du lịch. Ngoài ra, việc người Việt Nam đi du lịch nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, điều này có thể cản trở sự phục hồi của ngành hàng không và du lịch. Vì vậy, việc cho phép người dân du lịch nước ngoài cần được xem xét song song với việc tiếp nhận khách đến.

"Chúng tôi hy vọng rằng cả hai phía chính phủ nhanh chóng xem xét giấy chứng nhận tiêm chủng và thông qua để các hãng hàng không có thể bắt đầu các chuyến bay giữa Singapore và Việt Nam. Hành khách từ khắp nơi trên thế giới ghé qua Singapore cũng có thể đến và thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp" – bà Sherleen Seah cho biết.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Nam (Báo VOV)