TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM có điểm trung bình các môn thi xếp trong nhóm 10 cả nước; nhiều năm có kết quả đứng đầu khối thi đua 5 TP trực thuộc Trung ương. Với môn tiếng Anh, TP có kết quả cao nhất cả nước. Các môn Toán, Ngữ văn cũng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW.

TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - 1

Hội nghị có sự tham dự của tất cả các quận huyện và các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trên địa bàn TPHCM.

Chiều 9/1, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết 29) ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đến dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; PGS-TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; cùng đại diện của tất cả các quận huyện và các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trên địa bàn TPHCM.

TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - 2

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo báo cáo của Thành ủy TPHCM, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-MQ/TW, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị TPHCM đã triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể, mang lại nhiều kết quả tích cực trong giáo dục và đào tạo.

Theo đó, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo TP đã thực hiện đổi mới có hiệu quả các phương pháp giáo dục và đào tạo; hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; tổ chức các tiết học mở, ngoài trời và phát huy các phương pháp dạy học tích cực, triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh theo chuẩn quốc tế.

Cùng với đó là tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh.

TPHCM cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu khoa học theo hướng mở rộng, thực chất hơn; tổ chức, vận hành hiệu quả các câu lạc bộ học thuật, nghiên cứu khoa học; áp dụng giáo dục STEM với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Học sinh phổ thông của TP được đánh giá có năng lực sử dụng tiếng Anh cao nhất cả nước trong 6 năm liên tục. Đối với bậc đại học, TP triển khai hệ thống trợ lý giảng dạy, hỗ trợ giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá.

Cùng với đó là hoạt động xây dựng chương trình theo hướng tinh giản nội dung; phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn đã được chú trọng thực hiện. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia hàng năm, TP có điểm trung bình các môn thi xếp trong nhóm 10 cả nước; nhiều năm có kết quả đứng đầu khối thi đua 5 TP trực thuộc Trung ương. Với môn tiếng Anh, TP có kết quả cao nhất cả nước. Các môn Toán, Ngữ văn cũng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Những năm qua, TP cũng đã triển khai các chế độ, chính sách đặc thù riêng nhằm thu hút đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ngành giáo dục và đào tạo. Theo đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức của ngành được hưởng chế độ thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 và Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 07 tháng 4 năm 2022 của Hội đồng Nhân dân TP; 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, phổ thông dân lập, tư thục hưởng các chế độ chính sách theo Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND ngày 14 tháng 6 năm 2014 của Hội đồng Nhân dân TP.

Bên cạnh các chính sách tiền lương hiện hành, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo còn được chi thu nhập tăng thêm căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại hàng quý.

Riêng giai đoạn 2013 - 2023, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên tổng chi ngân sách của TPHCM hàng năm đạt tỷ lệ từ 20% đến 31%, bình quân đạt khoảng 24%, đảm bảo tỷ lệ chi tối thiểu là 20% so với chỉ tiêu đề ra. Cùng với đó, TP ban hành các chính sách thu hút các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - 3

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Giai đoạn 2013 - 2022, TP đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 10.000 phòng học, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh. TP cũng thực hiện các chính sách tín dụng ưu tiên, hỗ trợ học bổng, tài chính cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng trong giáo dục và đào tạo, giúp các em yên tâm học tập.

Chỉ tính riêng năm học 2022 - 2023, TPHCM thực hiện miễn giảm học phí cho học sinh các dân tộc với số tiền khoảng 1,7 tỷ đồng. Các tổ chức, hội đoàn của TP cũng thực hiện chăm lo cho học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn qua việc trao tặng các suất học bổng, trang thiết bị và dụng cụ học tập...; miễn giảm học phí cho học sinh hộ nghèo, cận nghèo khoảng 14 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh diện hộ nghèo và học sinh khuyết tật khoảng 5 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non khoảng 450 triệu đồng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hữu Long

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!